Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa _Ảnh: Tư liệu
Lý thuyết về đối tác chiến lược
Trong quan hệ quốc tế, mặc dù đã có khá nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế bàn về đối tác chiến lược nói chung và các mối quan hệ đối tác chiến lược cụ thể, bất kể quãng thời gian khá dài kể từ khi quan hệ đối tác chiến lược đầu tiên xuất hiện vào năm 1992 (Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ)(1) và số lượng ngày càng gia tăng của các mối quan hệ này, nhưng đến nay dường như vẫn chưa có sự thống nhất về khái niệm “đối tác chiến lược”. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đây là mô hình liên kết mới trong quan hệ quốc tế, trở nên thịnh hành kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, được thiết lập theo cấu trúc mới để đạt được các mục tiêu dài hạn(2). Về đặc điểm, nhà nghiên cứu Vi-đi-a Nác-đa-ni (Vidya Nakdarni) cho rằng, quan hệ đối tác chiến lược: 1- Được hình thành thông qua các tuyên bố, thỏa thuận, ghi nhớ, trong đó chỉ rõ các mục tiêu xây dựng và tăng cường quan hệ nhiều mặt; 2- Thiết lập các cơ chế hoặc liên kết chính thức cấp chính phủ hoặc phi chính phủ nhằm thúc đẩy đối ngoại kênh 1 và kênh 2(3); 3- Thể chế hóa các cơ chế gặp gỡ lãnh đạo cấp cao và các cấp làm việc khác nhằm xác định lợi ích và quan tâm chung, giải quyết các vấn đề cụ thể; 4- Phát triển quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng thông qua tập trận chung, các giải pháp xây dựng lòng tin,...; 5- Cam kết đẩy mạnh hợp tác kinh tế; 6- Tăng cường sự hiểu biết về văn hóa của mỗi nước thông qua việc trao đổi giao lưu thế hệ trẻ và tổ chức các hội chợ văn hóa(4). Một số học giả chỉ ra ba đặc điểm của quan hệ đối tác chiến lược, bao gồm: 1- “Không có giới hạn về không gian và thời gian”; 2- “Không hạn chế về đối tượng áp dụng”; 3- “Không hạn chế về lĩnh vực hợp tác, và không nhất thiết phải mang nội dung an ninh - quân sự”(5). Về tính chất, quan hệ đối tác chiến lược mang tính “toàn diện”, “có đi, có lại”, “chia sẻ”, “dài hạn” và “giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu”(6). Về hình thức, do tính chất đa phương và đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, quan hệ đối tác chiến lược được thể hiện dưới các hình thức, như đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược có lựa chọn theo từng lĩnh vực, đối thoại chiến lược,...
Việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược cần dựa vào một số điều kiện quan trọng, như các bên bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị, hệ tư tưởng và giá trị xã hội; các bên quyết tâm chính trị để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược; tương đồng về mục đích, mục tiêu và thậm chí có thể chia sẻ lợi ích sống còn, đặc biệt trong duy trì an ninh, bảo đảm thịnh vượng và phát huy vai trò, vị thế trên trường quốc tế; thống nhất nhận thức về cách tiếp cận và nguyên tắc xây dựng đối tác chiến lược cũng như cơ sở pháp lý, nội dung, khuôn khổ, cơ chế bảo đảm triển khai hiệu quả; chia sẻ tầm nhìn về các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là trong các lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược, những vấn đề chính trị khu vực và toàn cầu(7).
Tóm lại, quan hệ đối tác chiến lược là một dạng thức quan hệ có tầm quan trọng lớn và có tính chiến lược, dài hạn giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa quốc gia với tổ chức quốc tế xuất hiện sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc nhằm xây dựng các cơ chế, kế hoạch, công cụ để đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực mà các bên ưu tiên. Mối quan hệ này không phải luôn luôn cố định mà có thể được tăng cường, chuyển biến với các nội hàm hợp tác khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh quốc tế cũng như tình hình của mỗi nước, lợi ích và quyết tâm, ý chí chính trị của mỗi bên trong từng giai đoạn.
