Một số kết quả trong thực hiện Bình đẳng giới ở Việt Nam

Thứ Sáu, ngày 5 tháng 3 năm 2021 - 17:00 Đã xem: 6807

Thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, những năm qua, Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định trong việc bảo đảm bình đẳng giới. Nhờ đó, phụ nữ Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực, nỗ lực cùng với cả nước phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Ảnh minh họa. 

Để thực hiện bình đẳng giới, Việt Nam đã thông qua các luật, chiến lược và chính sách về bình đẳng giới, điển hình là Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới; Bộ luật Lao động; Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới 2016-2020 và tầm nhìn đến 2030; Chương trình hành động quốc gia Phòng chống bạo lực gia đình 2014-2020; Đề án giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam 2015-2020; Kế hoạch hàng năm thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025...

Bình đẳng giới ở Việt Nam được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Trong khu vực châu Á- Thái Bình dương, Việt Nam là một trong số các nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm tỉ lệ trên 25%. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt 26,72%, tăng hơn nhiệm kỳ trước 2,62%; Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV là nữ. Tính đến hết tháng 8/2017, có 12/30 bộ, ngành có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Nhiệm kỳ 1999-2004, tỷ lệ đại biểu nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tăng từ 21,57% lên 26,54%. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ đại biểu nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện đạt 27,85%, cấp xã 26,59%. Tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp những năm gần đây tăng đáng kể, hiện tại 31,6%. Nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội là nữ đã thành công trong sự nghiệp, đóng góp ngày càng nhiều  cho sự phát triển đất nước.

Mặc dù vậy, tỷ lệ trên vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn thấp, đặc biệt tỷ lệ nữ đứng đầu ngành, địa phương chưa cao. Tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động so với nam giới cũng còn thấp (nữ 72,9%; nam  83%). Theo số liệu thống kê năm 2015, thu nhập trung bình của nam giới cao hơn nữ giới 10,1%. So với phụ nữ có cùng trình độ chuyên môn, thu nhập của nam giới cao hơn nữ giới 15%.  Tuy nhiên, có tới 98% là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, trong đó quy mô siêu nhỏ chiếm 71,7%. Có khoảng 70-80% số nữ giới đang làm việc tại các lĩnh vực không chính thức, trong đó 60% làm nghề nông và gần 20%  ngoài lĩnh vực nông nghiệp.

Tuyên Quang là một trong những tỉnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Phụ nữ Tuyên Quang có nhiều cơ hội để phát triển. Tỷ lệ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt thuộc tốp đầu cả nước. Tỷ lệ nữ trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý khá cao: Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 19,57%; Nhiệm kỳ 2020-2025 là 22,55%. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là 29,1%; cấp huyện và tương đương là 20,5%.Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV là 50%; Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 là 35,59%; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện là 35,71%, cấp xã là 30,87%. Tỷ lệ nữ giữ các chức danh cán bộ, lãnh đạo, quản lý cao: cấp tỉnh là 22,48% đối với trưởng, phó sở ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; 34,9% đối với trưởng, phó phòng thuộc sở ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh. Tỷ lệ nữ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp huyện, xã cũng đều đạt 20% trở lên.

Là tỉnh có 22 dân tộc sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%, tỉnh đã rất quan tâm đào tạo cán bộ nữ người dân tộc thiểu số, cử đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị, được tham gia các hoạt động, phong trào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhiều năm qua, phụ nữ Tuyên Quang đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

                                                                                Nguyễn Nhung 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(Bài viết có sử dụng số liệu Niên giám khoa học năm 2019 – NXBCTQG - Sự thật, Hà Nội 2020)

Xem tin theo ngày:   / /