Đã từ lâu, Vua Hùng được coi là biểu tượng, vị Tổ dựng nước của Dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm Đền Hùng vào ngày 19/9/1954 và 19/8/1962. Tại đây, ngày 19/9/1954, Người đã có câu huấn thị nổi tiếng cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi vào tiếp quản Thủ đô: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
Ảnh minh hoạ: Tất Thắng
Đến năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được Ban Bí thư quy định là một trong những ngày lễ lớn trong năm, giao cho ngành văn hóa phối hợp với các ngành chức năng tổ chức Lễ hội Đền Hùng trong thời gian từ 1-3 đến 10-3 âm lịch hàng năm. Từ ngày 2/4/2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đó, ngày 10/3 âm lịch hằng năm, một lần nữa được Nhà nước chính thức công nhận trở thành ngày quốc lễ, mang đậm ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Sau khi Việt Nam đệ trình hồ sơ lên tổ chức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được các chuyên gia của tổ chức này đánh giá đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: Di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản này là một biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam [1].
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cả nước có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Đền Hùng là tên gọi khái quát chỉ quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội đền Hùng bao gồm những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính chất nghi thức truyền thống và những hoạt động văn hóa dân gian khác... Các hoạt động mang tính chất nghi thức còn lại đến ngày nay là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Đó là hai nghi lễ được cử hành đồng thời trong ngày chính hội. Đám rước kiệu xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Đó là một đám rước tưng bừng những âm thanh của các nhạc cụ cổ truyền và màu sắc sặc sỡ của bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống... Cùng với phần lễ là phần hội với các hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, ban ngày có hát sẩm, hát ví, hát trống quân, cò lả... đêm đến có hát xoan kéo dài từ chập tối đến sáng tại đền Thượng. Ngoài ra, còn có hát chèo, tuồng ở ngoài các bãi rộng chân núi. Bên cạnh đó, còn có các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, chọi gà, vật, bắn nỏ thi, kéo lửa nấu cơm thi, bịt mắt bắt dê...[2]
Giáo dục ý thức về tổ tiên, về lòng tự hào dân tộc cũng chính là những tiền đề, cơ sở hình thành lòng nhân ái, đạo đức cộng đồng, nhắc nhở mỗi cá nhân hành động theo các chuẩn mực xã hội. Thông qua đó khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nêu cao ý nghĩa của lòng yêu nước thương nòi, biết ơn công lao gây dựng đất nước, được Nhân dân ghi nhận và tôn thờ. Ở phương diện xã hội, đó còn là sợi dây tinh thần kết nối cộng đồng, biểu tượng của đoàn kết dân tộc.
Trải qua bao thời đại lịch sử, lễ hội đền Hùng vẫn được gìn giữ và trở thành nơi phát nguyên nguồn gốc dân tộc. Người đến hội là người Việt Nam thì trong tâm thức đều có quyền tự hào là con cháu muôn đời của vua Hùng, mang theo lòng ngưỡng mộ cầu mong quốc thái dân an và để hành hương về vùng đất cội nguồn của dân tộc. Đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương còn là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc.
1. Phạm Minh Phương, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam, Quân đội Nhân dân, Cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Tiếng nói của lực lượng vũ trang và Nhân dân Việt Nam, 10/4/2022.
2. Đăng Quang, Giỗ tổ Hùng Vương: Biểu tượng văn hóa và truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, Báo điện tử Chính phủ, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 9/4/2011
Đỗ Hồng Thanh