Nông, lâm nghiệp là một trong những lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, là một trong ba lĩnh vực đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Ảnh minh hoạ: Tất Thắng
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành, triển khai Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững và Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, liên kết chuỗi; duy trì hiệu quả 05 vùng sản xuất hàng hóa (vùng rừng trồng 190.000 ha, vùng cam trên 8.000 ha, vùng chè 8.400 ha, vùng bưởi 5.000 ha, vùng mía 2.200 ha) và trên 50 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ (chuỗi sản xuất, chế biến chè; gỗ rừng trồng; mía đường; dong giềng; mật ong; trâu thịt; cá đặc sản...). Xây dựng được 62 sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản có nhãn hiệu hàng hóa; 24 cơ sở được cấp chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 191 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (150 sản phẩm 3 sao, 41 sản phẩm 4 sao, 01 sản phẩm 5 sao); có 04 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ như: Cam sành Hàm Yên; chè Shan tuyết, huyện Na Hang; Bưởi Soi Hà, huyện Yên Sơn, Trâu ngố Chiêm Hóa, huyện Chiêm Hóa,... được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Xây dựng, triển khai thực hiện Nghị quyết, Đề án về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, phấn đấu xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất chế biến của các tỉnh miền núi phía Bắc, gắn với xây dựng nông thôn mới và du lịch sinh thái. Giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 9%/năm; năng suất rừng trồng đạt bình quân 22m3/ha/năm; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 5,5 triệu m3...; bình quân hằng năm trồng mới trên 11.500 ha rừng, duy trì hiệu quả trên 190.000 ha rừng trồng sản xuất, trong đó có gần 43.900 ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), góp phần tăng giá trị kinh tế rừng trồng lên 15-20%. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững, duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 65%, là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước. Công nghiệp chế biến lâm sản được duy trì, thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, hình thành các chuỗi liên kết, tạo việc làm ổn định cho trên 2.800 lao động làm việc trực tiếp tại các cơ sở sản xuất và hằng trăm nghìn lao động trồng rừng tại địa phương, là một trong những tỉnh đứng đầu về trồng rừng và chế biến gỗ rừng trồng. Triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, triển khai Đề án xây dựng huyện Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đến nay, toàn tỉnh có 01/07 đơn vị cấp huyện và 62/122 xã (đạt 50,8%) đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong thời gian tới, Tuyên Quang tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức sản xuất hiệu quả ngành nông, nghiệp, thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững gắn với công nghiệp chế biến, tập trung vào các vùng sản xuất hàng hóa, sản phẩm chủ lực hiện có của tỉnh; tăng diện tích sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch (vietgap, hữu cơ...). Đến năm 2025 kiên cố hóa 300 km kênh mương nội đồng, năm 2023 dự kiến 62,7 km. Nâng cao hiệu quả phát triển lâm nghiệp, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 tốc độ tăng quân giá trị sản xuất đạt thêm 9%/năm, trồng trên 48.500 ha rừng tập trung (trong đó năm 2023 trồng trên 9.700 ha); duy trì diện tích rừng trồng trên 190.000 ha, tăng diện tích rừng cấp chứng chỉ FSC lên trên 90.000 ha vào năm 2026; duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 65%; tiếp tục thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2023 tăng trên 4%, xây dựng Tuyên Quang là Trung tâm lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, đảm bảo toàn diện, hiệu quả, bền vững, chất lượng đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Phấn đấu đến hết năm 2025, có 85 xã đạt chuẩn; huyện Hàm Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới./.
B.H