Từ Pác Bó đến Tân Trào trong hành trình giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, ngày 30 tháng 6 năm 2023 - 14:42 Đã xem: 8629

Mùa hè năm 1945, chiến tranh thế giới bước vào giai đoạn kết thúc. Trước tình hình thế giới và trong nước diễn biến ngày càng thuận lợi, Bác Hồ quyết định di chuyển trung tâm lãnh đạo cách mạng từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang). Hành trình từ Pác Bó đến Tân Trào là bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đình Hồng Thái, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, nơi Bác Hồ dừng chân đầu tiên khi người từ Pác Bó (Cao Bằng) về tới Tân Trào (21-5-1945). Ảnh: Tư liệu

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vượt mốc 108 trên biên giới Việt - Trung về Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại đây, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5 - 1941), xác định: Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng; đồng thời quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Người cũng chỉ rõ: Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra nhiều triển vọng lớn lao cho cách mạng nước ta… Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc. Có nối phong trào với Thái Nguyên, Tuyên Quang và toàn quốc khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ.

Máy chữ và một số đồ dùng của Bác Hồ trong thời gian Người ở, làm việc tại lán Nà Nưa (Nà Lừa). Ảnh: Tư liệu

Bước sang cuối tháng 4 đầu tháng 5/1945, chiến tranh thế giới thứ 2 bước vào giai đoạn kết thúc ở Châu Âu. Ở Châu Á, phát xít Nhật bị đẩy vào thế bị bao vây và bị uy hiếp từ bốn phía. Tình thế có lợi cho cách mạng Việt Nam tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đang tới gần. Trước diễn biến nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước theo chiều hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Để tiện lợi cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng toàn quốc, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, nắm thời cơ tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh (tháng 8/1942 Bác Hồ lấy tên mới là Hồ Chí Minh) chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp “Cần chọn ngay trong vùng Cao - Bắc - Lạng hoặc Tuyên Quang một địa điểm có dân tốt, cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, có thể thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài” và bảo toàn lực lượng của ta “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”  mình còn yếu, địch mạnh, nhưng nhất định không để địch tiêu diệt.

Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp về Kim Quan Thượng (thuộc vùng Tân Trào) cùng Ban lãnh đạo Phân khu B - Nguyễn Huệ gồm các đồng chí: Song Hào, Tạ Xuân Thu, Lê Dục Tôn, Lê Trung Đình... sau khi khảo sát thực tế vùng dọc bờ sông Đáy từ Kim Quan Thượng đến Tân Trào và trao đổi thống nhất nhận định “Vùng Ao Búc, Thanh La cũng như Tân Trào đều là những cơ sở vững. Tuy nhiên, nhìn vào địa hình thì thấy xã Tân Trào (tên cũ là Kim Long) là nơi có thuận lợi hơn” vì “Đây là nơi dễ cơ động, tiến lên, lui xuống, sang trái, sang phải đều có thể đi cả bốn hướng. Đường liên lạc về xuôi cũng thuận lợi” và quyết định chọn vùng Tân Trào làm căn cứ trung tâm lãnh đạo của Trung ương và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Để chuẩn bị cho việc di chuyển, tại Pác Bó, trước khi lên đường Bác Hồ thành lập một tiểu đội đặc biệt. Tiểu đội được học tập về chính trị và huấn luyện về quân sự với những bài cơ bản như sử dụng vũ khí thông thường, tình huống gặp địch... Trong đội hình hành quân về Tân Trào còn có 10 thanh niên do đoàn thể lựa chọn chuẩn bị ra nước ngoài học về vô tuyến điện, song do tình hình thay đổi nên hoãn việc đi học để nhận nhiệm vụ mới.

Trước lúc lên đường, Bác Hồ tập hợp toàn đoàn tại Khuổi Nặm, phân công nhiệm vụ cho từng người mang máy móc, phụ tùng vô tuyến điện. Về ý nghĩa của chuyến đi, Người căn dặn: Đây là chuyến công tác khẩn trương, gian khổ, đi đường dài, phải hết sức giữ bí mật, nếu bất trắc gặp địch, toàn đoàn phải tuân theo sự chỉ huy thống nhất, hành động kịp thời, mau lẹ và nên tránh đụng độ để bảo toàn lực lượng”. Sau cùng Bác Hồ trực tiếp phổ biến hiệu lệnh cho đoàn như sau:

- Còi 3 hồi ngắn, liên tục, dồn dập là báo gặp địch, phải nhanh chóng phân tán đội hình.

