Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lịch sử Đảng trong hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thứ Năm, ngày 19 tháng 1 năm 2023 - 14:08 Đã xem: 9332

Công tác giáo dục lịch sử Đảng đối với thế hệ trẻ tại các nhà trường có vai trò quan trọng. Trong những năm qua, hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh đã áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy, hình thức sinh hoạt ngoại khóa để giúp học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức về Lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc. Trong bối cảnh mới với sự bùng nổ thông tin của cuộc cách mạng thông tin 4.0, đòi hỏi cần có các giải pháp tích cực để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lịch sử Đảng góp phần vào giáo dục lý tưởng, củng cố, bồi đắp niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, niềm tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ hiện nay.

Chung khảo Cuộc thi "Tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang" năm 2022

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”. Vì vậy, việc trang bị tri thức để thế hệ trẻ biết và hiểu đúng về sự lãnh đạo của Đảng, cũng như về lịch sử đấu tranh của dân tộc có ý nghĩa quan trọng, giúp thế hệ trẻ bồi đắp lòng tin yêu, tự hào về những đóng góp của Đảng cho đất nước, cho lịch sử nhân loại. Qua đó, nâng cao bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng phản bác lại những luận điệu xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng.

Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, từ năm 2018 đến nay, công tác tuyên truyền lịch sử Đảng cho học sinh, sinh viên được các cấp, các ngành, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm thông qua tổ chức hoạt động kỷ niệm 90 thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2020) và 80 năm thành lập chi bộ Mỏ Than - Chi bộ đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang (20/3/1940 - 20/3/2020); Lễ kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh (4/11/1831 - 4/11/2021) và 30 năm tái lập Tuyên Quang (1991-2021); kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (02/4/1947 - 02/4/2022). Các Hội thảo khoa học: “Tuyên Quang trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh”,“75 năm Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến - Tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại” do Tỉnh ủy Tuyên Quang phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện; Hội thảo khoa học “Tuyên Quang - 60 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ (1961-2021) do Ban Tuyên giáo chủ trì. Tổ chức các cuộc thi: "Bác Hồ với Tuyên Quang, Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến", "Tìm hiểu tỉnh Tuyên Quang - 190 năm hình thành và phát triển (1831 - 2021), "Tìm hiểu các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang"... Triển khai xây dựng các chuyên mục tư liệu, sự kiện biên tập trong các tài liệu tuyên truyền dưới hình thức infographic đăng tải trên hệ thống trang thông tin điện tử, mạng intenet, mạng xã hội, sử dụng hệ thống truyền thanh không dây...

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn, phát hành, hướng dẫn sử dụng tài liệu “Giảng dạy lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang” tại các chương trình lý luận chính trị cho học sinh, sinh viên tại Trường Đại học Tân Trào, Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ, học viên các lớp trung cấp tại Trường Chính trị tỉnh và cho học viên các lớp sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng nhận thức về Đảng, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới tại các trung tâm chính trị cấp huyện của tỉnh. Công tác biên soạn, đưa nội dung lịch sử Đảng, lịch sử địa phương tích hợp trong chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử, giáo dục công dân tại các trường phổ thông được quan tâm. Nhiều trường học đã đổi mới công tác giáo dục lịch sử cho học sinh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, bồi dưỡng được phương pháp tự học, tự rèn luyện, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm hứng thú, say mê trong học tập lịch sử Đảng, lịch sử địa phương.

Tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong các nhà trường đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử địa phương với nhiều phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp, như: Tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh, liệt sỹ, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sỹ; tổ chức các cuộc thi trắc nghiệm, tự luận, tìm hiểu trên mạng thông tin điện tử, mạng xã hội... Thông qua các hoạt động tuyên truyền lịch sử giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc về truyền thống cách mạng của Đảng, quê hương, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tin của thế hệ trẻ vào sự lãnh đạo của Đảng.

