Tuyên Quang trong giai đoạn Pháp thuộc và phong trào yêu nước từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX

Thứ Tư, ngày 17 tháng 5 năm 2023 - 07:00 Đã xem: 5129

Sau khi nổ súng tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, cùng với việc mở rộng xâm lược, ngày 31-5-1884 thực dân Pháp chính thức đánh chiếm Tuyên Quang và áp đặt ách thống trị trên địa bàn toàn tỉnh. Với truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường, bất khuất, cùng với Nhân dân cả nước, Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã nổi dậy đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và bè lũ tay sai.

Cuối thế kỷ XIX, sau khi đã cơ bản kết thúc giai đoạn vũ trang xâm lược, thực dân Pháp tiến hành áp đặt ách cai trị trên đất nước ta. Cũng như các địa phương khác, Tuyên Quang đã bị thực dân Pháp biến thành một bộ phận thuộc địa của chúng. Để bảo vệ các cơ quan thống trị, bóc lột công nhân và nông dân lao động, đàn áp phong trào nổi dậy của quần chúng, thực dân Pháp đã xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc khắp nơi trong tỉnh. Riêng Thị xã Tuyên Quang có 1 tiểu đoàn lính lê dương, 1 trại lính khố đỏ, 1 trại lính khố xanh cùng với sở Cẩm, 1 bóp Sen đầm và 1 trại giam. Ngoài ra chúng còn dựng lên đồn Bắc Mục, đồn Đăng Châu và hàng loạt bốt nhỏ rải rác ở các châu với hàng trăm lính dõng. Dựa vào bộ máy cai trị hà khắc, thực dân Pháp nhằm một mục đích duy nhất là vơ vét của cải, bần cùng hóa đời sống nhân dân địa phương. Năm 1905, chúng bắt đầu khai thác mỏ kẽm Tràng Đà (thị xã), Đầm Hồng (Chiêm Hóa), năm 1915, khai thác mỏ than Tuyên Quang. Mỗi năm, thực dân Pháp khai thác 12.000 tấn kẽm, 25.000 tấn than. Riêng năm 1929, chúng đã khai thác 26.271 tấn than với số lãi là 610.803,24 phơrăng, chưa kể lãi suất trong việc khai thác hàng ngàn tấn kẽm/năm. Với hệ thống kiểm lâm chặt chẽ, thực dân Pháp đã rút ruột không thương tiếc tài nguyên từ rừng Tuyên Quang. Mỗi năm, chúng lấy đi hàng nghìn mét khối gỗ và hàng nghìn tấn lâm, thổ sản có giá trị. Ngoài diện tích 76.000 ha rừng do chúng quản lý, rừng tự do còn cung cấp cho chúng từ 80.000 đến 100.000 khối gỗ các loại một năm. Đất trồng trọt, chăn nuôi vốn đặc biệt quý hiếm đối với tỉnh miền núi, nhưng từ khi xác lập sự thống trị của mình, thực dân Pháp và phong kiến tay sai đã chiếm đoạt hầu hết ruộng đất tốt, lập ra hàng chục đồn điền (của chủ Tây, chủ người Việt và các cố đạo) để bóc lột nông dân. Riêng các đồn điền của người Âu như: Roayđơba, Raphanh, Đơmôngpada Anbe, Rêmơry, Rivie, Đắclachiê... đã chiếm một diện tích 17.000 ha. Cùng với việc duy trì các thủ đoạn bóc lột của chế độ phong kiến, thổ ty, thực dân Pháp đã thực hiện triệt để phương thức bóc lột vô cùng nặng nề, tinh vi và rất dã man của chủ nghĩa tư bản. Hai kiểu bóc lột cùng tồn tại và được sử dụng tàn bạo như hai chiếc thòng lọng thít chặt lấy đời sống vốn đã cơ hàn của đồng bào trong tỉnh. Tại các mỏ, công nhân phải sống trong các