Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc giáo dục lịch sử dân tộc và vận dụng trong giai đoạn hội nhập hiện nay

Thứ Năm, ngày 18 tháng 5 năm 2023 - 07:27 Đã xem: 5316

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã hình thành nên những truyền thống tốt đẹp. Đó là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc; ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin vững chắc vào tương lai; tinh thần trọng danh dự, lòng khoan dung, nhân ái, vị tha… Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về giáo dục lịch sử dân tộc, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống để trở thành nguồn lực nội sinh, góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Sinh ra trong một gia đình Nho học có truyền thống khoa bảng, được thừa hưởng một di sản văn hoá lịch sử phong phú của dân tộc, ngay từ khi nung nấu tư tưởng cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tâm công tác giáo dục lịch sử dân tộc, coi đó là cơ sở quan trọng để tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước.  Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã lấy các đề tài lịch sử như ''Kịch con rồng tre", "Lời than vãn của bà Trưng Trắc''... để tuyên truyền thức tỉnh đồng bào. Hoặc cũng có khi Người trực tiếp viết các bài báo về lịch sử. 

Trở về đất nước sau hơn 30 năm xa cách, Người bí mật hoạt động ở Pác Pó (Cao Bằng). Tại đây, Người đã dịch ''Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô" để làm tài liệu tuyền truyền, giác ngộ quần chúng, động viên tinh thần yêu nước. 

''Sáng ra bờ suối tối vào hang.

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng.

Cuộc đời cách mạng thật là sang."

Trong giáo dục lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam được hình thành trong quá trình phát triển, đó là truyền thống yêu nước của Nhân dân ta: “Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”(1); “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước… Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gắn truyền thống yêu nước với truyền thống đoàn kết của dân tộc; và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Người luôn nêu cao tinh thần đoàn kết “đồng cam cộng khổ”, “chung lưng đấu cật” của toàn thể quốc dân đồng bào, xem đây là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng. Người kêu gọi mọi người dân Việt Nam “con Lạc, cháu Hồng; con Rồng, cháu Tiên” đều phải thể hiện mạnh mẽ tinh thần yêu nước của mình bằng những hành động cụ thể, thiết thực “Khuyên ai nên nhớ chữ đồng/Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”(3).

Tác phẩm Lịch sử nuước ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào khoảng cuối năm 1941

Đặc biệt, trong thời gian vào khoảng cuối năm 1941, tại Cao Bằng, Hồ Chí Minh đã viết tập ''Lịch sử nước ta". Đây là tập diễn ca lịch sử viết ra làm tài liệu học tập cho cán bộ trong các lớp huấn luyện ở chiến khu Việt Bắc và được phổ biến rộng rãi trong Nhân dân nhằm giáo dục, phát huy lòng yêu nước, yêu truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tập "Lịch sử nước ta" được diễn đạt bằng thể thơ lục bát dễ thuộc, dễ nhớ, gồm 198 câu. Tác phẩm này được in nhiều lần vào các năm 1942, 1947, 1949... Bằng cách viết ngắn gọn, súc tích, Người đã nêu lên những tấm gương sáng cho mọi người học tập, noi theo như: Người già như ông Lý Thường Kiệt quá 70 tuổi mà vẫn đánh Đông dẹp Bắc, thiếu niên như Trần Quốc Toản, mới 15 tuổi đã giúp ông Trần Hưng Đạo đánh phá giặc Nguyên. Phụ nữ như Bà Trưng, Bà Triệu ra tay khôi phục giang san... và Người đúc kết: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam… Sử ta dạy cho ta bài học này: lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”(4).

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, trong Thư gửi các chiến sĩ Cảm tử quân thủ đô, Người động viên: “Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”(5). 

Mặc dù không phải là một nhà sử học chuyên nghiệp nhưng thông qua các tác phẩm để lại và hoạt động cách mạng cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã dùng lịch sử để tuyên truyền cách mạng, khơi dậy truyền thống bất khuất cứu nước, cứu nòi đã có hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Bác căn dặn phải biết ơn tổ tiên, cội nguồn và giữ vững non sông đất nước. Mỗi người dân Việt Nam đều thuộc lòng câu nói nổi tiếng giản dị mà sâu sắc của Người: 

''Các vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước'' .

