Tuyên Quang - quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Thứ Hai, ngày 22 tháng 2 năm 2021 - 20:30 Đã xem: 5368

Rừng vừa là tài nguyên, vừa là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, có khả năng tái tạo, là nguồn lực to lớn của đất nước, là yếu tố quan trọng bậc nhất giúp cải thiện môi trường sinh thái, tạo nguồn sinh thủy, phòng hộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh... Chính vì vậy, quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và của toàn dân, nhất là những người dân làm nghề rừng và sống gần rừng.

Hiện nay, nước ta có 14,6 triệu ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; bình quân mỗi năm trồng mới 230.000 ha rừng, sản lượng khai thác từ gỗ rừng trồng đạt trên 19 triệu m3, gấp 4 lần so với năm 2011; cơ bản đảm bảo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt trên 11 tỷ USD, xếp thứ 6 thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về giá trị xuất khẩu lâm sản; GRDP ngành lâm nghiệp đạt trên 20.000 tỷ đồng, chiếm trên 13% GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng trưởng bình quân đạt trên 5%/năm.

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc với diện tích tự nhiên trên 580.000 ha, trong đó trên 448.000 ha đất lâm nghiệp (chiếm 76% diện tích tự nhiên), diện tích rừng hiện có trên 422.000 ha, có thế mạnh về phát triển kinh tế lâm nghiệp, chế biến gỗ xuất khẩu, du lịch sinh thái, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân làm nghề rừng.

Rừng keo nguyên liệu ở thôn Cây Thông, xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên. Nguồn ảnh: snntuyenquang.gov.vn

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp. Từ Đại hội VII, Đảng ta đã đề ra chủ trương: "Lâm nghiệp có nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng và đất rừng. Đẩy nhanh việc trồng và khoanh nuôi rừng, phủ xanh và sử dụng đất trống, đồi trọc gắn liền với phân bố lao động lên trung du, miền núi, thực hiện định canh, định cư, ổn định đời sống của các dân tộc". Chủ trương đúng đắn này tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện xuyên suốt từ Đại hội VIII đến đại hội XII; được cụ thể hóa bởi Chương trình 327 (1992-1997), Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (1998-2010), Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (2011-2020).

Đối với tỉnh Tuyên Quang, trong nhiều năm qua, tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp, từng bước cải thiện đời sống của người dân làm nghề rừng. Thực tiễn cho thấy, muốn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thì phải quan tâm, chăm lo thật tốt đời sống của người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng có cuộc sống ổn định. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020, với chủ trương: "Gắn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả ngành lâm nghiệp, từng bước xây dựng trung tâm chế biến gỗ lớn tại Tuyên Quang gắn với phát triển vùng nguyên liệu bền vững; tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, đặc biệt là người làm nghề rừng". Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả quan trọng:

Đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng; góp phần phát triển kinh tế của tỉnh; tạo công ăn việc làm và góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai: Tỉnh thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên từ năm 1991 (trước 25 năm so với toàn quốc dừng khai thác rừng tự nhiên từ năm 2016); hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, giống cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng. Bố trí ngân sách tỉnh để hợp đồng, hỗ trợ người dân tham gia tuần rừng cùng lực lượng kiểm lâm và các Ban quản lý bảo vệ rừng; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho nhân dân để rừng thực sự có chủ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền; hằng năm trồng mới trên 11.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ của rừng lên trên 65%, xếp thứ 3 cả nước. Quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với  Nhà máy chế biến; hiện nay tỉnh có 8 nhà máy chế biến gỗ, trong đó nhà máy chế biến gỗ Woodsland Tuyên Quang công suất 150 nghìn m3 sản phẩm xuất khẩu/năm, nhà máy giấy An Hòa công suất 130 nghìn tấn sản phẩm/năm, lớn nhất cả nước; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của tỉnh đạt trên 880 nghìn m3/năm, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về sản lượng gỗ rừng trồng; thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp Chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC trên 35.800 ha rừng trồng, cao nhất cả nước, góp phần nâng cao giá trị gỗ rừng trồng lên 15%; GRDP ngành lâm nghiệp tỉnh đạt trên 1.600 tỷ đồng, chiếm trên 17,5% GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt trên 8%/năm; giá trị sản phẩm chế biến gỗ chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Với chủ trương phát triển lâm nghiệp bền vững, thực hiện giao đất lâm nghiệp, khoán rừng cho hộ nông dân trồng rừng, khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ rừng; với hệ thống 8 nhà máy chế biến gỗ, các công ty lâm nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm ổn định cho trên 3.000 lao động tại các nhà máy và hằng trăm nghìn lao động địa phương. Với diện tích rừng hiện có và tỷ lệ che phủ rừng rất cao nên nhiều năm qua, tỉnh Tuyên Quang ít bị thiệt hại do thiên tai gây ra so với các tỉnh miền núi phía Bắc, qua đó thấy được vai trò hết sức quan trọng của rừng trong công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân làm nghề rừng.

