Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc

Thứ Ba, ngày 6 tháng 4 năm 2021 - 17:32 Đã xem: 1083

Tuyên Quang, mảnh đất giàu tuyền thống cách mạng, văn hóa; nơi có 22 dân tộc cùng sinh sống từ nhiều đời nay, trong đó, có trên mười dân tộc đang cư trú thành từng làng bản, duy trì ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán, vốn văn hóa dân gian độc đáo mang bản sắc riêng có của mỗi dân tộc, tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa trong cộng động các dân tộc trong tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc đang có xu hướng mai một…

Điệu múa “Cầu mùa” của người Cao Lan, xã Thành Long (Hàm Yên).Ảnh: Giang Lam

Tuyên Quang không chỉ khẳng định mình là mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa, với sự hiện hữu của hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa, di chỉ khảo cổ, danh lam thắng cảnh mà còn là kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số. Là tỉnh miền núi nằm ở vị trí giữa hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc, trong quá trình lao động sản xuất trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên để tồn tại và phát triển, đồng bào nơi đây đã sáng tạo ra những “sản phẩm” văn hóa, trở thành những di sản văn hóa truyền thống độc đáo của mỗi dân tộc được lưu giữ đến ngày nay. Có thể, từ nội tâm trong đời sống tinh thần và truyền thống, cùng sự giao thoa văn hóa giữa hai vùng đông - tây, nhất là các tỉnh vùng Việt Bắc, nên có nhà nghiên cứu về văn hóa Tuyên Quang đã nói, có thể ví Tuyên Quang như một hình ảnh thu nhỏ của văn hóa Việt Bắc, bởi mảnh đất này đang lưu giữ một bề dày giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số hết sức phong phú và đặc sắc, như làn điệu then, cọi, shi, lượn, quan làng của dân tộc Tày; páo dung của dân tộc Dao; sình ca của dân tộc Cao Lan; soọng cô của dân tộc Sán Dìu…Cùng với đó là những nghi lễ tín ngưỡng, lễ hội dân gian mang nhiều sắc thái văn hóa đặc trưng và đa dạng, mà ở đó loại bỏ những yếu tố có tính mê tín thì hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc, với phần lễ trang trọng, phần hội đậm đà truyền thống, như lễ hội Lồng tông (lễ hội xuống đồng) của dân tộc Tày, lễ hội cầu mùa, lễ cấp sắc của dân tộc Dao, Sán Dìu, Pà Thẻn, lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn…

Trước xu hướng mai một bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc nói chung, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng. Từ nhận thức, coi di sản văn hóa là tài nguyên vô cùng quý báu, là “hồn cốt của dân tộc”, là yếu tố đặc biệt quan trọng tạo sự hấp dẫn đối với du khách đến với Tuyên Quang; giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đòi hỏi có tầm nhìn, sự am hiểu, tri thức khoa học và cả sự tiếp cận đích thực văn hóa. Giữ gìn và phát huy một cách đúng mức không những bảo tồn được những giá trị nguyên bản của di sản mà còn làm thăng hoa các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; từ cốt cách mỗi dân tộc được gìn giữ, truyền thống, bản sắc văn hóa - nhân tố quan trọng của sự phát triển bền vững, được nuôi dưỡng và lưu truyền, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hơn mười năm qua,  dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của ngành, các cấp, công tác nghiên cứu, sưu tầm để giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh đã được triển khai thực hiện khá nghiêm túc, bài bản và đạt được những kết quả đáng mừng.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã thực hiện và phối hợp thực hiện các đề tài nghiên  cứu khoa học: “Văn hóa dân tộc Mông”; “Văn hóa truyền thống dân tộc Cao Lan”; “Nghi lễ cấp sắc dân tộc Dao”; “Một số làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc Dao”; “Văn hóa truyền thống dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu ở Tuyên Quang”; “Bảo tồn hát then dân tộc Tày”; “Bảo tồn hát sình ca dân tộc Cao Lan”; “Bảo tồn, phát huy soọng cô dân tộc Sán Dìu”; “Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang”; “Văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn”; “Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc ở Tuyên Quang”; “Bảo tồn lễ hội đình Giếng Tanh (của dân tộc Cao Lan) gắn với phát triển du lịch cộng đồng”…Thông qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, ngành phát hiện xu hướng, mức độ, phạm vi mai một của di sản văn hóa, đề xuất với tỉnh những biện pháp có tính khả thi để gìn giữ những giá trị di sản văn hóa tốt đẹp các dân tộc, như ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, nhà ở, nhạc cụ, phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ… Nghiên cứu, phổ biến những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thông qua việc ghi âm, chụp ảnh, dựng phim, in sách, tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng…; đồng thời, kiến nghị, vận động đồng bào loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín không còn phù hợp với đời sống đương đại, góp phần tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, bình đẳng cùng phát triển, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cũng trên cơ sở điều tra, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, ngành văn hóa đã tiến hành lập hồ sơ khoa học các di sản văn hóa truyền thống độc đáo, tiêu biểu đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2010, đến nay, đã có 7 di sản văn hóa: Nghi lễ Then của dân tộc Tày; Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày; Nghi lễ cấp sắc; hát Páo dung của dân tộc Dao; Nghi lễ rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La của dân tộc Kinh; Hát sình ca của dân tộc Cao Lan; Nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục phụ nữ Dao Đỏ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với việc vinh danh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các di sản văn hóa nêu trên sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị rộng rãi hơn trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc: Tày, Dao, Cao Lan, Kinh. Đồng thời, vừa làm nổi bất sự đóng góp của di sản trong viêc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa để người dân nhận thức đầy đủ hơn về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; hướng và khích lệ người dân, trước hết là các nghệ nhân dân gian tham gia có trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy di sản. Cũng từ những cố gắng của Tuyên Quang cùng với các tỉnh trong khu vực trong việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có Nghi lễ Then của người Tày, ngày 12/12/2019, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ những đóng góp lớn trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đân tộc, năm 2017 và 2019, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cho các nghê nhân văn hóa dân gian: Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn (dân tộc Tày, xã Tân An - Chiêm Hóa), Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn (dân tộc Cao Lan, xã Đại Phú - Sơn Dương); các Nghệ nhân Ưu tú: Lâm Văn Cầu, Tiêu Sơn Học (dân tộc Cao Lan, xã Đội Bình - Yên Sơn), Nguyễn Mạnh Thẩm (dân tộc Tày, xã Thanh Tương - Nà Hang), Ma Văn Đức (dân tộc Tày, thành phố Tuyên Quang), Hà Ngọc Cao (dân tộc Tày, xã Xuân Quang - Chiêm Hóa), Bàn Kim Sơn (dân tộc Dao, xã Sơn Phú - Nà Hang), Chu Tuần Ngân (dân tộc Dao, xã Trung Minh - Yên Sơn), Lục Văn Bảy (dân tộc Sán Dìu, xã Ninh Lai - Sơn Dương). Đây là sự ghi nhận những đóng góp của các nghệ nhân văn hóa dân gian trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, khích lệ họ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, sáng tạo, bổ sung những nét độc đáo riêng có trong mỗi loại hình di sản văn hóa thêm phong phú, đa dạng, vừa tham gia truyền dạy cho lớp trẻ kế thừa, phát huy di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Trong truyền thống, các lễ hội dân gian là tâm điểm của sinh hoạt cộng đồng, khắc họa đậm nét ước vọng chinh phục thiên nhiên, về đức tin của họ đối với các “thế lực” thần thánh, về khát vọng “mưa thuận gió hòa”, bản làng yên vui, con người khỏe mạnh, vạn vật sinh sôi…được thể hiện đậm nét trong các lễ hội: lễ hội Lông tông, lễ giải hạn, lễ cúng rượu, lễ cúng cốm (dân tộc Tày), lễ cấp sắc (dân tộc Dao, Sán Dìu, Pà Thẻn…), lễ hội đình làng Giếng Thanh, đình Minh Cầm (dân tộc Cao Lan)… Trong những năm gần đây, một số lễ hội truyền thống đã được phục hồi, hoặc được “sân khấu hóa” đưa ra biểu diễn phục vụ nhân dân,  từng bước phát huy tác dụng, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Biểu diễn hát Then, đàn Tính tại xã Trung Hà (Chiêm Hóa). Ảnh: Hoàng Minh

