Tuyên Quang dưới thời nhà Nguyễn (Giai đoạn từ năm 1802 đến năm 1884)

Thứ Sáu, ngày 14 tháng 4 năm 2023 - 15:13 Đã xem: 3629

Năm Nhâm Tuất 1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Hoàng đế, tự đặt niên hiệu là Gia Long, lập ra triều đại mới: Triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử phong kiến Việt Nam, tồn tại 143 năm trải qua 13 đời vua bắt đầu từ Gia Long và kết thúc khi Bảo Đại thoái vị năm 1945. Bài viết phác thảo vài nét về Tuyên Quang trong giai đoạn đầu nhà Nguyễn (năm 1802) đến trước khi thực dân Pháp đánh chiếm Tuyên Quang (năm 1884).

Đối với chính trị - hành chính, ở thời kỳ đầu triều Nguyễn, Tuyên Quang là một trong 11 trấn Bắc thành và được xếp vào ngoại trấn cùng với Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Yên Quảng và Hưng Hóa. Đứng đầu trấn có chức Trấn thủ, các chức Hiệp trấn, Tham hiệp giúp việc. Thời Minh Mệnh, việc tuyển chọn quan lại trị nhậm các địa phương rất được quan tâm. Trước hết phải là những người có kinh nghiệm vỗ về, phủ dụ an dân, đặc biệt là những địa phương ở xa kinh đô.

Năm 1831, Minh Mệnh tiến hành cải cách hành chính, Tuyên Quang trở thành một tỉnh dưới quyền kiểm soát của Tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên. Ở tỉnh đặt hai ty Bố chính và Án sát dưới quyền Tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên. Tỉnh Tuyên Quang phía Bắc giáp tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Đông giáp Cao Bằng và Thái Nguyên, phía Nam giáp Sơn Tây và Hưng Hóa, phía Tây giáp Lào Cai. Chức nhiệm của các quan đứng đầu tỉnh Tuyên Quang được quy định cụ thể: Bố chính sứ giữ việc thuế khóa, tài chính toàn hạt; Án sát sứ giữ việc kiện tụng hình án toàn hạt, chấn hưng phong hóa, kỷ cương, trừng thanh các quan lại, kiêm coi công việc chạy trạm trong hạt. Khi có các việc trọng đại, hai ty (Bố chính và Án sát) hội đồng bàn bạc, rồi trình bày với Tổng đốc hay Tuần phủ.

Một số hình ảnh về thành phố Tuyên Quang nay:

Trong xanh dòng Lô

Một góc hồ Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang

 

Một góc cổng thành phía Tây của Thành Tuyên Quang 

Đài tưởng niệm Tuyên Quang

Năm 1835, nhà Nguyễn bắt đầu đặt lưu quan ở Tuyên Quang và một số tỉnh miền núi phía Bắc. Mặc dù vậy, nhà Nguyễn vẫn quan tâm đến lợi ích về chính trị và kinh tế của đội ngũ Thổ quan.

Về kinh tế, trong thời kỳ này nền kinh tế vẫn dựa chủ chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Phần lớn đồng bào lấy việc trồng lúa nương và cây lương thực khác trên đất dốc là chủ yếu, họ cũng khai thác vùng đất bằng phẳng dưới thung lũng để trồng lúa nước. Cây lương thực chính bao gồm: lúa, ngô, sắn, khoai lang và trồng một số cây ăn quả như mận, na, hồng... xung quanh nhà. Ngành chăn nuôi chủ yếu là nuôi trâu để lấy sức kéo, chăn nuôi lơn, gà để tự cung cấp trong gia đình. Để phục vụ sản xuất nông nghiệp, Nhân dân đã dùng cọn, gàu, biết đắp các phai, đập; đào mương để lấy nước tưới cho cây trồng. Là tỉnh miền núi việc khai thác lâm sản đã được chú ý, tuy nhiên nhu cầu lâm sản thời kỳ này không lớn nên sản lượng khai thác thấp, chủ yếu cho sinh hoạt và mở rộng đất canh tác.  Cùng với sản xuất nông - lâm nghiệp, người dân Tuyên Quang còn làm nhiều nghề thủ công như khai thác, chế biến nông, lâm sản và dược liệu; thêu dệt các mặt hàng từ sợi bông, sợi lanh và nhuộm vải; chế ra công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt từ sắt, đồng, song, mây, tre, nứa... cùng với đồ trang sức từ vàng, bạc. Người Pháp khi đặt chân đến Tuyên Quang cũng phải khẳng định “kỹ thuật của họ cũng khéo, biết làm rèn, đồ đồng, bạc, làm dao, súng (súng kíp, hỏa mai); làm lưỡi cày, là đồ nữ trang do họ tiện lấy” “họ cũng thông thạo làm các dụng cụ gia đình, làm đồ nữ trang bằng bạc, tuy thô nhưng rất đặc sắc”. Tuyên Quang là tỉnh có nhiều loại khoáng sản, do vậy triều đình nhà Nguyễn rất quan tâm đến việc khai thác khoáng sản tại Tuyên Quang. Từ năm 1802 đến 1851, tổng số mỏ đã từng được khai thác là 21 mỏ, trong đó mỏ Tiên Kiều có quy mô lớn nhất do Nhà nước quản lý trực tiếp, số nhân công làm việc tại đây có lúc lên đến 3.122 người trong đó có 1.820 lính và 1.302 phụ mỏ làm thuê (vào năm 1833). Bên cạnh đó còn có những mỏ khá lớn, tập trung nhiều nhân công khai thác, như mỏ đồng Tụ Long (thuộc châu Vị Xuyên), theo Lê Quý Đôn thì ở vùng Tụ Long có 2 mỏ đồng: Nà Ngọ và Bán Gia (Mỏ Nà Ngọ có 26 cửa hầm và hằng năm sản xuất 45 vạn cân đồng). Phương thức khai thác mỏ khá đa dạng: Do Nhà nước trực tiếp quản lý, do Hoa kiều, do người Việt quản lý, do thổ tù miền núi lĩnh trưng... Nằm ở vị trí tiếp giáp giữa trung du và miền núi, địa hình phong phú và đa dạng, Tuyên Quang sớm phát huy lợi thế trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch. Trước khi thực dân Pháp xâm chiếm Tuyên Quang, nhiều sản phẩm của các làng thủ công nghiệp truyền thống thuộc châu Chiêm Hóa đã có mặt tại chợ làng, chợ huyện trong vùng và lưu thông sang các vùng lân cận thuộc trấn Tuyên Quang và trấn Thái Nguyên xưa... từ Tuyên Quang đã hình thành các luồng buôn bán giữa các vùng, hàng hóa chuyển về xuôi, chủ yếu là lâm thổ sản và đại gia súc (trâu, bò). 