Không chỉ là người biên soạn lịch sử, luôn quan tâm đến việc giáo dục lịch sử cho thế hệ sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người rất trân trọng các nhà sử học. Những người có may mắn được gần gũi Bác kể lại: Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn đang gay go, quyết liệt, bên cạnh đầu giường Bác nằm luôn đặt quyển sách ''Cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Nguyên thế kỷ XIII'' của soạn giả Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm và trước khi đi xa, Người còn gửi lời hỏi thăm đến các tác giả của cuốn sách. Khi tiếp các nhà báo và trí thức quốc tế ngày 12/01/1967, Người nêu rõ: “Chúng tôi đã học được bài học. Lịch sử đấu tranh nghìn năm của Việt Nam đã dạy chúng tôi phải là người yêu nước. Nhân dân chúng tôi là người có lý trí biết suy nghĩ, yêu hòa bình. Chúng tôi muốn kết thúc cuộc chiến tranh này, nhưng nền độc lập, tự do của Việt Nam không bao giờ lại bị đưa ra thương lượng một lần nữa”(6). Người nhấn mạnh: “Coi chừng, có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử, đất nước, con người và những cái vốn rất quý báu của mình bằng những người nước ngoài”(7). Nếu không am hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc thì không thể giáo dục những truyền thống tốt đẹp của ông cha cho thế hệ trẻ.

Cơ quan Sở tư pháp tỉnh Tuyên Quang tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình

Có thể nói, tầm cao và chiều sâu trong tư tưởng - hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua việc Người đã vận dụng, phát huy những giá trị lịch sử dân tộc một cách phù hợp, sáng tạo, làm cho giá trị truyền thống dân tộc được phát huy mạnh mẽ, trở thành sức mạnh vật chất phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc một cách hiệu quả, thiết thực. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, sự quan tâm đến lịch sử dân tộc càng trở nên quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá, bởi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ "văn hoá là bản sắc của dân tộc, văn hoá còn thì dân tộc còn, văn hoá mất thì dân tộc mất". Người ta nhận thấy rằng kinh tế ngày càng phát triển thì hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng căng thẳng đó là nguyên nhân quan trọng làm cho các mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc. Theo UNESCO, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, giai cấp là trong trong các chương trình phát triển quốc gia cũng như quốc tế người ta chỉ chú trọng đến các mục tiêu phát triển kinh tế tách rời môi trường văn hoá, trong khi văn hoá mới là yếu tố trung tâm có vai trò điều tiết của phát triển. Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong bối cảnh mới, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”(8). Đảng ta khẳng định quan điểm về động lực phát triển đất nước trong thời kỳ mới: tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo (9). Về nguồn lực phát triển: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(10). 

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Tuyên Quang) tìm hiểu sách, báo, tư liệu về Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Để phát huy, khơi dậy sức mạnh nội sinh của dân tộc, đặc biệt là sức mạnh của tinh thần, ý chí và khát vọng vươn lên của mỗi người dân Việt Nam, Đảng ta nhấn mạnh: “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc”(11), làm cho khát vọng đó trở thành động lực thôi thúc hành động, xác định trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Coi trọng giáo dục tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội, lòng nhân ái, làm cho mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Lòng tự hào dân tộc, tự tôn dân tộc và tự tin dân tộc chính là điểm tựa, bệ phóng giúp người dân Việt Nam vượt qua những khó khăn, thử thách, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc để quyết tâm hành động thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Hiện nay, hơn lúc nào hết các giá trị truyền thống cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ để tạo động lực thúc đẩy, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chúng ta cần thấm nhuần và thực hiện có hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Đảng về kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới; tiếp tục quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng trong quá trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước./.

Nguyễn Văn Đức

-------------------------

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, năm.2021, tr.280.  

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, năm. 2021, tr.38.  

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG-ST, năm. 2021, tr.243.  

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG-ST, năm. 2021, tr.255-256.  

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, năm. 2021, tr.44.  

(6) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, tập 10, Nxb CTQG-ST, năm .2016, tr.10-11. 

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG-ST, năm. 2021, tr.671.  

 (8), (9), (10), (11), Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, năm. 2021, tr.110-111, tr.110, tr.110-111, tr.47. 

Xem tin theo ngày:   / /