Quan tâm xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng cũng là việc làm đem lại hiệu quả thiết thực trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tất cả các xã, phường đều có đội văn nghệ quần chúng (chưa kể các đội văn nghệ ở các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang). Trong các liên hoan văn nghệ quần chúng từ cấp xã đến tỉnh, các tiết mục ca, múa, nhạc dân gian truyền thống đều chiếm trên 30% chương trình (đó là một yêu cầu bắt buộc phải có đối với mỗi chương trình của một đội văn nghệ quần chúng). Cùng với việc xây dựng, phát triển các đội văn nghệ quần chúng, ngành đã hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc, như: Câu lạc bộ hát then, đàn tính (hiện trên địa bàn tỉnh có hàng trăm câu lạc bộ duy trì hoạt động hiệu quả); câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao…Nội dung, hình thức hoạt động của các câu lạc bộ này đều hướng tới cái đích là bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa đầm đà bản sắc của mỗi dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Câu lạc bộ cũng là hình thức phù hợp để chính người dân - với vai trò là chủ thể tham gia giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc mình một cách tốt nhất, thiết thực nhất.

Giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc không thể không nói tới vai trò, trách nhiệm của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh. Vì cả hai đơn vị này đều được giao nhiệm vụ chú trọng nghiên cứu, sưu tầm chất liệu văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc để dàn dựng, nâng cao thành chương trình, tiết mục nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhân dân. Từ trong chất liệu các làn điệu dân ca, dân vũ…các nghệ sỹ, biên đạo múa của Đoàn Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa đã dàn dựng thành công các điệu múa: “Bắt ba ba”, “Ngẫu hứng triền non”, “Múa chuông, múa màng, múa trong nghi lễ cấp sắc (dân tộc Dao); múa “Khai lộ”, “Khai đèn”, “Xúc tép”, múa “Chim gâu”, “Nhảy tam thanh cầu lành” (dân tộc Cao Lan); múa “Mừng cơm mới”, “Suông trầu”, “Trống hội vào mùa”, hát quan làng…(dân tộc Tày)…Cùng với việc trình diễn trang phục dân tộc, thi văn hóa ẩm thực là những chương trình hấp dẫn, không thể thiếu trong mỗi cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc hoặc trong các lễ hội.

Giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc là công việc thường xuyên, lâu dài, kết quả đạt được trong thời gian vừa qua của tỉnh ta khẳng định cách làm, bước đi là phù hợp. Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, trong đó có giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tốt hơn nữa, có nhiều việc phải làm, nhưng trước tiên, trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền cơ sở và của mỗi người dân về vai trò, ý nghĩa của việc giữ gìn, kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng  các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số. Gắn kết chặt chẽ giữa việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển kinh tế du lịch nói riêng. Nói cách khác, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, làm cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân phong phú hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

         Theo tuyenquang.gov.vn

Xem tin theo ngày:   / /