Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa ở Tuyên Quang là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ Tư, ngày 22 tháng 2 năm 2023 - 13:30 Đã xem: 3681

Bộ văn văn hóa Thể thao và Du lịch vừa công nhận nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa tại các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Yên Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bà Cù Thị Triệu, thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) dạy các cháu gái kỹ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống. Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Là dân tộc có truyền thống văn hóa lâu đời, dân tộc Mông đã hình thành một nền văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc với nhiều giá trị của văn hóa vật thể và phi vật thể được hun đúc qua bao đời và trở thành những di sản văn hóa  đặc sắc của đồng bào Mông ở Tuyên Quang. Một trong những di sản văn hóa đặc sắc đó là nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa. Nghệ thuật tạo hình dân gian của người Mông Hoa thể hiện rõ nét trên trang phục và đồ dùng sinh hoạt. Từ trong đời sống vật chất và tinh thần của Mông Hoa, họ đã sáng tạo, đúc kết gửi gắm vào trang phục truyền thống của mình sự tài hoa, tinh tế, đạt trình độ cao của thẩm mỹ dân gian.

Trang phục truyền thống của người Mông Hoa mang vẻ đẹp đặc trưng với các họa tiết hoa văn rực rỡ của sự phối màu hài hòa các gam màu ấm, màu chủ đạo là: Đỏ, hồng, vàng, cam xen lẫn một số ít hoa lá màu xanh lá cây, trắng trên nền vải chàm hoặc đen, tuy nhiên màu đỏ tươi vẫn là màu chủ đạo. Để hoàn thiện được một bộ trang phục truyền thống của đồng bào Mông Hoa qua nhiều công đoạn rất cầu kỳ, từ kỹ thuật vẽ và in hoa văn bằng sáp ong trên vải, thêu thùa, đến cách cắt khâu đến hoa văn, cách tạo hình… và đặc biệt là màu sắc trang trí nhất thiết phải có đủ năm màu cơ bản, tạo nên sắc thái riêng biệt trong văn hóa trang phục của đồng bào Mông.

Người Mông Hoa có kỹ thuật vẽ, in sáp ong rất độc đáo. Họ sử dụng khuôn đã được chạm khắc các họa tiết trang trí từ trước rồi nhúng vào trong sáp ong được đun nóng để dập lên miếng vải trắng. Vẽ sáp ong là kỹ thuật dùng một chiếc bút cán gỗ, ngòi bút làm bằng các miếng đồng mỏng ghép lại chấm lên sáp ong nóng chảy vẽ hoặc in trên mặt vải thô màu trắng, che phủ những vị trí muốn giữ lại màu gốc của vải. Muốn vẽ được sáp ong phải chuẩn bị chảo đun sáp ong và các loại bút đồng (ngòi bút được làm bằng đồng nên gọi là bút ngòi đồng). Sau khi họ hoàn tất những tấm vải in sáp ong, tiếp đến là đến công đoạn cắt ghép thành bộ trang phục cổ truyền. Bộ trang phục của phụ nữ Mông Hoa gồm: Khăn, áo, váy, tấm vải che phía dưới trước váy, thắt lưng, xà cạp, túi: 

Áo: Áo dài, 0,49 m, rộng 0,53 m, cổ tròn mở cúc từ cổ ra trước vai kéo xuống nách và eo cơ thể người. Thân trước và thân sau đều được tạo bằng mảnh vải liền. Áo của nữ dân tộc Mông không cắt tay rời thân mà cắt liền cầu vai, can ở giữa ống tay đến gấu ống tay là 0,36 m. Áo được trang trí hoa văn trước ngực, xuôi theo nẹp áo từ cổ xuống nách phải, trên ống tay và khuỷu tay áo. Đó là kỹ thuật ghép vải để tạo thành các băng vải, khoang vải màu khác nhau để tạo ra đường nét hoa văn. Tay khâu trong, ống tay không rộng lắm (0,12 m) gấu ống tay ghép 3 đường vải mầu trắng và đỏ. Cúc áo bằng vải; một vạt làm bằng vải cuộn to tròn bằng đầu đũa, khâu vào áo sao cho cúc ở ngoài vạt áo còn kéo dài vào trong là sợi vải đỏ cho đến hết nẹp; vạt bên cũng có sợi vải như thế nhưng chập đôi khâu thành móc để cài vào cúc áo bên kia. Áo của nữ Mông Hoa rộng và không chiết eo.

