Tuyên Quang chú trọng thu hút đầu tư để phát triển

Thứ Hai, ngày 19 tháng 4 năm 2021 - 15:48 Đã xem: 1973

Thu hút đầu tư có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, do đó trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang luôn tích cực tiếp cận các nhà đầu tư, giới thiệu tiềm năng, lợi thế, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đầu tư vào tỉnh. 

Sản xuất tại Nhà máy may Sơn Dương do Tập đoàn dệt may Việt Nam đầu tư tại tỉnh. Nguồn ảnh: tuyenquangtourism.gov.vn

Một số kết quả thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020

Giai đoạn 2016-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 206 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 32.204 tỷ đồng; trong đó chủ yếu là đầu tư trong nước và dự án nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp. So với cả giai đoạn từ 2006-2020, chiếm trên 60% số lượng dự án và vốn đầu tư đăng ký chiếm trên 64%. Nhiều dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn đã đi vào hoạt động, như: Nhà máy may Sơn Dương của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Khách sạn Mường Thanh, Trung tâm thưong mại Vincom shophouse Tuyên Quang, Cụm công nghiệp chế biến gỗ Thắng Quân của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang,... Đang triển khai thực hiện một số dự án lớn lĩnh vực du lịch, dịch vụ, như: Dự án Khu du lịch sinh thái và dịch vụ thể thao Sơn Dương của Tập đoàn FLC và Dự án Khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng công cộng thuộc Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm của Tập đoàn Vingroup đang triển khai đầu tư . Các dự án đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Là động lực thúc đẩy tăng trưởng GRDP và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa. Nhiều dự án đi vào hoạt động nộp ngân sách lớn trong giai đoạn 2016-2020, như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa 396 tỷ đồng, Nhà máy gang thép Tuyên Quang gần 94 tỷ đồng, Cụm công nghiệp chế biến gỗ Thắng Quân 45 tỷ đồng. Góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động địa phương (khoảng 25.000 - 30.000 lao động với mức thu nhập 4.500.000 - 5.000.000 đồng/người/tháng; hạn chế được tình trạng đi làm xa tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đã từng bước được hoàn thiện, góp phần tích cực và tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư. Hoàn thành và được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025; Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 và các ngành quan trọng: Giao thông, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại và Du lịch; quy hoạch đô thị; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Điều chỉnh, mở rộng quy hoạch Khu công nghiệp Long Bình An; Ban hành Quy chế phối họp giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp với các sở, ngành cấp tỉnh và ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong công tác quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; hoàn thành việc nâng cấp cụm công nghiệp Sơn Nam (huyện Sơn Dương) thành Khu công nghiệp Sơn Nam và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; thành lập Cụm công nghiệp Phúc ứng, huyện Sơn Dương, Cụm công nghiệp Thắng Quân, huyện Yên Sơn; thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục đường giao thông, hệ thống kênh thoát nước và xử lý nước thải chung của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch.

Tuy nhiên, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, cũng như chưa phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, số lượng dự án còn ít, chưa thu hút được nhiều dự án có tính tạo động lực, lan tỏa, hàm lượng công nghệ cao, đóng góp lớn cho ngân sách.

Mục tiêu, nhiệm vụ thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang trong giai đoạn 2021 - 2025 là phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, đô thị động lực; khai thác tiềm năng, nguồn lực tập trung phát triển mạnh du lịch và các ngành dịch vụ, tiếp tục phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, hiệu quả, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế, hiệu quả cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. 

Thu hút được khoảng 45.000 - 50.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài theo hướng chọn lọc, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Tập trung thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh, có số thu ngân sách lớn. Quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, có giá trị gia tăng cao; ưu tiên thu hút các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt, dự án thu gom xử lý nước thải, rác thải đô thị, rác thải trong khu công nghiệp; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích gắn phát triển chăn nuôi với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Một số giải pháp chủ yếu đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng đột phá của tỉnh

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị vào cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ lãnh đạo các cấp, các ngành, cán bộ công chức, nhất là các cơ quan liên quan đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung khắc phục có hiệu quả những nguyên nhân gây trở ngại, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan do lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành (cải cách hành chính, tác phong lề lối làm việc và thái độ của cán bộ công chức đối với nhà đầu tư). Phấn đấu đến năm 2025, PCI của Tuyên Quang thuộc nhóm khá của cả nước. Nhất quán trong cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để tạo niềm tin và sự an tâm cho các nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án.

Nhóm giải pháp về quy hoạch, cơ chế, chính sách: Tập trung đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 đảm bảo chất lượng và tầm nhìn dài hạn làm căn cứ xây dựng và triển khai vận động, thu hút đầu tư. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Rà soát, hệ thống hóa các cơ chế, chính sách trong văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành để kịp thời tham mưu ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư.

Nhóm giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư: Tiếp tục theo dõi, vận động, hỗ trợ các đối tác trọng điểm, dự án của các Tập đoàn lớn đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện, như: Tập đoàn Vingroup - Công ty CP, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC,... hỗ trợ tối đa, giải quyết nhanh các thủ tục liên quan, vướng mắc khó khăn khi nhà đầu tư có quyết định đầu tư. Tăng cường hỗ trợ các -dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để các dự án triển khai thuận lợi, có hiệu quả. Tập trung, duy trì các kênh đối thoại với các nhà đầu tư để giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Xác định xúc tiến đầu tư tại chỗ là kênh quan trọng và thông qua các nhà đầu tư đã thành công tại tỉnh để giới thiệu về môi trường đầu tư tại Tuyên Quang cho các nhà đầu tư khác. Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và tọa đàm với doanh nghiệp thông qua Chương trình "Cà phê doanh nhân" tổ chức hàng quý.

Phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nhà đầu tư: Gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư công với đầu tư tư với phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” và "lấy đầu tư công thu hút đầu tư tư”. Tập trung chỉ đạo xây dựng các hạ tầng quan trọng phục vụ thu hút đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, đô thị động lực, hạ tầng công nghệ thông tin. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng tạo điều kiện để triển khai các dự án đầu tư. Tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân tại địa phương nghiêm chỉnh chấp hành quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chỉ đạo xóa bỏ những vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; hỗ trợ nhà đầu tư có được mặt bằng nhanh chóng, thuận lợi. Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đa dạng theo Nhóm giải pháp tăng khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh…
 

NTBH


 

Xem tin theo ngày:   / /