Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tỉnh Tuyên Quang thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội

Thứ Năm, ngày 16 tháng 3 năm 2023 - 13:15

Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Công tác giám sát và phản biện đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời được cụ thể hoá bằng Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và các văn bản pháp luật của Nhà nước. Trong đó, hoạt động giám sát chủ yếu dựa trên 3 hình thức: Tham gia giám sát với cơ quan quyền lực Nhà nước; vận động nhân dân giám sát và tự mình giám sát.

Trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh luôn chủ động trong việc thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội. Làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về giám sát và phản biện xã hội. Hằng năm căn cứ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương và nắm bắt dư luận xã hội, Mặt trận tổ quốc các cấp chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội, xin ý kiến cấp ủy nội dung giám sát, phản biện ban hành kế hoạch giám sát ngay từ đầu năm sát với tình hình thực tế. Qua đó hoạt động giám sát và phản biện xã hội đạt được những hiệu quả, cụ thể:

Từ năm 2017 đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thực hiện 849 cuộc giám sát, trong đó cấp tỉnh 17 cuộc; cấp huyện 64 cuộc; cấp xã 768 cuộc. (Liên đoàn Lao động tỉnh và các công đoàn cấp trên trực tiếp chủ trì, phối hợp và tham gia cùng các cơ quan chức năng cùng cấp giám sát tại 320 đơn vị, doanh nghiệp. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp chủ trì giám sát 212 cuộc. Hội Cựu chiến binh các cấp giám sát 139 cuộc; Hội Nông dân các cấp kiểm tra, giám sát 2.069 cuộc; Tỉnh đoàn kiểm tra 18 cuộc) (1). Các nội dung giám sát tập trung vào một số lĩnh vực, vấn đề được nhân dân và dư luận quan tâm như: Công tác cải cách hành chính và thực hiện văn hóa công vụ; Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư công dân; Việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp - xây dựng Nông thôn mới; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; việc công khai kết luận của thanh tra; các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ vay vốn cho nông dân; chế độ bảo hiểm cho cựu chiến binh và người có công với cách mạng; thực hiện phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên…

 

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Hàm Yên thông qua dự thảo kế hoạch giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn huyện

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang tiến hành giám sát việc thi hành án phạt tù tại Trại giam Quyết Tiến thuộc Cục C10 - Bộ Công an

Ủy ban MTTQ huyện Hàm Yên giám sát việc tiếp công dân, tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và đối thoại với nhân dân tại xã Minh Khương.

Song song với công tác giám sát, Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tích cực tham gia góp ý, phản biện xã hội với những nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Kết quả hoạt động phản biện xã hội từ năm 2017 đến nay đã tổ chức 246 hội nghị phản biện xã hội, trong đó cấp tỉnh 14 hội nghị; cấp huyện 40 hội nghị; cấp xã 210 hội nghị. Phản biện bằng hình thức gửi dự thảo văn bản xin ý kiến 166 văn bản (cấp tỉnh 105 văn bản; cấp huyện 98 văn bản; cấp xã 1.403 văn bản) (2).

Hội nghị phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang

Kết quả trên cho thấy hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng chất lượng, phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Qua đó đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình của địa phương, đồng thời chính quyền các cấp quản lý, điều hành hoạt động được tốt hơn.

Hội nghị phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Tường thành phố Tuyên Quang 

Những năm qua công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp; phối hợp cụ thể, chặt chẽ với các đoàn thể, các ngành liên quan; công tác xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và báo cáo kết quả kịp thời, bảo đảm đúng quy định.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã hướng dẫn triển khai nhiều kế hoạch giám sát, tổ chức thực hiện tốt các chuyên đề đã đăng ký, đồng thời nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức về thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội; góp phần phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hoạt động phản biện xã hội được thực hiện ngày càng hiệu quả, nền nếp. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng hướng về cơ sở, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố sự đồng thuận xã hội.

Yến Chi

(1), (2) Số liệu thống kê tại Báo cáo số 228-BC/TU ngày 10/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 

 

Xem tin theo ngày:   / /