- Còi 2 hồi thư thả, đều đặn là báo yên, địch đã đi xa, phải khẩn trương tập trung để tiếp tục hành quân.

Khoảng 9 giờ sáng ngày 4/5/1945, Bác Hồ và đoàn công tác xuất phát từ lán Khuổi Nặm thuộc Pác Bó (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) theo con đường Nam tiến mà người đã vạch ra cho đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trước đó: Pác Bó - Bản Nưa (xã Đào Ngạn, huyện Hà Quảng) - Bản Bó Phia (Lam Sơn). Tối ngày 5/5, Bác Hồ và đoàn dừng lại nghỉ ở Lam Sơn (xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) đến hết ngày 8/5 để nắm tình hình và làm việc với các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Vũ Anh, Đặng Văn Cáp...

Ngày 9/5, đoàn rời Lam Sơn tiếp tục cuộc hành trình, đi cùng có đồng chí Đặng Văn Cáp được giao nhiệm vụ phụ trách Tiểu đội Cận vệ đặc biệt. Khi qua bản Pác Phiêng, xã Hoàng Tung, Nhân dân biết có đoàn cán bộ đi qua đã cử đại diện ra chúc đoàn đi đường bình an, gặp nhiều may mắn và tặng đoàn những món quà đặc sản của đồng bào Tày như bánh khảo, chè lam... Bác Hồ dừng lại ít phút nói chuyện và cảm ơn bà con. Sau đó đoàn qua Bó Lếch ra ngã ba Bản Tấn. Buổi trưa, đoàn nghỉ ở bản Khuổi Lầy, xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình (nay thuộc huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Đến đây, đồng chí Đặng Văn Cáp được lệnh trở lại Lam Sơn để tiếp tục xây dựng xưởng sản xuất vũ khí. Đoàn tiếp tục qua bản Khuổi Lầy (xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình), bản Lũng Sao, bản Hoàng Phài (xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), Khuổi Mản (xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn), bản Hon (Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn), bản Chang (xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), bản Cỏi (xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn), bản Tủm Tó (xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn).

Ngày 17/5, đoàn rời bản Tủm Tó khoảng 4 giờ sáng, chiều hôm đó tới Nà Kiên, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Thời điểm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đang ở đây, được tin Bác Hồ và đoàn cán bộ từ Cao Bằng xuống đã vội đi đón. Nghĩa Tá cũng là vùng cơ sở vững vàng, Bác Hồ và đoàn nghỉ tại đây 3 ngày (17, 18 và 19-5).

Ngày 20/5, đoàn rời Bắc Kạn tiếp tục hành quân sang Tuyên Quang, cùng đi với Đoàn có đồng chí Võ Nguyên Giáp. Buổi trưa nghỉ ăn cơm tại thôn Pác Hóp, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa rồi qua bản Pình, bản Pài, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn. Đêm 20-5, Bác Hồ và đoàn nghỉ tại Bản Coóc, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn.

Ngày 21/5, đoàn đi theo hướng xuôi dòng sông Phó Đáy qua làng Chạp, xã Trung Sơn, làng Nhà, xã Kim Quan (Kim Quan Thượng)­, Trung Yên (Kim Quan Hạ), vượt đèo Chắn, xã Thanh La, huyện Sơn Dương đến xã Hồng Thái. Các đồng chí phụ trách Phân khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ: Song Hào, Tạ Xuân Thu... tổ chức đón Bác Hồ và đoàn ở đình Hồng Thái.