Váy: Chiều dài 0,78 m, được may trên nền vải lanh nhuộm chàm. Cạp can 0,17 m bằng loại vải xanh chéo, được khâu liền áo từ thân váy, kéo dài ra hai đầu tạo thành dây buộc váy. Thân váy chia thành hai dải hoa văn. Trên cạp còn xếp 86 nếp gấp đều nhau, trên cùng khâu triết xương cá để tạo nếp cho đều và đẹp. Dải băng hoa văn dưới cạp váy dài 0,25 m in toàn bộ hoa văn sáp ong màu trắng và xanh lơ, trên đó được tạo nhiều nếp gấp hơn phần cạp (gồm khoảng 200 nếp) để tạo độ xoè rộng cho váy. Tiếp đến là dải hoa văn dài 0,21 m thêu hoa văn nổi hình quả trám, đường diềm, hình thoi... với màu đỏ là chủ đạo. Chân váy là vải đỏ dài 0,13 m để tự nhiên, không tạo gấu.

    Yếm: Phụ nữ Mông Hoa dùng 2 yếm trong trang phục; một yếm đeo phía trước, một yếm đeo phía sau váy. Yếm gồm 2 lớp vải, bên trong là vải thường, bên ngoài được thêu hoa văn nổi và ghép nhiều loại vải với kỹ thuật thẩm mỹ cao, trong đó sử dụng các gam màu đỏ, vàng, trắng là màu chính. Yếm dài 0,44 m, đầu yếm rộng 0,31 m, thân loe dần xuống mép gấu yếm (gấu rộng 0,48 m) riêng đầu yếm trang trí hoa văn và ghép vải mầu đối xứng theo chiều ngang. Thân yếm trang trí hoa văn và ghé vải mầu theo chiều dọc. Hoa văn trên yếm chủ yếu là hình quả trám và hình thoi lồng vào nhau. Hai đầu yếm được tạo dây để buộc (mỗi bên đầu có dây dài 1 m)

Xà cạp: Dài 2 m, đầu rộng nhất là 0,24 m (gần giống hình tam giác), sau đó phần chiều rộng hẹp dần, có tạo dây để buộc một đầu, để vải tự nhiên không gấp mép, màu chàm đen. Khi cuốn phải cuốn đầu rộng nhất trước, từ phía mắt cá chân lên trên dây cài và buộc phía gần đầu gốc. Xà cạp có tác dụng làm cho cơ chân cứng chắc, chống muỗi, vắt và làm ấm chân trong những ngày giá rét.

Khăn: Là một miếng vải màu đen dài 2,5 m, rộng 0,20 m, khi đội khăn được gấp 4 theo kiểu dọc của vải và cuốn ngang quanh đầu theo kiểu cuốn khăn xếp của người Kinh.

Túi: Có hình chữ nhật: dài 0,23 m, rộng 0,14m, túi được tạo từ vải lanh nhuộm chàm đen, gấp đôi lại khâu ghép các đường mép vải với nhau. Miệng túi được tạo luôn bởi 2 mép vải đã gấp. Phần miệng màu đen để tự nhiên không viền mép (cao 4 cm). Phần còn lại thêu 2 hàng hoa văn giống nhau theo chiều ngang túi (mỗi hàng cao 9,5 cm) bằng các gam màu đỏ pha màu trắng. Hoa văn chủ yếu là hình tam giác, hình vuông, hình quả trám, hình xoáy trôn ốc.... Ngoài ra người Mông Hoa thường dệt những tấm thổ cẩm với những hoa văn và mầu sắc rực rỡ được bày bán tại chợ phiên.

Với sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú, người phụ nữ Mông Hoa đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật làm say đắm lòng ngườitạo ấn tượng sâu sắc cho khách du lịch đến khám phá nét đẹp văn hóa bản làng, thăm chợ phiên đậm chất dân tộc. Có thể nói nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của đồng bào Mông Hoa ở Tuyên Quang đã góp phần quan trọng nhằm giải mã các tín hiệu văn hóa của đồng bào Mông Hoa, đồng thời giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử tộc người, về giá trị thẩm mỹ và nhân văn của dân tộc Mông. Đây là nguồn sử liệu quý giá, được biểu đạt như những trang “ký sử” đầy sống động, phản ánh muôn mặt đời sống vật chất và tinh thần của người Mông Hoa ở Tuyên Quang đã và đang được bảo tồn, phát huy trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Thúy Quang

Xem tin theo ngày:   / /