Một số quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam hiện nay
Chủ trương đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các đối tác quan trọng, đi vào chiều sâu được Đảng và Nhà nước ta đề ra từ Đại hội X của Đảng (năm 2006), tiếp tục khẳng định qua các kỳ Đại hội XI của Đảng (năm 2011), Đại hội XII của Đảng (năm 2016) và Đại hội XIII của Đảng (năm 2021). Trước đó, Đại hội IX của Đảng (năm 2001) ghi nhận bước chuyển quan trọng trong tư duy đối ngoại, thể hiện tinh thần trách nhiệm và uy tín của Việt Nam khi khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”(8). Đại hội X của Đảng (năm 2006) tiếp tục nhấn mạnh “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”(9), đồng thời đặt mục tiêu “Đưa các quan hệ quốc tế đã được thiếp lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững”(10). Như vậy, tại Đại hội X của Đảng, khái niệm “quan hệ đối tác” được đề cập ở “mức độ cao hơn, sâu sắc hơn, chất lượng hơn và toàn diện hơn”. Đại hội XIII của Đảng đưa ra định hướng hoạt động đối ngoại, đó là: “Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác quan trọng khác”(11). Với chủ trương được xác định nhất quán và mạnh mẽ như vậy, việc xây dựng nội hàm của dạng thức quan hệ đối tác chiến lược là vô cùng quan trọng. Quan hệ đối tác chiến lược là một dạng thức quan hệ đối ngoại, các bên tham gia đều có nhu cầu tăng cường hợp tác, coi trọng và chú ý hơn tới lợi ích chiến lược của nhau, có hợp tác sâu rộng, gắn kết về lợi ích và hướng tới lòng tin chiến lược.
Tính đến nay, mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam bao gồm 17 nước: Nga (năm 2001), Ấn Độ (năm 2007), Trung Quốc (năm 2008); Hàn Quốc (năm 2022), Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po (năm 2013); Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin (năm 2015); Nhật Bản, Tây Ban Nha (năm 2009); Anh (năm 2010), Đức (năm 2011); I-ta-li-a, Pháp (năm 2013), Ô-xtrây-li-a (năm 2018) và Niu Di-lân (năm 2020). Trong số 17 nước trên, việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với một số nước, như Trung Quốc, Đức và Xin-ga-po(12) có một số nội dung đáng chú ý. Cụ thể:
Về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc: Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1991 đến nay, hợp tác Việt Nam - Trung Quốc đã trải qua nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng. Đặc biệt vào tháng 6-2008, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhằm thiết lập “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” trên cơ sở phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần bốn tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Trung Trung Quốc có những bước tiến lớn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực.
Về chính trị - ngoại giao, đặc điểm nổi bật trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Trung Quốc là sự tin cậy và hữu nghị, biểu hiện qua các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai nước được thực hiện thường xuyên với hình thức đa dạng, thể hiện tính chất đặc thù của mối quan hệ truyền thống tốt đẹp và tầm quan trọng của mỗi nước trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Năm 2017, ngay sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm chính thức. Năm 2022, sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Trung Quốc. Với sự tương đồng về thể chế chính trị, hệ tư tưởng, lịch sử và truyền thống gắn bó lâu dài giữa hai nước, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước đã chia sẻ nhận thức chung quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường sự tin cậy chính trị, giải quyết các bất đồng tồn tại và thúc đẩy hợp tác toàn diện, lành mạnh, ổn định trên các lĩnh vực.
Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn chiếm vị trí quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã và đang là đối tác thương mại lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á và đối tác lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới(13). Tính đến tháng 9-2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 131,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Về đầu tư, tính đến tháng 9-2022, với 3.486 dự án có tổng số vốn đăng ký đạt 22,44 tỷ USD, Trung Quốc tiếp tục xếp thứ 6/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam(14). Vấn đề thâm hụt thương mại cũng được hai bên quan tâm thúc đẩy và đưa vào Tuyên bố chung để được xử lý thỏa đáng, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đối với vấn đề biên giới lãnh thổ, trên cơ sở các văn kiện được hai bên ký kết vào năm 2009(15) về biên giới trên đất liền giữa hai nước, biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được duy trì hòa bình, ổn định. Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý thỏa đáng và kịp thời các vấn đề phát sinh. Mặc dù tình hình trên Biển Đông xuất hiện một số nhân tố phức tạp, hai bên vẫn duy trì các kênh đối thoại, đàm phán, nỗ lực kiểm soát bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trong khuôn khổ các tổ chức và diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên hợp quốc,... với mục tiêu bảo đảm hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác tại khu vực và trên thế giới, hai bên tích cực phối hợp hiệu quả, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và ủng hộ lẫn nhau tham gia các tổ chức đa phương khu vực và quốc tế.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng Thủ tướng Đức Olaf Scholz bức thư pháp với nội dung: "Hòa bình - Hữu nghị cùng phát triển" tại đền Ngọc Sơn, Hà Nội_Ảnh: TTXVN
Về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức: Năm 2021 đánh dấu 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức và ghi nhận nhiều bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực.
