Phát huy vai trò người đại biểu Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, ngày 19 tháng 3 năm 2021 - 16:06 Đã xem: 283

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết vào việc xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng.

Là người sáng lập ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Quốc hội ta là Quốc hội của toàn dân, được bầu ra theo luật tuyển cử rất dân chủ: tự do, phổ thông, bỏ phiếu kín...Vì vậy, Quốc hội ta là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc, cho quyết tâm độc lập, thống nhất của toàn thể đồng bào ta từ Bắc đến Nam.(1)

Bác Hồ bỏ lá phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960 (Ảnh tư liệu). Nguồn ảnh: dangcongsan.vn

Theo Người, Quốc hội là một thiết chế dân chủ để thông qua đó, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lực của nhân dân. Quốc hội chỉ có thể phát huy được vai trò của một thiết chế dân chủ khi nó có thực quyền và đại diện thực sự cho lợi ích của nhân dân của một nước độc lập. Người khẳng định: “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương”(2); “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp. Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định”(3)

Ngày 06/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tiến hành Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên. Trước cuộc bầu cử, Người nhắn nhủ: Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng để thay mặt mình gánh vác việc nước. Ngày mai người ứng cử thì đông nhưng số đại biểu được bầu thì ít, tất nhiên có người được cử, có người không được cử, những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn luôn ghi nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung quên lợi riêng.

Trong Diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, Người nêu rõ: “Trong cuộc toàn quốc đại biểu đại hội này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối...”(4)

Đối với đại biểu Quốc hội, Người khẳng định: Đại biểu Quốc hội là chủ thể giữ vai trò then chốt, đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, đồng thời chỉ rõ: Đại biểu Quốc hội phải là những người có đức có tài để gánh vác công việc nước nhà. Đại biểu Quốc hội là do nhân dân bầu ra, họ vừa phải giữ trọng trách đại diện cho quyền lợi của nhân dân, vì nhân dân mà cống hiến và đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình...” (Hiến pháp 1980); Trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, đại biểu Quốc hội phải là người “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”(5)

 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1946; 1959; 1980; 1992 sửa đổi, bổ sung 2001 đều thể hiện rõ vai trò của đại biểu Quốc hội. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa các quy định trên và khẳng định vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội: là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý chí, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu Quốc hội, trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; đại biểu Quốc hội phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Theo tinh thần Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) có nhiều nội dung, quy định Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đổi mới hoạt động phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, việc lựa chọn đại biểu có đủ đức, tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng là việc hết sức cần thiết. Đại biểu được nhân dân tín nhiệm bầu ra cần phát huy cao độ vai trò của mình, gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri; đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri để đóng góp nhiều hơn cho đất nước, thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, xứng đáng với lòng tin của nhân dân.

                                                                                                Nguyễn Nhung

(1) HCM toàn tập, NXBCTQG - ST, Hà Nội 2011, tập 10, tr464,

(2), (3), (5)Sđd, tập12, tr 375, 376, 567

(4) Sđd, tập 4, tr 217

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 301 | Trang: 1 trên tổng số 31 trang  
Xem tin theo ngày:   / /