túp lều tre, nứa xiêu vẹo, dột nát, phương tiện lao động chủ yếu là dụng cụ cầm tay, hầu như không có bảo hiểm. Người công nhân phải làm việc quần quật dưới các hầm lò ẩm ướt, đầy khí độc hại từ 10 đến 12 giờ một ngày, không có ngày chủ nhật, đau ốm nghỉ không được chăm sóc, nhưng họ chỉ nhận được những đồng lương chết đói. Trong các đồn điền, người tá điền cũng cũng bị bòn rút đến tận xương tủy. Ở đồn điền Anbe, tên chủ phát cho người làm thuê 100 kg thóc giống, cuối vụ bắt nộp 50 phương (tương đương 1 tấn). Ngoài công việc cực nhọc, người lao động còn gánh chịu nhiều tai họa do sự miệt thị, khinh rẻ và coi thường tính mạng con người của chế độ thực dân phong kiến gây nên. Việc đánh đập, cúp phạt công nhân vô cớ, đặc biệt là nạn cháy ga, sập lò làm bị thương và chết người luôn xảy ra ở các khu mỏ. Đời sống dân nghèo càng trở lên quẫn bách khi bọn thực dân, phong kiến đè nặng lên đầu họ hàng loạt thứ thuế bất công, chế độ phu phen, tạp dịch nặng nề và nạn cho vay nặng lãi. Ngoài thuế đinh, thuế điền, thuế trâu, bò, thuế rượu, thuế muối..., chúng còn đặt ra nhiều thứ thuế vô lý như: thuế ngựa thồ, thuế gia ốc (thuế khói lửa), thuế nuôi quân, v.v... Người dân phải nộp lương thực, thực phẩm để bọn quan lại chè chén khi chúng kinh lý qua địa phương. Từ năm 1919 đến năm 1929, mức thuế đã tăng hơn 2 lần, đến năm 1930, thuế lại tăng 15%. Nhằm vào sự bần cùng của nhân dân, mức lãi cho vay của bọn nhà giàu có khi lên tới hàng chục phần trăm. Hiểm độc hơn, thực dân Pháp còn độc quyền ba mặt hàng: muối, rượu và thuốc phiện để khống chế nhân dân. Nhưng thực chất, chúng duy trì chính sách chia rẽ các dân tộc, làm cho dân ngu muội để dễ bề thống trị. Sự hiểu lầm nhau giữa các dân tộc đã dẫn đến nhiều bi kịch đau lòng. Tỉnh lỵ tuy chỉ có hai khu phố với hơn 7.000 dân (trước Cách mạng Tháng Tám), nhưng bọn thống trị đã cho mở công khai 10 nhà chứa, nhiều đại lý bán rượu cồn, tiệm thuốc phiện, sòng bạc thu hút Nhân dân vào vòng ăn chơi trụy lạc, lãng quên nhiệm vụ đối với Tổ quốc. Về giáo dục, Tuyên Quang có 1 trường của người Pháp, 1 trường của người bản xứ ở tỉnh lỵ và 6 trường cấp I ở các thị trấn. Chính sách phân biệt đối xử trong giáo dục của thực dân làm cho phần lớn con em dân nghèo không thể theo học. Có tới 99% số dân mù chữ. Nội dung giáo dục mang tính chất nô dịch rõ rệt, nhằm gây tâm lý tự ti, vong bản trong thanh, thiếu niên. Là học sinh Việt Nam, nhưng môn lịch sử lại phải học: “Tổ tiên ta là người Gôloa”!. Bọn thực dân cố tình bưng bít và ngăn chặn mọi ảnh hưởng của những tư tưởng, sách báo tiến bộ nhằm đẩy Nhân dân vào bóng đêm lạc hậu. Về y tế, cả tỉnh Tuyên Quang chỉ có một bệnh viện đặt ở tỉnh lỵ được gọi là “Nhà thương làm phúc” với 30 giường bệnh. Song, Nhân dân lao động, nhất là người nghèo bị đối xử khinh miệt, sức khỏe hầu như không được chăm sóc. Bệnh sốt rét, bướu cổ, sâu quảng và bệnh xã hội luôn là mối đe dọa không phương cứu chữa đối với đồng bào các dân tộc.