Đối với chính trị - ngoại giao, điểm nổi bật trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức là sự tin cậy và đánh giá cao lẫn nhau thể hiện qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước được tiến hành thường xuyên hơn so với giai đoạn trước khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Tháng 11-2022, Thủ tướng Đức Ô. Sôn (Olaf Scholz) đã thăm chính thức Việt Nam, sau khi thăm Nhật Bản và Trung Quốc, thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Đức. Bên cạnh đó, hai nước đã thiết lập và duy trì các cơ chế hợp tác đa dạng trên các lĩnh vực, bao gồm: Tham vấn chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tham vấn chính phủ về hợp tác phát triển, Đối thoại cấp cao về kinh tế, Đối thoại về nhà nước pháp quyền, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học - công nghệ,... nhằm thực hiện các kế hoạch hành động chiến lược được hoạch định theo từng giai đoạn.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư được đánh giá là điểm sáng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức. Với ưu thế là đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) và là nước có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ, Đức luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, với các chỉ số hết sức ấn tượng khi trong nhiều năm, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU; đặc biệt, năm 2020, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại khu vực Đông Nam Á.
Hợp tác về quốc phòng - an ninh giữa hai nước có nhiều bước phát triển tích cực trong những năm qua. Năm 2003, Việt Nam đã cử tùy viên quốc phòng thường trú tại Thủ đô Béc-lin và Đức cử tùy viên quốc phòng tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam. Tháng 9-2019, Đức chính thức cử tùy viên quốc phòng thường trú tại Việt Nam. Triển khai “Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được Đức thông qua vào tháng 9-2020, tháng 1-2022, lần đầu tiên trong lịch sử, khinh hạm FGS Bayern với hơn 200 thành viên của hải quân Đức đã thăm Việt Nam.
Trên các tổ chức và diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, Việt Nam và Đức hợp tác hiệu quả và chặt chẽ với nhiều minh chứng sống động. Việt Nam luôn là cầu nối để Đức mở rộng quan hệ hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Đức luôn ủng hộ mạnh mẽ mối quan hệ Việt Nam - EU. Năm 2019, với sự ủng hộ tích cực của Đức, Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Năm 2020, trên cương vị cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Đức là Chủ tịch luân phiên của EU, Việt Nam và Đức đã thúc đẩy thành công việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược ASEAN - EU và thành lập Nhóm những người bạn của UNCLOS năm 1982, thu hút sự tham gia của hơn 100 quốc gia thành viên.
Về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Xin-ga-po: Với truyền thống tốt đẹp giữa hai nước trong quá khứ, gắn kết bởi sự tương đồng trong văn hóa và lợi ích song trùng ở khu vực và trên thế giới, Việt Nam và Xin-ga-po đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long vào tháng 9-2013, đặt nền tảng cho những bước phát triển vững vàng và toàn diện trong mối quan hệ này. Khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Xin-ga-po tiếp tục được nhấn mạnh với nội hàm mới vào năm 2022 khi hai nước ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác cùng phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Điểm sáng trong quan hệ hai nước chính là sự tin cậy, gắn bó và sẻ chia, là nền tảng định hướng cho quan hệ hai nước. Tháng 2-2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo cấp Nhà nước đầu tiên đến thăm Xin-ga-po sau đại dịch COVID-19 và Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà Tổng thống Xin-ga-po Ha-li-ma Y-a-cốp (Halimah Yacob) thăm cấp nhà nước sau khi Xin-ga-po mở cửa trở lại (tháng 10-2022). Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Xin-ga-po Tan Chuan-Jin đã thăm chính thức Việt Nam (tháng 5-2022), thể hiện rõ nét nhất thứ tự ưu tiên trong chính sách đối ngoại của hai nước. Nhiều cơ chế hợp tác, như tham vấn hằng năm giữa hai Bộ Ngoại giao, đối thoại quốc phòng đã được xác lập và thực hiện để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược hai nước.
Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư luôn là điểm nhấn trong quan hệ hai nước. Xin-ga-po hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á. Xin-ga-po đang có hơn 3.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam với tổng số vốn đạt hơn 70,16 tỷ USD(16). Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po (VSIP) được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả ở 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam, là hình ảnh biểu tượng trong hợp tác kinh tế của hai nước.
Hợp tác quốc phòng - an ninh ngày càng được thúc đẩy với các hoạt động phong phú không chỉ mang ý nghĩa quan trọng đối với hai nước, mà còn nhằm hỗ trợ, ứng phó hiệu quả với các nguy cơ an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống trong khu vực và trên toàn cầu, như phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; chống cướp biển; chống khủng bố;... Tháng 3-2016, Xin-ga-po là nước đầu tiên cử tàu hải quân RSS ENDURANCE với 81 thủy thủ thăm cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa). Tháng 2-2022, Việt Nam và Xin-ga-po đã ký kết Hiệp định về hợp tác quốc phòng song phương, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.
Trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, hai nước đã phối hợp hiệu quả và chia sẻ lập trường chung của ASEAN đối với các vấn đề an ninh khu vực, nỗ lực duy trì tinh thần đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực. Ngoài ra, sự kiện Đối thoại Shangri-La hằng năm - một diễn đàn cấp cao về an ninh khu vực châu Á và quốc tế - được tổ chức tại Xin-ga-po là dịp quan trọng để Việt Nam khẳng định quan điểm, lập trường về các vấn đề an ninh khu vực, nhằm góp phần thúc đẩy xây dựng lòng tin và nền tảng để duy trì hòa bình, bảo đảm phát triển.
Đánh giá về quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam
Trên cơ sở những phân tích về lý thuyết, nội hàm và thực tiễn về quan hệ đối tác chiến lược trong quan hệ quốc tế nói chung và của Việt Nam nói riêng, cũng như những phân tích về quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với Trung Quốc, Đức và Xin-ga-po, có thể nhận xét như sau:
Thứ nhất, các khuôn khổ đối tác chiến lược của Việt Nam được chính thức thiết lập thông qua hình thức văn bản chính trị quan trọng là Tuyên bố được ký kết bởi các lãnh đạo cấp cao Việt Nam và lãnh đạo cấp cao các nước. Đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam được thiết lập với Nga nhân dịp Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin thăm chính thức Việt Nam năm 2001 và hai bên cùng ra “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga”. Gần đây nhất, tháng 7-2020, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Niu Di-lân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Niu Di-lân Gia-xin-đa A-đơn (Jacinda Ardern) đã ký kết “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Niu Di-lân”.
Thứ hai, các khuôn khổ đối tác chiến lược của Việt Nam đều hướng tới các mục tiêu quan trọng, lâu dài, có tầm chiến lược và ý nghĩa quan trọng đối với mỗi bên. Điều thường được nhấn mạnh đầu tiên trong các văn bản thỏa thuận về khuôn khổ đối tác chiến lược Việt Nam và các nước là mục tiêu làm sâu sắc hơn sự hiểu biết và lòng tin cậy lẫn nhau thông qua các hoạt động, như thường xuyên trao đổi các đoàn lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả các chuyến thăm chính thức song phương và tiếp xúc bên lề các diễn đàn quốc tế và khu vực; hình thành các cơ chế hợp tác đa dạng giữa các cơ quan Đảng, các bộ, ngành thuộc Quốc hội, Chính phủ và các địa phương hai nước.