Hoạt động ngoại khóa tổ sử - địa - giáo dục công dân của Trường THPT Tân Trào (Ảnh: Internet)

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lịch sử Đảng trong hệ thống giáo dục cũng còn những tồn tại, bất cập. Một trong những nguyên nhân quan trọng là chưa tạo được hứng thú cho học sinh, sinh viên, điều này đòi hỏi phải đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhà trường, đảng viên, giáo viên, học sinh đối với công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra, góp phần củng cố niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

Qua thực tiễn giáo dục Lịch sử Đảng trong thời gian qua, có thể nêu một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lịch sử Đảng trong hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

Thứ nhất, cần quan tâm đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng tăng thực hành kỹ năng, giảm tải thời lượng lý thuyết, gắn lý luận với thực tiễn, tăng tương tác, đối thoại giữa giáo viên và học sinh, kết hợp phương pháp giáo dục truyền thống với giáo dục hiện đại, tạo khả năng thu hút, hấp dẫn người học. Nếu như trong giờ học chính thức, phương pháp giảng dạy truyền thống - thuyết trình vẫn có ý nghĩa nhất định, thì kết hợp với phương pháp khác như thảo luận, tranh luận, thực tế... là cần thiết. Trong điều kiện sự bùng nổ thông tin hiện nay, giáo viên cần tăng hoạt động theo hướng dẫn dắt học sinh để giúp học sinh thông qua việc phân tích, đánh giá sự kiện, nhân vật, biết rút ra những bài học lịch sử, biết đánh giá, phê phán và nêu ra những quan điểm về một vấn đề. Khi đọc sách, đọc báo cáo hay bất kỳ thông tin nào, cá nhân cần nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng, đọc tài liệu thì phải đào sâu suy nghĩ, không tin một cách mù quáng từng câu trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất kỳ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên theo sách vở một cách xuôi chiều. Dù đọc có bao nhiêu sách mà không biết tóm tắt hay nắm được nội dung cơ bản thì thật khó đạt hiệu quả cao.

Thứ hai, trong điều kiện công nghệ thông tin hiện nay, việc vận dụng các loại hình truyền thống mới, sử dụng hiệu quả intenet và mạng xã hội là một phương pháp cần quan tâm, đây cũng là phương pháp để giúp học sinh nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lịch sử Đảng.

Thứ ba, tăng cường các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng... được tổ chức hiệu quả trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương, của cơ quan, đơn vị, các hoạt động về nguồn, noi gương người tốt, việc tốt... Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho học sinh, sinh viên thông qua tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, hoạt động từ thiện, mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo... có thể thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.

Hoạt động đọc sách lý luận cũng là một hình thức sinh hoạt ngoại khóa thu hút được sự quan tâm của thế hệ trẻ. Những công trình về lịch sử Đảng không chỉ xuất hiện trong kệ sách của thư viện, hoạt động hướng dẫn người đọc và trao đổi với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đang thu hút một bộ phận học sinh, sinh viên. Ngoài buổi nói chuyện chuyên đề, việc tổ chức các hoạt động “tham quan” qua ảnh các di tích lịch sử, văn hóa, chương trình giáo dục lịch sử truyền thống nói chung, lịch sử Đảng nói riêng tạo được hiệu ứng tốt cho học sinh, sinh viên.

Hoạt động sinh hoạt ngoại khóa có thể xen kẽ với việc tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết... của Đảng và Nhà nước đến với học sinh, sinh viên. Đó không chỉ là truyền tải nội dung mà còn là hướng dẫn và định hướng việc hiểu và việc hiện thức hóa những quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Khi người học hiểu được giá trị của các chủ trương, chính sách và đường lối đó, thì chính học sinh, sinh viên là lực lượng bảo vệ nền tảng tư tưởng và phát triển vững mạnh của Đảng.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục lịch sử Đảng là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi cần được lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, phối hợp triển khai đồng bộ, kết hợp với nhiều yếu tố về chủ trương, cơ chế, chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới chương trình giáo dục, chương trình ngoại khóa... Việc nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong hệ thống giáo dục cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhà trường trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, giáo dục, dạy và học; khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ, góp phần định hướng tư tưởng và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước hiện nay.

Nguyễn Văn Đức

Xem tin theo ngày:   / /