Tăng cường bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng

Thứ Tư, ngày 31 tháng 5 năm 2023 - 21:14 Đã xem: 2166

Cùng với phát triển của khoa học và công nghệ, Internet đã mang lại nhiều giá trị lợi ích cho xã hội. Với trẻ em, Internet là một trong những kênh cung cấp kiến thức, giải trí quan trọng, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay. Tuy nhiên, nếu không được hướng dẫn, kiểm soát tốt thì không gian này lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro đối với trẻ em như: tiếp cận thông tin giả, thông tin độc hại, trở thành nghiện game online…, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Do vậy, bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội và trở thành nội dung thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với công tác trẻ em; coi nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần tạo ra nguồn nhân lực cho quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở nước ta đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng; hệ thống pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh của công nghệ và dịch vụ internet, việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo số liệu của Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận gần 370.000 cuộc gọi đến, với gần 28.000 cuộc gọi được lập hồ sơ và hơn 1.500 ca can thiệp hỗ trợ; trong số này, có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đây là những con số đang báo động khẩn về vấn đề bảo vệ trẻ em trước những thông tin mạng độc hại hiện nay.

Thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Ngày 09/5/2023, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh với 03 mục tiêu cụ thể và 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện. Theo đó, 03 mục tiêu cụ thể được đề ra là: 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội. 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật. Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp, gồm: (1) Rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng; (2) Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; (3) Triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; (4) Nâng cao năng lực thực thi pháp luật; (5) Vận động nguồn lực và sự tham gia của xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế.

Để triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, nhà trường có vai trò hướng dẫn, cảnh báo các em về việc sử dụng internet an toàn; gia đình cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng mạng xã hội của con em; xã hội cần lên án mạnh mẽ, thậm chí phải tẩy chay đối với các ứng dụng, trang web... có nội dung độc hại. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng gây ảnh hưởng ảnh hưởng đến trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng.

Phương Linh

 

 

 

Xem tin theo ngày:   / /