Thứ ba, các quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam mang tính toàn diện và linh hoạt bao gồm các hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa,... Tuy nhiên, tùy thuộc vào thế mạnh và mong muốn của mỗi nước mà các lĩnh vực có thứ tự ưu tiên khác nhau. Ví dụ, trong quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với Đức, Nhật Bản,... Việt Nam và các đối tác tập trung khai thác hợp tác thúc đẩy đầu tư, chuyển giao khoa học - công nghệ, thương mại, viện trợ phát triển,... Với Niu Di-lân, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò then chốt. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (tháng 11-2022), Thủ tướng Niu Di-lân Gia-xin-đa A-đơn đã nhấn mạnh, với thế mạnh và truyền thống trong sản xuất và xuất khẩu lương thực, Niu Di-lân và Việt Nam là đối tác “trời sinh” trong lĩnh vực nông nghiệp và cả hai cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác trong lĩnh vực quan trọng này. Trong quan hệ với Nga, Việt Nam ưu tiên các lĩnh vực mà Nga đã có quan hệ hợp tác truyền thống và thế mạnh như quốc phòng - an ninh. Tương tự, quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng là một trong các lĩnh vực ghi nhận nhiều bước phát triển có ý nghĩa trong quan hệ chiến lược Việt Nam - Ấn Độ.
Thứ tư, các quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam, mặc dù được thiết lập song phương, nhưng bao gồm cả những nội hàm đa phương quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam và các đối tác phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu, đói nghèo, bất bình đẳng và đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Các khuôn khổ đối tác chiến lược, toàn diện chính là điều kiện thuận lợi để Việt Nam và các đối tác tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thống nhất quan điểm, phối hợp lập trường tại các tổ chức và diễn đàn đa phương từ cấp độ khu vực (ASEAN, APEC) đến liên khu vực (Diễn đàn hợp tác Á - Âu - ASEM) và toàn cầu (Liên hợp quốc, WTO).
Kiểm tra tấm wafer - nguyên liệu để sản xuất sản phẩm cho chất bán dẫn tại Công ty TNHH Hana Micron Vina 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc ở tỉnh Bắc Giang_Ảnh: TTXVN
Thứ năm, mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam đã và đang mang lại nhiều kết quả có ý nghĩa cho Việt Nam trên các phương diện duy trì an ninh, phát triển kinh tế và nâng cao uy tín, vị thế của đất nước. Về an ninh, thông qua các cơ chế trong quan hệ đối tác chiến lược với các nước, căng thẳng, bất đồng và tranh chấp đã và đang được các bên liên quan kiềm chế, xử lý phù hợp; các vấn đề bảo vệ chủ quyền và biên giới lãnh thổ đang được bảo đảm. Về kinh tế, số liệu về đầu tư và thương mại giữa Việt Nam với phần lớn đối tác chiến lược là tích cực và khả quan. Trong 5 tháng đầu năm 2022, trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, Xin-ga-po đang đứng đầu với tổng số vốn đạt gần 3 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam; tiếp đến là Hàn Quốc, với trên 2,06 tỷ USD(17). Về vị thế, trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, Việt Nam không chỉ là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, mà còn là nước chủ động, tham gia đề xuất các sáng kiến, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và ủng hộ. Trên cương vị là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam đề xuất một số văn kiện và đã được thông qua, như Nghị quyết về gia hạn các cơ chế tòa án còn tồn đọng và bảo vệ kết cấu hạ tầng thiết yếu; Tuyên bố Chủ tịch về tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, tăng cường quan hệ giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và giải quyết hậu quả bom mìn; Tuyên bố báo chí về vụ tấn công khủng bố ở In-đô-nê-xi-a; Tuyên bố Hà Nội về phụ nữ, hòa bình và an ninh; Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh (ngày 27-12) hằng năm... Mới đây, Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021 - 2025, Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hội đồng Khai thác bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2023 - 2027, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Có thể thấy, xét trên góc độ lý thuyết và thực tiễn, khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược là một dạng thức mới của quá trình hợp tác quốc tế thời kỳ sau Chiến tranh lạnh với các đặc điểm và nội hàm thuận lợi cho hợp tác quốc tế. Do vậy, mô hình hợp tác này đã dần trở nên thịnh hành và được xem như là một xu hướng triển khai trong chính sách đối ngoại của các quốc gia. Thực tiễn xây dựng và triển khai các quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam đã chứng minh tính hiệu quả của những mô hình này. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả không giống nhau với tất cả các cặp quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam. Những nghiên cứu về các nội dung khác liên quan, như các nhân tố thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược; cách tiếp cận trong triển khai đối tác chiến lược của Việt Nam; phân tích, đánh giá sâu về từng cặp quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam... cần tiếp tục được tiến hành để gợi mở những điều chỉnh và bổ sung trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới./.