Một góc di tích thành Tuyên Quang, nơi trước đây quân và dân Tuyên Quang vây đánh quân Pháp xâm lược từ tháng 8/1884 đến tháng 4/1885 và bao vây, đập tan điểm cố thủ cuối cùng của quân Nhật, giải phóng hoàn toàn thị xã vào tháng 8/1945

Những chính sách cai trị, khai thác thuộc địa, bóc lột dã man của thực dân Pháp đã làm cho tình hình xã hội ở Tuyên Quang biến động sâu sắc, mâu thuẫn giữa quảng đại quần chúng Nhân dân và chế độc thực dân phong kiến ngày càng tăng cao. Cùng với Nhân dân cả nước, các dân tộc Tuyên Quang liên tục nổi dậy đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của thức dân Pháp và bè lũ tay sai.

Ngay khi thực dân Pháp đánh chiếm Tuyên Quang, đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Cao Lan... suốt một vùng quanh thị xã tập hợp lực lượng cùng với đạo quân của Lưu Vĩnh Phúc vây đánh địch trong thành. Cùng với việc mở đường, tiếp tế lương thực, đồng bào hăng hái tham gia đánh giặc, đặc biệt là đội nghĩa quân do Đốc Thị chỉ huy. Trong nhiều tháng ròng rã vây thành với những trận chiến đấu quyết liệt, nghĩa quân đã gây cho địch thiệt hại nặng nề: một phần ba lực lượng (200 tên) bị tiêu diệt. Để giải vây cho đồng bọn và tập trung lực lượng mở rộng phạm vi chiếm đóng vùng miền núi phía bắc nước ta, thực dân Pháp cử một binh đoàn do tên thiếu tướng Pieđơlít chỉ huy, trong đó chủ lực là lữ đoàn của tên đại tá Giônelivali mở cuộc hành quân lên Tuyên Quang. Nắm chắc mục đích, kế hoạch của địch, liên quân Hoa - Việt chống Pháp dưới quyền chỉ huy của tướng Hoàng Kế Viêm và tướng Lưu Vĩnh Phúc đã bố trí một trận đánh tại cánh đồng Hòa Mục (xã Thái Long, huyện Yên Sơn), tiêu diệt 100 tên địch, làm bị thương gần 800 tên, trong đó có 26 sĩ quan.

Từ năm 1885 đến năm 1898,  nhân dân các dân tộc Tày, Dao (Yên Bình) đã tích cực tham gia phong trào khởi nghĩa vũ trang dưới ngọn cờ Cần Vương do Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích và Bố chánh Nguyễn Văn Giáp chỉ huy. Cuối thế kỷ XIX, Nhân dân vùng phía nam của tỉnh tự nguyện cầm vũ khí đứng trong hàng ngũ nghĩa quân Hoàng Hoa Thám.

Tháng 3-1913, toàn bộ 235 công nhân làm đất ở Nà Đồn, Đài Thị (Chiêm Hóa) đứng lên đấu tranh đòi tên chủ Đétsôven phải trả đủ lương tháng, không được bớt xén. Trong hai năm 1913 - 1914, đồng bào Yên Bình tham gia phong trào Giáp Dần và cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp của hai thủ lĩnh người Dao là Triệu Tiến Kiên và Triệu Tài Lộc, thực dân Pháp phải bị động đối phó.

Cùng với Nhân dân toàn quốc, học sinh và tầng lớp trí thức Tuyên Quang hưởng ứng mạnh mẽ phong trào yêu nước để tang cụ Phan Chu Trinh và phản đối bản án của thực dân Pháp đối với cụ Phan Bội Châu vào những năm 1925-1927. Tiếp sau đó, những đảng viên Quốc dân Đảng cũng đã đến Tuyên Quang hoạt động dưới sự ủng hộ, che chở của nhân dân tỉnh nhà.

Sau khi  Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, dưới sự lãnh đãnh của Đảng phong trào đấu tranh của nhân dân Tuyên Quang bước sang một giai đoạn mới. Tháng 6 - 1937, đồng chí Hoàng Văn Lịch được điều về hoạt động tại Tuyên Quang, chịu trách nhiệm trước Đảng về việc bắt mối, xây dựng cơ sở, tổ chức của Đảng.

