Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà ngoại giao thiên tài. Tư tưởng ngoại giao của Người được kết tinh từ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và có giá trị phổ quát, bền vững của nhân dân các dân tộc toàn toàn thế giới.Vận dụng tư tưởng của Người trong xây dựng đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế để tạo nên sức mạnh to lớn, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, thực hiện công cuộc đổi mới thành công, đưa đất nước ngày phát triển là yêu cầu quan trọng trong chiến lược phát triển đối ngoại và hội nhập quốc tế hiện nay.

Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ ba tại trụ sở Bộ Ngoại giao (từ 16/12/1963 đến 16/1/1964). (Ảnh tư liệu). Nguồn ảnh: baoquocte.vn
Trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mang ý nghĩa hết sức sâu sắc. Trước những biến đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, cần thực hiện phương châm ấy một cách thích hợp để mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc.
Trước hết cần xác định cái “bất biến” trong đối ngoại và hội nhập quốc tế là: lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong đường lối của Đảng, hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập các lĩnh vực khác từng bước mở rộng, tuân thủ các cam kết quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Đó là yếu tố quan trọng hàng đầu, không thể nhượng bộ. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, luôn luôn phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết và trước hết. Đó là cái “bất biến”.
Đồng thời với xác định cái “bất biến”, phải nhận rõ cái “vạn biến” để có cách ứng xử phù hợp. Môi trường quốc tế là môi trường không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển. Trong khi các nước lớn thay đổi chiến lược vừa hợp tác thỏa hiệp vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến tình hình thế giới và khu vực, các nước đang phát triển đứng trước những cơ hội mới và thách thức mới. Quá trình toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Cạnh tranh kinh tế, thương mại, tội phạm xuyên quốc gia diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt đại dịch Covid - 19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Khu vực Châu Á - Thái bình dương có vị trí quan trọng; là khu vực có tiềm năng phát triển và tồn tại nhiều nhân tố bất ổn, tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thường xuyên diễn ra.
Từ nhận thức đúng đắn về cái “bất biến” và cái “vạn biến”, Đảng ta đã có những đối sách linh hoạt, uyển chuyển, thực tế, thích hợp. Từ chủ trương “muốn là bạn” đến “sẵn sàng là bạn”, “là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Về hợp tác và đấu tranh, từ quan niệm “địch”, “ta”, chuyển sang cách nhìn nhận về đối tác, đối tượng. Những đối sách trên đã tạo cho Việt Nam một sức mạnh đối ngoại mềm dẻo, được các nước trên thế giới đánh giá cao. Với một loạt các sự kiện đối ngoại thành công từ năm APEC Việt Nam mà đỉnh cao là Tuần lễ cấp cao tháng 11/2017; Hội nghị Thượng đỉnh WEF-ASEAN năm 2018; Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên năm 2019 và một chuỗi những sự kiện trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam được đánh giá cao việc tổ chức, điều phối, đặc biệt vai trò chủ trì của Việt Nam tại các Hội nghị. Trên phạm vi toàn cầu, với số phiếu cao kỷ lục khi được bầu làm Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, nước ta được dư luận quốc tế đánh giá cao, nhận định Việt Nam trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, khẳng định vị trí địa - chính trị và tầm quan trọng của Việt Nam đối với an ninh khu vực.
Quan hệ Việt Nam với các nước lớn cũng được dư luận quốc tế ghi nhận. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, Việt Nam đang đóng vai trò tích cực trong khu vực Đông Nam Á và trở thành một trọng tâm chiến lược ở Ấn độ - Thái Bình Dương, ghi nhận Việt Nam đã có một “chiến lược cân bằng tinh tế”; “sự cân bằng đa cực trong quan hệ với các cường quốc”, song vẫn giữ độc lập để góp phần tích cực vào an ninh khu vực và toàn cầu.
Sức mạnh mềm và năng lực ngoại giao của nước ta trong năm 2020 theo đánh giá của Viện Lowy (Australia) là đã gia tăng vượt bậc, xếp hạng 9/26 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát tại Châu Á. Vận dụng phương châm ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và khả năng xử lý các vấn đề ngoại giao phức tạp, ngoại giao Việt Nam đã góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước để nước ta có được “cơ đồ và vị thế” như hôm nay.
Nguyễn Nhung (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)