Theo Nguyễn Thị Thìn/tapchicongsan.org.vn
------------------------------
(1) Lucyna Czechowska - Andriy Tyushka - Agata Domachowska - Karoline Gawron-Tabor - Joanna Piechowiak-Lamparska: States, Organizations and Strategic Partnerships (Tạm dịch: Các quốc gia, tổ chức và quan hệ đối tác chiến lược), Nxb. Edward Elgar Publishing, 2019
(2) Thomas S. Wilkins: “Russo-Chinese Strategic Partnership: A New Form of Security Cooperation?” (Tạm dịch: Quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung Quốc: Một hình thức hợp tác an ninh mới?), Tạp chí Contemporary Security Policy, ngày 10-9-2008, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/13523260802284365
(3) Đối ngoại kênh 1 - kênh đối ngoại chính thức của Nhà nước với hình thức chủ yếu là đàm phán, thương lượng; đối ngoại kênh 2 - chủ thể là các chuyên gia, học giả, viện nghiên cứu (think-tanks)
(4) Vidya Nadkarni: Strategic Partnerships in Asia: Balancing without alliances (Tạm dịch: Quan hệ đối tác chiến lược ở châu Á: Cân bằng mà không cần liên minh), Nxb. Routledge London và New York, 2010, tr. 48
(5) Nguyễn Vũ Tùng - Hoàng Anh Tuấn: Quan hệ đối tác chiến lược trong quan hệ quốc tế, Học viện Quan hệ quốc tế, 2006, tr. 49 - 50
(6) Renard, T.: “The EU and its strategic partners: a critical assessment of the EU’s strategic partnerships” (Tạm dịch: Liên minh châu Âu và các đối tác chiến lược: Đánh giá quan trọng về quan hệ đối tác chiến lược của Liên minh châu Âu), trong S. Biscop - R. G. Whitman (Chủ biên): The Routledge Handbook of European Security (Tạm dịch: Sổ tay Routledge về an ninh châu Âu), Nxb. Routledge London và New York, 2013, tr. 302 - 314
(7) Xem: Lê Thế Mẫu: “Nhận diện quan hệ đối tác chiến lược trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử, ngày 8-8-2016, http://tapchiqptd.vn/vi/binh-luan-phe-phan/nhan-dien-quan-he-doi-tac-chien-luoc-trong-ky-nguyen-toan-cau-hoa-va-hoi-nhap-quoc-te/9196.html
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 119
(9), (10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 112
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 163
(12) Trung Quốc là quốc gia láng giềng, nước lớn và là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Đức là quốc gia có trị trí quan trọng hàng đầu trong Liên minh châu Âu; Xin-ga-po là quốc gia Đông Nam Á, thành viên trong Cộng đồng ASEAN
(13) Xem: Phạm Sao Mai: “Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa hết sức quan trọng”, Đài Truyền hình Việt Nam điện tử, ngày 30-10-2022, https://vtv.vn/chinh-tri/chuyen-tham-trung-quoc-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-co-y-nghia-het-suc-quan-trong-20221030090608468.htm
(14) Xem: Tuấn Trang: “Việt Nam - Trung Quốc: Duy trì đà phát triển ổn định và tích cực”, Báo Thế giới và Việt Nam điện tử, ngày 26-10-2022, https://baoquocte.vn/viet-nam-trung-quoc-duy-tri-da-phat-trien-on-dinh-va-tich-cuc-203389.html
(15) Nghị định thư phân giới cắm mốc trên đất liền, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền
(16) Xem: Thông tấn xã Việt Nam: “Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Xin-ga-po đạt hiệu quả cao”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 17-10-2022, https://dangcongsan.vn/multimedia/infographic/quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-singapore-dat-hieu-qua-cao-622112.html
(17) Xem: Cục Đầu tư nước ngoài: “Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022”, Trang Thông tin điện tử đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, ngày 7-6-2022, https://fia.mpi.gov.vn/Detail/CatID/457641e2-2605-4632-bbd8-39ee65454a06/NewsID/901567d4-a6da-4326-a223-830ce1ebdd05/MenuID