Hình ảnh của Bác Hồ theo lời của đồng chí Song Hào: “Đi đầu đoàn người là một đồng chí có tuổi mặc áo chàm, dáng người mảnh dẻ, khuôn mặt xương xương, nước da rám nắng, chòm râu đen nhánh lưa thưa. Đồng chí bước đi thoăn thoắt, chiếc mũ dạ đen đội đầu, mảnh khăn mặt trắng vắt vai, tay cầm một chiếc gậy nhỏ”. Bác bước vào đình Hồng Thái nhìn bao quát khung cảnh và các đồng chí xung quang vẻ rất hài lòng. Bác thăm hỏi ân cần về sức khỏe của mọi người rồi hỏi kỹ về tình hình phong trào của địa phương. Bác dừng chân ở Đình Hồng Thái chừng một tiếng rồi quyết định đến Tân Trào ngay trong ngày. Lúc Bác Hồ đến Tân Trào đã bắt đầu mùa lũ, nước sông Phó Đáy cuồn cuộn, các đồng chí trong ban Việt Minh đã được báo trước có đoàn cán bộ thượng cấp đi qua nên đã chuẩn bị một số mảng để đoàn qua sông.

Hành trình về nguồn của trường THPT Lâm Bình tại Tân Trào (tháng 3/2023)

Chiều tối ngày 21/5, Bác Hồ cùng đoàn cán bộ đến thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Đêm ấy Bác Hồ nghỉ tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự; kết thúc cuộc hành trình Pác Bó - Tân Trào. Cuộc hành trình bắt đầu ngày 4-5 từ lán Khuổi Nặm trải hơn 400km đường rừng, qua 10 huyện của 3 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang), trèo đèo lội suối, vượt qua đỉnh núi quanh năm mây phủ, có nơi chưa có vết chân người, 13 điểm ngủ qua đêm trên chặng đường dài có lúc gặp địch, tình huống nguy hiểm. Về đến Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự là Chủ nhiệm Việt Minh với thời gian khoảng 1 tuần. Sau đó Bác chuyển lên ở trong căn lán nhỏ, đơn sơ bên sườn đồi thuộc khu rừng Nà Lừa (Nà Nưa) cách làng Tân Lập hơn 1km về phía Đông dãy núi Hồng để giữ bí mật và tiện làm việc. Căn lán do nhân dân địa phương cùng các đồng chí cảnh vệ làm cho Bác, cột lán làm bằng cây gỗ rừng, phần còn lại làm bằng tre, nứa mái lợp bằng lá gồi. Lán được ngăn thành 2 gian nhỏ, một bên nơi Bác Hồ nghỉ, một bên vừa là chỗ làm việc, đọc sách báo, vừa là chỗ để tiếp khách. Xung quanh cạnh lán của Bác Hồ còn có lán đặt điện đài và lán của các đồng chí cảnh vệ.

Lễ kết nap Đội viên của trường Tiểu học Đăng Châu tại Tân Trào (tháng 3/2023)

Như vậy, với địa thế chiến lược để tiến có thể đánh, lui có thể giữ, có đường giao thông liên lạc thuận tiện, từ Tuyên Quang có thể dễ dàng lui về Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, sang Yên Bái, lên Hà Giang, khi Nam tiến cũng rất dễ dàng mở rộng xuống Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, là địa phương có đầy đủ các yếu tố cần thiết của một căn cứ chiến lược, cơ động, vững chắc trong chiến tranh giải phóng. Hơn nữa đây là địa phương có cơ sở cách mạng sớm, phong trào cách mạng quần chúng phát triển mạnh mẽ với thắng lợi của khởi nghĩa Thanh La (10-3-1945) đưa đến sự thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời ở các châu, huyện vào tháng 5-1945. Tuyên Quang đáp ứng tốt điều kiện để tự cấp, tự túc về lương thực, hậu cần thiết yếu cho lực lượng cách mạng. Có thể thấy, nơi đây là địa phương hội đủ các yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho căn cứ cách mạng. Do vậy việc chuyển địa điểm hoạt động từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) là một quyết định sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy kiệt xuất của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Nguyễn Văn Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lịch sử Khu căn cứ cách mạng Tân Trào (1941-1954) - Nxb. Quân đội nhân dân - năm 2006.

2. Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám và Cách mạng Tháng Tám với công cuộc đổi mới đất nước (Kỷ yếu Hội thảo) - Nxb Chính trị quốc gia - năm 2015.

Xem tin theo ngày:   / /