Ảnh hưởng của sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng và các giải pháp phòng, chống

Thứ Sáu, ngày 17 tháng 3 năm 2023 - 10:40 Đã xem: 4753

Trong thời đại 4.0 hiện nay, việc nhận diện các sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng và các giải pháp phòng, chống là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết phải được các cấp, các ngành triển khai thực hiện thường xuyên.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Nhận diện các sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế”(1). Đảng ta cũng kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những nhận thức, hành vi phi giá trị, phản văn hóa (gọi chung là sản phẩm văn hóa xấu độc): “Đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, góp phần xây dựng xã hội an ninh, an toàn, dân chủ, tiến bộ”(2). Điều đó cho thấy, trong tiến trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Đảng ta chủ trương thực hiện phương châm vừa “xây”, vừa “chống”; phải kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”. Chính vì vậy, nhận diện và có giải pháp phòng chống các sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng là vấn đề quan trọng hiện nay.

Các sản phẩm văn hóa xấu độc đó là các tàn dư văn hóa cũ, các sản phẩm “phi văn hóa”, “phản văn hóa”. Nó rất đa dạng về loại hình nhưng chủ yếu là sách, báo, tạp chí, băng hình, phim ảnh, tác phẩm hội họa đồi trụy, trò chơi điện tử, trang phục, các hoạt động nghi lễ mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng,... Các sản phẩm tuyên truyền, ca ngợi lối sống gấp, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ; sống không có tương lai, hoài bão, lý tưởng, reo rắc những tư tưởng bi quan, hoài nghi cuộc sống; cổ vũ bạo lực, đề cao danh vị, đồng tiền. Một số tác phẩm do các thế lực thù địch tuyên truyền, phát tán trên mạng internet với những mưu đồ chính trị, tiềm ẩn những nguy cơ lớn về sự lung lạc, dao động, mất niềm tin của một bộ phận cán bộ, Nhân dân vào Đảng, chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội... 

Tác động của các sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng hết sức nguy hiểm, có mặt nghiêm trọng. Cụ thể là:

Thứ nhất, xuất hiện trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ sự ngộ nhận, hoang mang, dao động, thiếu niềm tin vào thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực văn hóa, ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ hai, tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, làm mê muội con người, đặc biệt là thế hệ trẻ bằng các loại văn hóa phẩm độc hại, nguyên nhân làm băng hoại đạo đức, lối sống của một bộ phận trong xã hội, làm cho không ít cán bộ, đảng viên có biểu hiện giảm sút ý chí, hoang mang, dao động, xuất hiện "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở các mức độ khác nhau.

Thứ ba, dưới tác động của truyền thông xã hội đã làm nảy sinh các “giang hồ mạng”, các nhân vật mang biểu tượng xấu, các sản phẩm phi đạo đức, phản văn hóa, đặc biệt nguy hiểm xuất hiện hiện tượng“đám đông” cực đoan, khó kiểm soát.

Thứ tư, thông qua giao lưu trực tuyến và trực tiếp về văn hóa, giáo dục, khoa học, nghệ thuật, báo chí... để thâm nhập, thu thập tin tức tình báo, mua chuộc cán bộ, chuyển hóa tư tưởng, cài cắm người vào các tổ chức của ta, móc nối với các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị để chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Thứ năm, nguy cơ đồng nhất về văn hóa, lối sống và làm cho con người, nhất là thế hệ trẻ dễ bị thay đổi thói quen, thị hiếu, dễ tự “đánh mất” gốc gác văn hóa, truyền thống, lịch sử của ông cha mình. Mấy năm trở lại đây, đã xuất hiện không ít hoạt động văn hóa giải trí có yếu tố nước ngoài, trong đó nhiều chương trình có biểu hiện lai căng, trái với thuần phong mỹ tục dân tộc, dễ làm cho công chúng ngộ nhận, mất phương hướng thẩm mỹ tích cực, thậm chí bị “tiêm nhiễm” những “vi-rút văn hóa độc hại” mà không hề hay biết.

Không phải bây giờ Đảng ta mới thẳng thắn chỉ rõ những vấn đề tồn tại, huy hiểm của môi trường văn hóa độc hại, hay những biểu hiện sùng ngoại, lai căng văn hóa đã làm ảnh hưởng, xói mòn đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Về vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng ta từng cảnh báo: “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị vǎn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ... đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Đề cập đến hậu quả của các sản phẩm văn hóa xấu độc, ngoại lai xâm nhập vào nước ta, Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” đã cảnh báo nghiêm khắc hơn: “Nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thế hệ thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc”.

Một số giải pháp phòng, chống ảnh hưởng của sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng hiện nay:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với các ngành chủ quản và cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng trong các hoạt động về văn hóa, báo chí, xuất bản, hội thảo, tọa đàm về văn hóa, nghệ thuật. Trong đó chú trọng kiểm soát và quản lý chặt chẽ công tác in ấn, xuất bản, đưa tin…, ngăn chặn không để các loại ấn phẩm, văn hóa phẩm độc hại từ nước ngoài thẩm thấu và tán phát trên không gian mạng của nước ta.

Hai là, giữ vững tính định hướng chính trị của các hoạt động văn hóa. Đẩy mạnh và coi trọng chất lượng chính trị các hoạt động văn hóa, ngăn chặn và làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng các hoạt động văn hóa hòng làm thay đổi hệ giá trị văn hóa Việt Nam bằng hệ giá trị văn hóa tư sản. Đảm bảo các sinh hoạt văn hóa và hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng phải hướng vào phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Chống phi chính trị trong các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, biểu diễn, tích cực đấu tranh có hiệu chống các quan điểm sai trái, phản động.

Ba là, chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật đưa tin, phát ngôn theo đúng quy chế, quy định đã ban hành; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện sai trái, làm sai của các cán bộ, đảng viên, không để kẻ địch lợi dụng, khoét sâu thêm.

Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, văn hoá, truyền thông, đặc biệt là các lực lượng xung kích trên mặt trận đấu tranh phòng, chống ảnh hưởng của sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng.

Năm là, xây dựng cơ chế phối, kết hợp giữa các lực lượng của cả nước, bảo đảm sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Sáu là, mỗi cá nhân phải thường xuyên tự giác lựa chọn giá trị trong tất cả các hoạt động, hành vi ứng xử cũng như việc tiếp nhận và sáng tạo văn hoá. Tích cực tu dưỡng nhằm “nội hoá” và tiếp biến các giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa nhân loại vào nhân cách, đồng thời bồi dưỡng và phát triển giá trị văn hoá trong nhân cách là lẽ sống của mọi người./.

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.261
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021,

 Hồng Hải

 

Xem tin theo ngày:   / /