 Người dân xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tham gia tuần tra, bảo vệ rừng cùng lực lượng kiểm lâm địa bàn. Nguồn ảnh: Báo Tuyên Quang Online 

Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp còn một số hạn chế, khó khăn: Năng suất rừng trồng thấp so với các nước trong khu vực (tăng trưởng sinh khối bình quân 15m3/năm), sản phẩm chủ yếu là gỗ nhỏ, chu kỳ khai thác dài, nguyên liệu gỗ lớn để cung cấp cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu còn hạn chế; đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển du lịch sinh thái chưa được quan tâm hợp lý; giá trị thu nhập kinh tế trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp còn thấp; đời sống nhân dân sống gần rừng, người làm nghề rừng còn khó khăn. Tình trạng xâm hại rừng ở một số địa phương trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp, còn có điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ.

Nguyên nhân là do: Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển rừng chưa tạo được sự đột phá, thiếu nguồn lực thực hiện, kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng, phát triển rừng trồng gỗ lớn còn thiếu và chưa đồng bộ; kinh phí lập hồ sơ giao rừng, mức hỗ trợ khoán bảo vệ và phát triển rừng còn thấp, chưa được bố trí đầy đủ. Tổ chức sản xuất lâm nghiệp chậm đổi mới, nhất là năng lực của các công ty lâm nghiệp chưa theo kịp yêu cầu của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế; các ban quản lý rừng chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế để phát triển du lịch sinh thái, phát triển hợp lý các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao. Công tác quản lý Nhà nước ở một số nơi còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Một số giải pháp chủ yếu tiếp tục làm tốt công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững: Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và sự phát triển bền vững của đất nước.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cơ cấu lại ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế đặc thù, khai thác tối đa các giá trị của rừng. Khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp, chế biến, tiêu thụ kinh doanh thương mại về lâm sản, đẩy mạnh tiêu thụ gỗ rừng trồng, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào, chế biến sâu trong nước, tạo việc làm cho người dân, hạn chế xuất khẩu gỗ sơ chế, dăm gỗ; đa dạng hóa các sản phẩm đồ gỗ, các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa.

Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 nên thực hiện theo cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia, theo đó ban hành cơ chế, chính sách và dành nguồn lực hỗ trợ để phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, phát triển rừng trồng gỗ lớn, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng.

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đồng bộ các khâu trong chuỗi giá trị lâm sản từ sản xuất, khai thác, chế biến đến tiêu thụ phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất và đặc điểm, lợi thế của từng ngành hàng, từng vùng; tạo bước đột phá về giống, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, công nghệ chế biến lâm sản. Tăng cường năng lực đổi mới cơ chế, hình thức, phương pháp khuyến lâm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, đào tạo và khuyến lâm.

Đẩy mạnh công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp; di dân ra khỏi vùng lõi các khu rừng đặc dụng; đổi mới cơ chế, chính sách hưởng lợi từ rừng, khai thác, phát triển hợp lý lâm sản ngoài gỗ, tăng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng, thực sự tạo sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng. Đầu tư cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa ngành lâm nghiệp ở những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng lớn, có thế mạnh về chế biến lâm sản. Hỗ trợ kinh phí rà soát xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn và nâng mức hỗ trợ kinh phí khoán bảo vệ rừng.

Niềm vui hân hoan, phấn khởi của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh những ngày Xuân năm mới 2021, Chính phủ đã chọn tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ phát động chương trình trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2020-2025 và "Tết trồng cây"; đó là vinh dự, song cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành, của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân phải làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, góp phần tích cực hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, đặc biệt là người làm nghề rừng.

N.T.B.H (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

Xem tin theo ngày:   / /