Quang cảnh núi Dùm, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang, nơi Chi bộ Mỏ Than tổ chức treo cờ đỏ búa liềm (tháng 1/1941)

Với tên gọi là Hai Cao, đồng chí Hoàng Văn Lịch vào làm việc ở mỏ than Thị xã Tuyên Quang để được gần gũi anh em công nhân. Chỉ sau một thời gian ngắn sống và làm việc với anh em, đồng chí đã giác ngộ cho họ tinh thần yêu nước, yêu giai cấp cần lao, lòng căm thù đế quốc, phong kiến, chống lại sự áp bức của chủ mỏ. Tại Tuyên Quang, nắm vững chủ trương của Đảng, đồng chí Hai Cao đã hướng cho anh em công nhân mỏ vào các hoạt động hưởng ứng phong trào dân chủ đang dâng lên mạnh mẽ trong toàn quốc. Đầu năm 1938, tổ chức Đoàn thanh niên dân chủ gồm một số thanh niên ưu tú được thành lập, làm nòng cốt trong phong trào thanh niên ở thị xã. Tiếp đó, đồng chí Hai Cao đã về Hà Nội liên lạc với các nhà xuất bản, lấy sách báo về phát hành ở Tuyên Quang. Nhờ có sự lưu hành rộng rãi sách báo của Đảng và sự vận động tích cực, khéo léo của đồng chí Hai Cao, nhân dân lao động Thị xã Tuyên Quang, nhất là công nhân mỏ than đã bước đầu được giác ngộ về quyền lợi giai cấp, quyền lợi dân tộc. Hội Ái hữu thợ thuyền được thành lập, đặt trụ sở ở phố CôlônenValie (thuộc khu Xuân Hòa, Thị xã Tuyên Quang).

Di tích chi bộ Mỏ Than - nơi cách đây 83 năm đã thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh (20/4/1940)

Giữa năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Lịch trở về Cao Bằng hoạt động, đồng chí Vũ Mùi được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công lên Tuyên Quang phụ trách phong trào cách mạng ở địa phương. Kế thừa nền móng của phong trào quần chúng đã được xây dựng ở Tuyên Quang, đồng chí Vũ Mùi tiếp tục tuyên truyền, giác ngộ anh em công nhân và nhân dân lao động thị xã, tiến tới vận động bà con tham gia những hình thức đấu tranh cao hơn. Cuối năm 1938, hai cuộc đình công của công nhân mỏ than Tuyên Quang đã nổ ra đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, cúp phạt... Những cuộc đình công đó đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Bọn chủ mỏ phải chấp thuận đề nghị của công nhân: Tăng lương 10%, thợ đốt lò được tăng 5 xu/ngày. Thắng lợi đầu tiên này đã làm nức lòng và cổ vũ tinh thần đấu tranh của anh em công nhân. Cũng từ đây, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương càng thêm sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân lao động Tuyên Quang.

Bên cạnh các cơ sở cách mạng được xây dựng trong công nhân mỏ than, đường dây liên lạc của Đảng được tổ chức trong công nhân đoàn thuyền sắt do đồng chí Cả Hàm (sau này là cán bộ làm kinh tế của Xứ ủy Bắc Kỳ ) phụ trách. Tháng 10-1939, công nhân đoàn thuyền sắt đình công đòi tăng lương, tăng tiền cước vận tải, cải thiện đời sống. Cuộc đình công kéo dài 5 ngày đã buộc bọn chủ phải tăng cho mỗi chuyến thuyền từ 1,5 đồng đến 1,8 đồng và 2 đồng.

Những cuộc đấu tranh của nhân dân Tuyên Quang từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX có vai trò rất quan trọng, đó là nền tảng quan trọng cho sự ra đời của Chi bộ Đảng tại Tuyên Quang để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển đi lên trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Văn Đức

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975). Nxb Chính trị quốc gia, xuất bản năm 2000.

Xem tin theo ngày:   / /