Hiệp định Paris ký ngày 27/1/1973 là bước ngoặt lịch sử, khẳng định thắng lợi trên các mặt trận ngoại giao, chính trị, quân sự, kết hợp thành công sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta. Thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược, tạo nên cục diện mới để quân và dân ta tiến lên với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở Việt Nam.

Ảnh minh hoạ: Tất Thắng
Hiệp định Paris được ký kết cách đây tròn nửa thế kỷ đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Hiệp định Paris là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện nhất, đầy đủ nhất ghi nhận các quyền cơ bản của Nhân dân Việt Nam; là sự công nhận chính thức của quốc tế đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại này là kết tinh thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trên mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Đồng khởi Bến Tre năm 1960, đến Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Tiến công chiến lược Xuân-Hè năm 1972 và chiến thắng vang dội 12 ngày đêm “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”. Ngoại giao đã trở thành một mặt trận tiến công, kết hợp nhuần nhuyễn và chuyển hóa hoàn toàn thắng lợi trên mặt trận chính trị, quân sự thành thắng lợi trên bàn đàm phán, thể hiện sáng ngời bản lĩnh, cốt cách và trí tuệ Việt Nam, thấm đượm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh [1].
Điều quyết định để Việt Nam có quyền thương thảo với Mỹ trên bàn đàm phán, đó là thế cân bằng trên chiến trường, chiến trường có thắng được, chúng ta mới có thể đưa ra những yêu cầu cao đối với Mỹ, mới yêu cầu Mỹ rút quân và quân đội ta vẫn ở lại miền Nam. Do đó đối thoại ở Paris là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bàn Hội nghị và chiến trường. Việc chủ động bước vào cục diện "vừa đánh, vừa đàm" thực sự là một sáng tạo lớn của Đảng ta, thể hiện sự độc lập tự chủ về đường lối. Đây cũng là bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu đối với chúng ta. Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một nên ở đâu trên lãnh thổ chúng ta có quân xâm lược thì người Việt Nam có quyền đến đấy để bảo vệ Tổ quốc của mình [2]. Điều này đã được các nhà ngoại giao Việt Nam vận dụng rất khôn khéo trên bàn đàm phán nên chúng ta tranh thủ được dư luận rất lớn và tranh thủ được phong trào chống chiến tranh ở Mỹ. Thắng lợi của Hiệp định Paris cho chúng ta bài học kinh nghiệm: Chúng ta phải kiên định, kiên trì vì chúng ta có chính nghĩa. Khi có chính nghĩa, chúng ta đề ra đường lối đấu tranh, đàm phán; kiên trì với mục tiêu đó để đi đến thắng lợi. Cuối cùng, điều cần thiết đó là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết Nhân dân toàn thế giới để lấy lại hoà bình cho Việt Nam.
Từ một nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, có vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, có chính trị - xã hội ổn định, có nền kinh tế phát triển năng động, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, đời sống Nhân dân không ngừng cải thiện. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới. Việt Nam cũng là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM… Những thành tựu to lớn này càng minh chứng cho ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris và giá trị của chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Trong bối cảnh và nhiệm vụ mới, đặt ra nhiều yêu cầu mới, nhưng cốt lõi, chúng ta vẫn phải bắt đầu từ việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, tu dưỡng đạo đức, phong cách sống, tinh thần cống hiến, có tình yêu quê hương đất nước, con người, văn hoá Việt Nam, và luôn nuôi dưỡng những khát vọng cao đẹp của tuổi trẻ.
Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ôn lại và giáo dục truyền thống vẻ vang của Cách mạng Việt Nam, mà còn giúp thế hệ trẻ ngày nay nghiên cứu sâu sắc, vận dụng sáng tạo các bài học lịch sử rút ra từ Hội nghị Paris; để sống, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với thế hệ cha anh, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao./.
1. Mạnh Hùng, Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, 17/01/2023.
2. Diệp Anh, Hiệpđịnh Paris 1973 - Bản lĩnh ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, Báo điện tử Chính phủ, 16/01/2023.
Đỗ Hồng Thanh