Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 01/2017. Lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân hằng năm (từ ngày 12 đến 16-2 Âm lịch). Lễ hội rước Mẫu diễn ra tại 3 ngôi đền: đền Hạ, Đền Thượng, đền Ỷ La. Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn và độc đáo.
Đông đảo du khách đến tham quan, vui chơi tại lễ hội Đền Ỷ La
Phần lễ bao gồm lễ rước Kiệu Mẫu và tế lễ. Lễ rước kiệu Mẫu bắt đầu từ Đền Ỷ la ra Đền Hạ, tiếp đến Lễ rước Kiệu Mẫu từ Đền Thượng qua sông về Đền Hạ để cùng hợp tế. Phần hội diễn ra với các hoạt động như: Thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian, (Kéo co, đẩy gậy, bóng chuyền hơi, bơi thuyền, chọi gà...) cùng các hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu như: Giới thiệu trang phục, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; diễn xướng dân gian kết hợp với biểu diễn âm nhạc… Đây là lễ hội truyền thống không chỉ riêng của người dân sinh sống trên địa bàn thành phố Tuyên Quang mà còn là ngày hội của Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn được bảo tồn, phát huy trong nhiều năm qua.
Đền Hạ (hay còn gọi là Đền Tam cờ) thuộc tổ 4, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang được xây dựng vào năm 1738 và được trùng tu lần thứ nhất tháng 6 năm Mậu Ngọ (1878). Đền Hạ thuộc loại hình kiến trúc tín ngưỡng, nghệ thuật cổ. Đền được nhân dân lập nên để thờ mẫu thần. Theo truyền thuyết là thờ Ngọc Hoa công chúa. Đền vẫn còn giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị trong đó phải kể đến là sắc phong ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1877). Trước khi phong, thần đã có mỹ tự là: Hiệp Thuận, Minh Khiết, Tĩnh Uyên, Nhàn Uyển phu nhân (chi thần). Điều đó có nghĩa là đã có nhiều sắc phong từ trước và đến năm Đồng Khánh thần được tặng thêm 2 cặp mĩ tự là: Dực Bảo, Trung Hưng, cùng với các bản sắc phong hiện nay đền Hạ còn có nhiều hiện vật cổ được lưu giữ, bảo quản khá nguyên vẹn như: hệ thống các bia ký trạm khắc bằng đá nguyên khối, tượng thờ bằng gỗ mít được trạm khắc và dát vàng hết sức tinh sảo, hai quả chuông đồng và một chiếc khánh đồng cùng các bức đại tự, hoành phi câu đôí đều có niên đại hàng trăm năm tuổi...
Đền Hạ không chỉ là nơi thờ phụng của Nhân dân trong vùng mà còn có sức cuốn hút đối với khách thập phương xa gần. Các lễ hội được tổ chức tại đền đều mang tính cộng đồng cao; người dân đến đây để bày tỏ khát vọng của mình trong cuộc sống ngày thường. Họ cầu mong cho cuộc sống đủ đầy hơn, mưa thuận gió hòa để mùa màng được tốt tươi. Ngày nay cứ vào khoảng thời gian từ ngày 11/2 đến 16/2 âm lịch hằng năm lễ hội đền Hạ lại được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, tiêu biểu nhất là lễ rước Mẫu từ đền Ỷ La về đền Hạ và lễ rước Mẫu từ đền Thượng về đền Hạ được Nhân dân địa phương thực hiện với một nghi thức tâm linh hết sức trang nghiêm, thành kính.
Đền Ỷ La thuộc phường Ỷ La thành phố Tuyên Quang. Đền được khởi dựng năm 1743, niên hiện Cảnh Hưng năm thứ 4 và được trùng tu lại vào đầu thế kỷ XIX. Theo truyền thuyết thì đền Hạ thờ công chúa Phương Dung. Do gặp nạn binh đao đền bị đốt phá nghiêm trọng. Dân cư phải rước tượng thần đến làng Ỷ La để lánh nạn. Năm 1817, Khải Định thứ 3, khởi công dựng lại đền trên địa điểm cũ nhưng quy mô lớn hơn để thờ công chúa Phương Dung. Đồng thời đền cũng thờ Tam toà Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng ngàn và Mẫu Thoải.
Đền Ỷ La lưu giữ nhiều bảo vật: Ba mươi hai pho tượng; bốn sắc phong vào các năm 1887, niên hiệu Đồng khánh thứ 2; năm 1890 niên hiệu Thành Thái thứ 2; năm 1909, niên hiệu Duy Tân năm thứ 3. Bốn sắc phong này ban cho thần Hiệp Thuận và năm 1923, niên hiệu Khải Định thứ 9; hai quả chuông, hai đôi chân đèn, hai lư hương cỡ nhỏ, sáu lư hương cỡ lớn, đôi lục bình cỡ lớn, đôi lục bình cỡ nhỏ, hai bức hoành phi, ba đôi câu đối, ba bộ long ngai, hai bài vị, bộ đài rượu, đôi hạc đồng, hai bức phù điêu, chín khám thờ, hai bộ bát bửu, đôi lọng, sáu bức y môn, đôi tàn. Cùng với đền Thượng, đền Hạ cứ vào dịp từ 11 đến 16 tháng 2 âm lịch hằng năm, đền Ỷ La lại long trọng tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, trong đó phải kể đến lễ rước Mẫu từ đền Ỷ La về đền Hạ và lễ rước Mẫu hoàn cung.
Đền Thượng tọa lạc tại xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang, đền thờ Mẫu Thần, được dựng vào năm 1801. Truyền thuyết kể rằng: Đời trước hai công chúa Ngọc Lân, tức Mai Hoa và Phương Dung, tức Quỳnh Hoa theo xa giá đi xem xét địa phương, đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Đền thờ Phương Dung công chúa ở phía hữu sông Lô thuộc địa phận xã Ỷ La, tức là đền Hạ ngày nay. Đền thờ Ngọc Lân công chúa ở phía tả sông Lô thuộc xã Tình Húc tức là đền Thượng ngày nay. Những ngày lễ thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Cảnh quan của đền thật là huyền ảo, hữu tình. Trước mặt đền là dòng sông Lô chảy hiền hoà, phía sau là những dãy núi trùng điệp tạo sự linh thiêng huyền bí. Đến đền Thượng, du khách tâm linh vừa đi lễ vừa có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của sông nước, núi rừng nơi đây. Lễ hội rước Mẫu Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La ra đời và tồn tại từ lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu tại ba ngôi đền kể trên: Đền Hạ, Đền Thượng và Đền Ỷ La.
Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Mẫu Ỷ La mang giá trị cố kết cộng đồng cao, mọi người đều có chung một niềm tin trước biểu tượng Mẫu thiêng liêng, cầu mong cuộc sống luôn được an lành, may mắn. Lễ hội rước Mẫu từ lâu đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của thành phố Tuyên Quang. Lễ hội cũng là dịp giới thiệu, quảng bá, tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa các di tích cấp quốc gia của Thành phố Tuyên Quang với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Thúy Quang