
Ðình Thanh La, nơi diễn ra cuộc mít-tinh tuyên thệ của quân khởi nghĩa sáng 11-3-1945 và cuộc mít-tinh tuyên bố thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu ngày 16-3-1945. Ảnh: Ngọc Chiến
Khởi nghĩa Thanh La nổ ra đêm 10-3-1945, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Tạ Xuân Thu và Ban Chỉ huy Phân khu Nguyễn Huệ, lực lượng vũ trang cách mạng đã mau lẹ tước vũ khí của lính dõng, bắt bọn tổng lý, hương dõng phải quy phục, giao nộp súng ống, bằng sắc, triện đồng cho ta. Ta giải phóng hoàn toàn xã Thanh La trong đêm 10-3- 1945. Đây là cuộc khởi nghĩa cấp xã giành thắng lợi sớm nhất trong cả nước. Từ thắng lợi này, chúng ta có châu Tự Do gồm một vùng đất rộng lớn, trở thành trung tâm căn cứ địa của cả nước. Nơi đây hội đủ điều kiện để Bác Hồ và Trung ương Ðảng đặt Ðại bản doanh, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền trong cả nước.
Vào thời điểm đó, Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh đầy cam go, đặc biệt là khi cuộc chiến chống thực dân Pháp - phát xít Nhật và các thế lực phong kiến tay sai đang diễn ra ngày càng quyết liệt. Cuộc Khởi nghĩa Thanh La thắng lợi nhanh chóng, thu vũ khí, giải tán chính quyền thực dân, phong kiến, lập chính quyền cách mạng trong xã và huyện. Khởi nghĩa Thanh La là cuộc khởi nghĩa sớm nhất trong thời kỳ tiền khởi nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, có ý nghĩa lịch sử to lớn không chỉ đối với tỉnh Tuyên Quang mà còn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
Tại Tuyên Quang, phong trào cách mạng phát triển rất mạnh và là trung tâm của khu vực cho nên ngày 25-2-1944, được sự nhất trí của Trung ương, Trung đội Cứu quốc quân 3 được thành lập tại Khuổi Kịch (Tân Trào - Sơn Dương). Trước sự lớn mạnh của phong trào Việt minh và căn cứ địa cách mạng, tại Chiến khu 2 (phần lớn phía bắc nước ta), Trung ương đã thành lập hai phân khu gồm Phân khu A (Phân khu Quang Trung) và Phân khu B (Phân khu Nguyễn Huệ). Tuyên Quang là trung tâm của Phân khu Nguyễn Huệ. Ðến giữa năm 1944, tại hầu hết các địa phương của tỉnh Tuyên Quang, cơ sở cách mạng, phong trào Việt minh phát triển mạnh mẽ, lan sang các tỉnh lân cận.
Tháng 12-1944, Ðội Vũ trang tuyên truyền đầu tiên ở Sơn Dương được thành lập. Ðây là một trong những nhân tố tác động trực tiếp đến phong trào cách mạng ở Sơn Dương, đặc biệt là tổng Thanh La. Tổng Thanh La gồm bốn xã: Kim Trận, Thanh La, Hạ Yên, Kháng Lực. Thanh La là một xã lớn của tổng, lại ở gần cơ quan chỉ đạo của Phân khu Nguyễn Huệ. Ðồng bào ở đây được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng. Mặt trận Việt minh ở xã lớn mạnh. Bộ máy tay sai suy yếu. Một số chức sắc đã ngả theo cách mạng. Từ đầu năm 1945, phong trào "sắm vũ khí, đuổi thù chung" ở Thanh La diễn ra rầm rộ. Ðó là những nhân tố để phong trào ở Thanh La phát triển mạnh mẽ hơn.
Từ chiến thắng Thanh La, sáng 11-3-1945, sau cuộc mít-tinh tuyên thệ tại sân đình Thanh La, quân khởi nghĩa với nòng cốt là lực lượng Cứu quốc quân 3 và tự vệ địa phương giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ cách mạng tiến về giải phóng Ðăng Châu, huyện lỵ Sơn Dương.
Ðêm 12, rạng sáng 13-3-1945, ta bao vây đánh đồn Ðăng Châu và hạ đồn sau ít phút, thu hơn 100 khẩu súng, hàng chục két lựu đạn phân phát cho các đội tự vệ, phá kho thóc của Nhật ở huyện lỵ để chia cho dân nghèo. Sau khi Ðăng Châu được giải phóng, ngày 16-3-1945, Phân khu Nguyễn Huệ tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại đình Thanh La, tuyên bố thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu. Ðây là chính quyền nhân dân cấp châu đầu tiên của Tuyên Quang và cũng là chính quyền cách mạng cấp châu đầu tiên trong cả nước [1].
Sau khi Khởi nghĩa Thanh La thắng lợi, Đăng Châu được giải phóng, châu Tự Do được thành lập đã mở ra những thắng lợi liên tiếp của khởi nghĩa và tiến công ở một vùng rộng lớn, góp phần giải phóng hoàn toàn các huyện của tỉnh Tuyên Quang và các huyện của các tỉnh lân cận. Sơn Dương có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, từ đây có thể nối liền căn cứ cách mạng ở Tuyên Quang với các tỉnh. Do hội đủ các điều kiện, ngày 21-5-1945, Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang đã được đón Lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng về ở, làm việc, lãnh đạo cách mạng Tháng Tám.
Khu Giải phóng - Trung tâm căn cứ địa cách mạng Việt Nam được thành lập gồm các tỉnh: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và một phần của các tỉnh: Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái. Tân Trào được Trung ương và Bác Hồ chọn và nghị quyết là Thủ đô Khu Giải phóng. Tại Tân Trào, Sơn dương, Tuyên Quang đã diễn ra các sự kiện lịch sử quan trọng quyết định vận mệnh của đất nước ta, dân tộc ta, sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, đó là: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng; Quốc dân Đại hội Tân Trào; Lễ xuất quân Nam tiến của Quân Giải phóng Việt Nam.
Từ Thủ đô Khu Giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã lãnh đạo thành công Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đập tan chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân lập nên Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc ta.
Tuyên Quang đi vào lịch sử với vị trí là Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến và khởi nghĩa Thanh La thành công là thắng lợi sớm nhất, trọn vẹn nhất, mở đầu cho thời kỳ khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 theo đúng Đường lối cách mạng của Đảng ta.
Chúng ta cảm thấy tự hào và biết ơn với các chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp và phát xit Nhật, các chiến sĩ của khởi nghĩa Thanh La… Sự kiện này đã trở thành một biểu tượng cho sự dũng cảm và sự quyết tâm của Dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến giành độc lập, chủ quyền và tự do cho đất nước. Sự kiện này cũng là một minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết dân tộc, khi mọi người cùng chung tay với nhau để đánh bại kẻ thù chung của đất nước.
1. Vũ Bé, Khởi nghĩa Thanh La - "tiếng súng" báo hiệu cao trào cách mạng mới, Nhân dân, Cơ quan của Đảng Cộng Sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, 9/3/2023.
Đỗ Hồng Thanh