 Về văn hóa, giáo dục, nhà Nguyễn thường lập đàn Xã Tắc ở nhiều nơi trong cả nước để tế thần của cư dân nông nghiệp. Sách Đại Nam nhất thống chí, mục Đền miếu nói về Tuyên Quang có chép: “Đàn Xã Tắc ở xã Ỷ La dựng năm Minh Mệnh thứ 14 (năm 1833)”. Khi triều Nguyễn thiết lập, những vùng đất như Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn... được coi là vùng biên viễn, xa nơi giáo hóa. Tuy nhiên, đối với dân ở các tỉnh xa kinh đô, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc, nhà Nguyễn cũng rất quan tâm vỗ về, phủ dụ, nhất là sau những cuộc nổi dậy của Dương Đình Cúc, Nông Văn Vân... Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, vào năm Ất Dậu (1825) vua Minh Mạng cho xây dựng Văn Miếu tại xã Ỷ La, huyện Hàm Yên, Phủ Yên Bình để thờ Khổng Tử và cho xây đền Khải Thánh ở phía tây để thờ cúng cha mẹ Khổng Tử, cũng là nơi rèn đúc nhân tài cho địa phương. Năm 1844, Vua Thiệu Trị định lại lệ thi Hương, bắt đầu cho đặt chức Giáo thụ ở tỉnh Tuyên Quang để khuyến khích phát triển giáo dục ở vùng này. Tháng 11-1855, Nhà nước bắt đầu đặt ngạch học sinh cho các tỉnh biên giới Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Quảng Yên theo tiêu chuẩn tư chất tốt mà ham học, cho mỗi nơi chọn từ 3 đến 6 học trò, trừ cho việc đi lính, tạp dịch, chế độ khảo hạch và lương bổng giống học sinh từ Quảng Bình vào Nam. Tuy nhà Nguyễn có những chính sách khuyến học rất tích cực đối với các địa phương vùng xa nhưng cũng không đem lại kết quả nào đáng kể. Tính từ khoa thi năm đầu tiên (năm Gia Long thứ 6, 1807) đến khoa thi cuối cùng (1918) cả nước có 5.232 người đỗ Cử nhân, Hương cống, nhưng không có một sĩ tử nào quê ở Tuyên Quang do Tuyên Quang là vùng đất xa kinh thành, dân cư đa số là dân tộc thiếu số, mỗi dân tộc lại có tiếng nói riêng, phong tập tập quán và nền văn hóa riêng nên việc học chữ Nho ở địa phương phát triển chậm.

Về xã hội, do chính sách ngày càng can thiệp sâu vào quyền lợi của các thổ ty vùng biên viễn của triều đình nhà Nguyễn nên đã xuất hiện các mâu thuẫn và nổ ra các cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình của nhiều tù trưởng, thổ ty thuộc các tỉnh miền núi, tại Tuyên Quang có cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân nổ ra trên quy mô rộng lớn. Cuộc khởi nghĩa cuối cùng bị triều đình dập tắt nhưng nó cũng đã báo hiệu những khủng hoảng sâu sắc trong lòng xã hội phong kiến Việt Nam ở thế kỷ XIX.

Nguyễn Văn Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Nxb. Chính trị quốc gia. năm 2000.

2. Địa chí Tuyên Quang, Nxb. Chính trị quốc gia. năm 2014.

Xem tin theo ngày:   / /