
Ảnh minh hoạ: Tất Thắng
Bấy giờ, khi tổ chức và Lãnh đạo Cách mạng của cả ba Nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Đảng Cộng sản Đông Dương đã luôn làm tròn vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình. Cuộc kháng chiến của ba nước Đông Dương có cùng chung một mục tiêu, cùng một chiến trường, nhưng mỗi Nước đã có những bước phát triển riêng biệt. Tình hình đó đòi hỏi mỗi Nước cần phải thành lập một chính Đảng Cách mạng theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, trực tiếp đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử trước dân tộc mình và chủ động góp phần vào sự nghiệp Cách mạng chung của Nhân dân ba Nước.
Tại Việt Nam, kể từ khi có Đảng (03/02/1930), tình hình có những chuyển biến căn bản. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đưa Nhân dân ta từ người mất nước lên người làm chủ đất nước. Do dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, Nhân dân ta lại phải tiếp tục cầm súng đứng lên đánh giặc để bảo vệ nền tự do, độc lập. Qua hơn 5 năm chiến đấu, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta đã liên tiếp thu được nhiều thắng lợi. Thực dân Pháp ngày càng sa lầy vào cuộc chiến do chính họ phát động. Thế và lực của cuộc kháng chiến từ sau chiến thắng biên giới có bước phát triển vượt bậc.
Từ năm 1950, phong trào cách mạng trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Hệ thống Xã hội Chủ nghĩa đã được củng cố và tăng cường về mọi mặt. Phong trào giải phóng dân tộc tiếp tục phát triển làm rung chuyển hậu phương của chủ nghĩa đế quốc. Phong trào bảo vệ hoà bình thế giới trở thành phong trào quần chúng rộng rãi. Và đến năm 1951, tình hình trên thế giới và ngay trong nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, đặt ra những yêu cầu cấp bách, đòi hỏi Đảng ta giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn để đưa cách mạng tiến lên. Cũng trong lúc này, lực lượng kháng chiến của Nhân dân Lào và Campuchia đã trưởng thành và ngày càng lớn mạnh. Yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam đặt ra cho Đảng ta phải bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, phải tăng cường hơn nữa sức chiến đấu và lãnh đạo của Đảng cho phù hợp với yêu cầu. Và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được triệu tập nhằm đáp ứng những đòi hỏi bức thiết đó.
Tại Tuyên Quang đã từng diễn ra rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, gắn với sứ mệnh xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 766.349 đảng viên. Đại hội đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta, từ hoạt động bí mật dưới tên gọi Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương ra hoạt động công khai. Chủ tịch Đảng được bầu tại Đại hội là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư được bầu tại Đại hội là đồng chí Trường Chinh. Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu tại đại hội gồm 29 uỷ viên và Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội gồm 7 uỷ viên. Nhiệm vụ chính: Đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn [1].
Đại hội đề ra nhiều chính sách, chủ trương cụ thể để động viên sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm giành thắng lợi, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược và đánh đổ các thế lực phong kiến tay sai của chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc, thực hiện dân chủ nhân dân tiến lên làm Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II đã nghiên cứu và thảo luận Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam của Đồng chí Trường Chinh, Báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng của đồng chí Lê Văn Lương và Báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền dân chủ Nhân dân, Quân đội nhân dân, kinh tế tài chính và về văn nghệ, ngoài ra còn một số tham luận khác.
Đại hội đã thông qua Nghị quyết khẳng định: Đường lối đoàn kết toàn dân, kháng chiến trường kỳ giành độc lập, dân chủ là hoàn toàn đúng, Đảng cần kiện toàn thêm sự lãnh đạo kháng chiến, tập trung lực lượng lớn hơn nữa để đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn; phải xây dựng Đảng Lao động Việt Nam có chính cương, điều lệ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam ...
Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951) là một Đại hội có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến phong trào kháng chiến, kiến quốc của Nhân dân ta. Đây là lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu hợp thức trong một Đại hội có đầy đủ đại biểu toàn quốc. Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ đại hội, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội, bổ sung thêm các chủ trương chính sách mới cho thích hợp với những biến đổi mới của tình hình, để biến nghị quyết của Đại hội thành hiện thực đưa kháng chiến đến thắng lợi [2].
Mảnh đất Kim Bình có vị trí chiến lược quan trọng trong An toàn khu, do vậy đã được Trung ương Đảng chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội theo đúng lời Bác Hồ căn dặn: "Trên trời nhìn xuống không thấy gì, dưới đất bốn mặt nhìn vào cũng không thấy gì". Để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ Đại hội, từ cuối năm 1950, bộ đội và Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã tập trung xây dựng gần 30 ngôi nhà và một hội trường lớn với kiến trúc giản tiện đảm bảo phương châm chu đáo, an toàn, bí mật. Toàn bộ nhà cửa, hầm hào, đường đi lại đều được làm dưới tán cây rừng nhưng vẫn thoáng đãng, hiện đại, phù hợp với phong cảnh núi rừng chiến khu.
Ngày nay, mảnh đất lịch sử Kim Bình đã đổi thay từng ngày với hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, kiên cố, cuộc sống no ấm. Đời sống của đồng bào, Nhân dân trên địa bàn đã được cải thiện rõ rệt. Tỉ lệ hộ nghèo cũng giảm dần theo từng năm. Người dân Kim Bình dù già hay trẻ đều rất tự hào về truyền thống cách mạng trên mảnh đất này [3].
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng là một sự kiện lịch sử trọng đại đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng. Đảng ra công khai hoạt động với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, có cương lĩnh, đường lối, chính sách đúng đắn phù hợp với thực tiễn của đất nước có ý nghĩa quyết định đưa kháng chiến tiến lên giành những thắng lợi ngày càng lớn. Quan hệ giữa Đảng và Nhân dân thêm gắn bó, sự lãnh đạo của Đảng đối với kháng chiến càng thêm thuận lợi. Từ đó, sức mạnh của Đảng được tăng cường.
1. Đinh Hiệp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II: Công khai hoạt động với tên gọi Đảng Lao độngViệt Nam, Báo Hà Nội Mới, 15/01/2021.
2. TG. Tháng 2-1951: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, 21/01/2021
3. Nguyễn Tùng, Về nơi diễn ra Đại hội Đảng lần đầu tiên được tổ chức ở trong nước, Báo Lao động, Cơ quan của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, 3/2/2023.
Đỗ Hồng Thanh