Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gửi gắm những tình cảm tin cậy và yêu thương vô hạn cho miền Nam ruột thịt. Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và vô cùng anh dũng của dân tộc ta, từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối (1975), do đặc điểm địa - chính trị mà miền Nam luôn “đi trước, về sau”, là nơi “đầu sóng ngọn gió” của các phong trào đấu tranh giành và giữ vững sự toàn vẹn của quốc gia và bao giờ cũng là “Thành đồng Tổ quốc”. Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho miền Nam những tình cảm đặc biệt: Miền Nam luôn trong trái tim Người!

Bác Hồ chăm sóc cây Vú sữa của vợ chồng bà Lê Thị Sảnh, ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình (Cà Mau) gửi tặng Người năm 1954. Nguồn ảnh: Tư liệu
Năm 1946, những ngày đầu của cuộc kháng chiến, thực dân Pháp âm mưu chia cắt Nam Bộ ra khỏi đất nước Việt Nam. Tại Hội nghị Việt - Pháp ở Fontainebleau, Bác tuyên bố: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”[1]. Với Người, đất nước, núi sông Việt Nam là một khối thống nhất, Bắc - Trung - Nam không thể phân chia. Người đặt cả tâm trí mình “luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiến đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho nền độc lập Việt Nam, để tỏ rõ cho toàn cầu biết rằng dân tộc Việt Nam đầy đủ tinh thần hy sinh chiến đấu...”[2].
Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng đề ra hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh để giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà. Và trong thời gian dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh để thực hiện nhiệm vụ chiến lược đó.
Kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ nhất, đất nước lại bị chia cắt, Bác viết thư gửi bộ đội và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (tháng 9/1954): “Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”[3].
Năm 1962, Bác vui mừng được gặp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra thǎm miền Bắc. Bác đã đặt bàn tay lên ngực trái rồi cảm động nói: “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này: Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.
Người luôn luôn căn dặn, đồng bào, chiến sĩ và nhân dân Nam bộ phải đoàn kết với nhân dân cả nước trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Mỹ xâm lược nước ta, Mỹ rất mạnh, nhưng dù mạnh mấy mà nhân dân miền Nam đoàn kết, Bắc, Nam đoàn kết thì chúng ta nhất định thắng. Chừng nào miền Nam chưa được giải phóng, Bắc - Nam chưa sum họp một nhà thì chừng đó Người thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ. Vì lẽ đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa III, ngày 8-5-1963, trước các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xin phép chưa nhận Huân chương Sao Vàng và đề nghị: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”[4].
Miền Nam là nơi Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước, cũng là nơi lưu giữ phần mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, người cha kính yêu của Bác, mà chưa một lần Bác được vào thăm. Có lẽ vì thế, miền Nam là điều gì đó trăn trở, là nỗi nhớ thương, là mảnh đất Người hằng ao ước vào thăm một lần mà chưa thực hiện được. Vào những năm tháng cuối đời, miền Nam vẫn là niềm day dứt trong lòng Bác. Đầu năm 1968, sau khi đề nghị Bộ Chính trị bố trí vào thăm đồng bào miền Nam bằng đường Trường Sơn chưa thực hiện được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích cực tập luyện sức khỏe, đi bộ, leo núi theo chỉ dẫn của bác sĩ một cách kiên trì. Tháng 3-1968, Người gửi thư đến đồng chí Lê Duẩn, trong đó có đoạn viết: “Chú có ý khuyên Bác đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn, Bác rất tán thành. Nhưng nay chỉ đổi chữ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng (anh em trong đó) đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em”. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đặc biệt là vấn đề sức khỏe, ước nguyện cháy bỏng của Người đã không thể trở thành hiện thực.
Năm 1969, trả lời phỏng vấn nữ phóng viên Mácta Rôhát, Báo Gramma (Cuba), Bác từng nói những câu xúc động: “Ở miền Nam Việt Nam, những người dưới 25 tuổi không biết nghĩa chữ Tự do. Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”[5]. Bác luôn trăn trở: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”[6].
Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Bác luôn theo sát từng bước đi của cách mạng miền Nam. Mỗi lần nghe tin có đoàn cán bộ chiến sĩ hay học sinh từ miền Nam ra Bắc, Bác đều bảo đưa đến gặp và hỏi han rất thân tình. Bác không chỉ động viên, tặng quà mà còn tạo mọi điều kiện để con em đồng bào miền Nam được chăm sóc thật chu đáo. Trong khu vườn trước nhà sàn của Bác cũng được trồng nhiều loại cây đưa về từ khắp mọi miền của đất nước và trong đó không thể thiếu cây dừa, cây vú sữa của miền Nam. Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9/1969, khi thấy trong người đã mệt, Bác đề nghị các đồng chí phục vụ cho Bác được uống nước dừa của hai cây dừa trên. Biết Bác đã mệt, không uống được, song các đồng chí phục vụ vẫn làm theo yêu cầu của Bác. Trước khi đi xa, Bác luôn nhớ tới miền Nam.
Tại nhà Bác nghỉ và chữa bệnh, vẫn lưu lại nhiều kỷ vật gắn với miền Nam mà Bác Hồ đã sử dụng, như tấm bản đồ “Bố trí binh lực địch ở miền Nam Việt Nam”, Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị nghe báo cáo, theo dõi trên bản đồ để nắm tình hình chiến sự. Trên bàn làm việc để một đài thu thanh bán dẫn Bác dùng để nghe tin tức, đặc biệt là nghe tin tức từ miền Nam. Chiếc đài này của một đơn vị quân giải phóng miền Nam thu được trong trận Phước Thành, gửi ra biếu Bác năm 1968.
Trước lúc đi xa, trong Bản Di chúc, Bác đã dành tình cảm, niềm tin mãnh liệt cho đồng bào miền Nam, cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Người viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sỹ anh hùng; thǎm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”[7].
Mùa xuân cuối cùng của Bác, năm 1969, trong “Thư chúc mừng năm mới”, Người vẫn dành cho miền Nam sự tin tưởng và mong ước về một nước Việt Nam thống nhất, độc lập hoàn toàn:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào.
Tiến lên chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn”
Khi nghe tin Bác đi xa, người dân miền Nam nghẹn ngào, tiếc thương vô hạn. Nhiều hộ dân, nhiều địa phương ở miền Nam còn lập bàn thờ hoặc dựng đền thờ, nhà thờ, phủ thờ để tưởng niệm Người. Trong bài “Đền thờ Bác Hồ ở chót mũi Cà Mau”, nhà thơ Diệp Minh Tuyền đã viết:
“Ở tận cùng mũi đất phương Nam
Trong xanh rờn rừng đước
Giữa ba bề rì rầm sóng nước
Người quê tôi theo cách riêng mình
Dựng một ngôi đền
Thờ Bác kính yêu”...
Nghĩa cử thiêng liêng, cao quý này diễn ra rộng khắp, từ vùng giải phóng, các căn cứ cách mạng đến cả trong vùng địch kiểm soát. Có những đền thờ được xây dựng ngay tại nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt. Bất chấp mưa bom bão đạn của quân xâm lược, bằng tất cả tấm lòng của đồng bào miền Nam, gần 30 đền thờ đã được dựng lên trên vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long ngay trong năm Bác đi xa.
Thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối. Từ sau ngày miền Nam giải phóng - thống nhất đất nước, phát huy truyền thống “Thành đồng Tổ quốc,” nhân dân miền Nam đã và đang cùng nhân dân cả nước thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như mong ước của Bác Hồ kính yêu.
Nguyễn Thanh Thủy
[1] HCMTT, NXB CTQG, H.2011, t.4, tr.280
[2] HCMTT, NXB CTQG, H.2011, t.4, tr.89
[3] HCMTT, NXB CTQG, H.2011, t.9, tr.60
[4] HCMTT, NXB CTQG, H.2011, t.14, tr.80
[5] HCMTT, NXB CTQG, H.2011, t.15, tr.674
[6] HCMTT, NXB CTQG, H.2011, t.4, tr.470
[7] HCMTT, NXB CTQG, H.2011, t.15, tr.618