Chi bộ Mỏ Than thành lập - Bước ngoặt trong tiến trình đấu tranh cách mạng tại Tuyên Quang

Thứ Hai, ngày 20 tháng 3 năm 2023 - 09:27 Đã xem: 2273

Cách đây 83 năm, dưới sự chỉ đạo của xứ ủy Bắc Kỳ, lễ thành lập Chi bộ Mỏ Than được tổ chức tại nhà đồng chí Cả Kiến (tức Ninh Văn Kiến) nay là tổ 12, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Sự ra đời của Chi bộ Mỏ Than tạo ra bước ngoặt lớn, kịp thời đáp ứng yêu cầu của cách mạng tại Tuyên Quang cần thiết phải có một tổ chức Đảng lãnh đạo đưa phong trào đấu tranh tại địa phương phát triển đi lên.

Di tích Chi bộ Mỏ Than tại tổ 12, Phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang

Ngày 31-5-1884, thực dân Pháp chính thức đánh chiếm Tuyên Quang. Dưới sự áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, đời sống Nhân dân Tuyên Quang vô cùng cực khổ, mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc, dẫn tới nhiều cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức, bất công đã bùng nổ. Tuy nhiên, cũng như ở các địa phương khác, phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đều bị dìm trong bể máu vì thiếu một đường lối lãnh đạo đúng đắn.  

Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngay sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo quần chúng cách mạng cả nước bước vào cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống ách áp bức tàn bạo của kẻ thù. Tháng 6-1937, đồng chí Hoàng Văn Lịch được điều về hoạt động tại Tuyên Quang, chịu trách nhiệm trước Đảng về việc bắt mối, xây dựng cơ sở, tổ chức của Đảng tại Tuyên Quang. Với tên gọi là Hai Cao, đồng chí Hoàng Văn Lịch vào làm việc ở mỏ than thị xã Tuyên Quang. Đồng chí đã hướng cho anh em công nhân mỏ vào các hoạt động hưởng ứng phong trào dân chủ đang dâng lên mạnh mẽ trong toàn quốc. Đầu năm 1938, tổ chức Đoàn thanh niên dân chủ gồm một số thanh niên ưu tú được thành lập, làm nòng cốt trong phong trào thanh niên ở thị xã Tuyên Quang. Tiếp đó, đồng chí Hai Cao về Hà Nội liên lạc với các nhà xuất bản, lấy sách báo về phát hành ở Tuyên Quang. Nhờ có sự lưu hành rộng rãi sách báo của Đảng và sự vận động tích cực, khéo léo của đồng chí Hai Cao, Nhân dân lao động thị xã Tuyên Quang, nhất là công nhân mỏ than đã bước đầu được giác ngộ về quyền lợi giai cấp, quyền lợi dân tộc. Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, cụp phạt, đuổi thợ... đã diễn ra buộc bọn chủ mỏ phải nhượng bộ và giải quyết một số yêu sách.

Giữa năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Lịch trở về Cao Bằng hoạt động, đồng chí Vũ Mùi được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công lên Tuyên Quang phụ trách phong trào cách mạng ở địa phương. Kế thừa nền móng của phong trào quần chúng đã được xây dựng, đồng chí Vũ Mùi tiếp tục tuyên truyền, giác ngộ anh em công nhân và nhân dân lao động thị xã, tiến tới vận động bà con tham gia những hình thức đấu tranh cao hơn. Cuối năm 1938, hai cuộc đình công của công nhân mỏ than Tuyên Quang nổ ra đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, cúp phạt... giành được thắng lợi hoàn toàn; tháng 10-1939, công nhân đoàn thuyền sắt đình công đòi tăng lương, tăng tiền cước vận tải, cải thiện đời sống. Cuộc đình công kéo dài 5 ngày đã buộc bọn chủ phải tăng cho mỗi chuyến thuyền từ 1,5 đồng đến 1,8 đồng và 2 đồng... Những thắng lợi đầu tiên này đã làm nức lòng và cổ vũ tinh thần đấu tranh của anh em công nhân. Cũng từ đây, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương càng thêm sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân lao động Tuyên Quang, là bước chuẩn bị quan trọng cho sự thành lập chi bộ đảng tại Tuyên Quang.

