Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 14/11/2022; Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 và thay thế Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.
Tại sao phải thay thế Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007?
Sau gần 15 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, đã tạo ra những chuyển biến tích cực về nhận thức trong Phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, khó xử lý bằng những quy định pháp luật hiện hành. Theo số liệu thống kê từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2009-2021, cả nước xảy ra 324.641 vụ bạo lực gia đình. Theo số liệu điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Cục thống kê, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy: năm 2019, có ít nhất 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra); cứ 3 phụ nữ thì có gần một người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Kết quả điều tra này cho thấy: năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8%GDP (tăng 0,2% so với năm 2012). So với số liệu của cuộc điều tra thực hiện năm 2019 thì số vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam tăng lên.
Theo số liệu điều tra của Viện nghiên cứu gia đình và Giới thực hiện năm 2019, có 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng bất kỳ hình thức nào (đánh, đạp, tát…) và 31,6% cha mẹ thừa nhận đã bạo lực với con. Cũng theo nghiên cứu này, các hành vi bạo lực đối với người cao tuổi cũng đã diễn ra như: không quan tâm về tình cảm, không chăm sóc ăn uống, thuốc men; ép buộc, tranh giành tài sản thừa kế, sỉ nhục, quát mắng… Bạo lực gia đình cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tan vỡ hôn nhân, hạnh phúc gia đình.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn nhiều bất cập. Quá trình thi hành Luật cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong Phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước được ban hành trong thời gian qua cũng cần được cụ thể hóa trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Vì vậy, cần thiết phải thay thế Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

Ảnh minh họa: Tất Thắng
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã bổ sung những nội dung gì?
1. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022
Cụ thể gồm: các quan điểm, chủ trương, giải pháp cụ thể cho việc thực hiện các biện pháp phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả nêu trong Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng; Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Hiến pháp năm 2013 và các Luật bảo vệ quyền và lợi ích công dân như: Luật Hôn nhân và Gia đình 2014; Bộ Luật Hình sự 2015; Bộ Luật Dân sự 2015…
2. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007
-Về công tác phòng ngừa, ngăn chặn, hỗ trợ, bảo vệ trong Phòng, chống bạo lực gia đình: giải quyết những bất cập của thuật ngữ, khái niệm; bất cập của các quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình; những bất cập của các quy định về hòa giải; về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; về xử lý hành vi bạo lực gia đình và vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình
- Về công tác phối hợp liên ngành và điều kiện đảm bảo để thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình
- Về công tác xã hội hóa trong phòng, chống bạo lực gia đình
3. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 bảo đảm phù hợp với các Điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và bài học kinh nghiệm quốc tế trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 gồm 06 chương, 56 điều, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2023 sẽ tiếp tục tạo ra những chuyển biến tích cực trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Nguyễn Nhung