Năm 1939, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ tác động sâu sắc đến tình hình cách mạng ở Việt Nam. Trước tình thế đó, ngày 6-11-1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu đã họp tại Bà Điểm (Gia Định). Hội nghị chủ trương “... phải kịp thời chuyển hướng hoạt động bí mật. Hoạt động bí mật không phải là nằm im trước sự khủng bố của giặc. Đảng vẫn phát triển lực lượng, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, các giai cấp, các dân tộc để đánh bại kẻ thù của dân tộc là chủ nghĩa đế quốc phát xít...” (1). Hội nghị cũng chỉ rõ muốn có thực lực cách mạng phải xây dựng được cơ sở trong các giai tầng xã hội, phát triển lực lượng đồng đều ở mọi địa bàn nông thôn cũng như thành thị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tới vùng sâu vùng xa, có nhiều đồng bào thiểu số, nơi đông đảo thợ thuyền phải được đặc biệt chú trọng.

Ở Tuyên Quang, mặc dù phong trào đấu tranh của Nhân dân thị xã đã phát triển, cơ sở quần chúng được mở rộng song chưa có Tổ chức Cộng sản lãnh đạo trực tiếp và thống nhất. Tình hình đó gây trở ngại cho lực lượng cách mạng ở địa phương trong điều kiện thực dân Pháp đã trở mặt không thực hiện cam kết với công nhân.

Nắm vững chủ trương của Trung ương Đảng, đánh giá đúng thực trạng và yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng địa phương, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập chi bộ Đảng ở Tuyên Quang để trực tiếp chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh. Ngày 20-3-1940, lễ thành lập Chi bộ Mỏ than được tổ chức tại nhà đồng chí Cả Kiến (tức Ninh Văn Kiến). Đồng chí Đào Duy Kỳ, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ đã thay mặt Xứ ủy công nhận và giao nhiệm vụ cho chi bộ: Chi bộ Mỏ Than gồm có 7 đồng chí: Vũ Mùi, Lương Quang Mai (tức Kiến con), Trần Xuân Hồng (tức Hồng lớn), Bùi Văn Đức (tức Đức Kim), Lương Hải Bằng (tức Lương Văn Hải), Trần Hải Kế và Trần Thị Minh Châu. Đồng chí Vũ Mùi được chỉ định làm Bí thư.

Chi bộ Mỏ Than ra đời là tất yếu khách quan, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển cách mạng của tỉnh nhà; là kết quả của quá trình tuyên truyền, gây dựng cơ sở bền bỉ, đầy khó khăn, gian khổ của cán bộ, đảng viên; là kết quả của phong trào đấu tranh liên tục, mạnh mẽ của công nhân và nhân dân lao động Thị xã Tuyên Quang, thể hiện sự chỉ đạo sát đúng của Xứ ủy Bắc Kỳ trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng. Chi bộ Mỏ Than ra đời kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết phải có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo lực lượng cách mạng địa phương, đưa phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, thống nhất của Đảng.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Mỏ Than, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang ngày càng phát triển và dần mở rộng, tạo nên không khí cách mạng sôi nổi ở Tuyên Quang, hướng quần chúng lao khổ theo con đường đấu tranh đòi cơm áo, độc lập, tự do. Đó cũng là cơ sở cho sự thành lập của Ban cán sự Đảng Tuyên Quang giữa năm 1941 và sau này là Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà hạt nhân ban đầu là Chi bộ Mỏ Than, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang phát triển mạnh mẽ. Ngày 10-3-1945 khởi nghĩa Thanh La nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi là tiền để để hàng loạt các địa phương khác trên địa bàn tỉnh khởi nghĩa giành thắng lợi. Đây chính là điều kiện tiên quyết để lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định chuyển từ căn cứ địa Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang) và chọn đây làm Thủ đô Khu giải phóng để lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và làm Thủ đô kháng chiến trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp sau này.

Trải qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, vượt qua khó khăn, Đảng bộ tỉnh không ngừng lớn mạnh, từ chi bộ đầu tiên với 7 đảng viên, trải qua 17 kỳ Đại hội, đến nay Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã có 10 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 451 tổ chức cơ sở đảng, 58.157 đảng viên. Từ những đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tuyên Quang được Đảng và Nhà nước phong tặng huân chương sao vàng, 2 lần được phong tặng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương độc lập hạng ba, 4 huyện thành phố và 12 tập thể được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…). Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Hệ thống tổ chức các cơ quan đảng được sắp xếp tinh gọn hơn, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Kỷ niệm 83 năm thành lập Chi bộ Mỏ Than, chúng ta vinh dự, tự hào vì có Đảng và cũng thấy được trách nhiệm của mình trong xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng lao động, học tập và phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, không ngừng chăm lo đời sống nhân dân, cùng chung tay xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng giàu mạnh./

Nguyễn Văn Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Văn kiện Đảng 1930 - 1945, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1977, t.III, tr.54,55.

2. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Nxb Chính trị quốc gia, năm 2000.

3. Khởi nghĩa Thanh La trong tiến trình Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nxb Chính trị quốc gia, năm 2013.

Xem tin theo ngày:   / /