Ngày Dân số Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 11 tháng 7 nhằm tập trung vào tính cấp thiết và quan trọng của các vấn đề dân số. Ngày này được thành lập bởi Hội đồng Quản trị của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) vào năm 1989, là kết quả của sự quan tâm bởi Ngày dân số đạt mức năm tỷ. Theo nghị quyết 45/216 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) vào tháng 12 năm 1990, quyết định tiếp tục tổ chức Ngày Dân số Thế giới nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề dân số, bao gồm cả quan hệ với môi trường và phát triển.

Ảnh minh họa: Tất Thắng
Tính đến ngày 23/3/2023, dân số thế giới đạt mốc 8.010.493.300 người. Theo dự đoán của tổ chức Liên Hiệp Quốc, dân số toàn cầu sẽ đạt 9 tỉ vào năm 2037. Với tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, dự báo trung tuần tháng 4/2023, Việt Nam sẽ chính thức cán mốc 100 triệu người, trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng, đây là một cột mốc quan trọng đối với Việt Nam. Dân số 100 triệu, đồng nghĩa với thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn cao và tay nghề cao, đầu óc đổi mới sáng tạo và sự năng động mạnh mẽ của đất nước. Do đó, điều quan trọng là phải nhận ra rằng 100 triệu vào năm 2023 không chỉ là con số. Đó là tầm nhìn xây dựng một nước Việt Nam hùng cường cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau.
Việt Nam hiện có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước. 21,1% tổng dân số là thanh niên từ 10-24 tuổi. Cửa sổ cơ hội nhân khẩu học độc đáo của Việt Nam vẫn còn mở cho đến năm 2039 với sự hiện diện của các nhóm dân số trẻ và năng động như vậy, và lợi thế nhân khẩu học có thể được khai thác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước hơn nữa. Để đảm bảo phát triển bền vững của đất nước, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc nhấn mạnh con người giải pháp. Vấn đề không phải là số lượng, nhiều hay ít người, mà là đảm bảo khả năng tiếp cận cơ hội nhiều hơn và bình đẳng hơn cho tất cả mọi người. Để hưởng trọn vẹn lợi ích mà lợi thế dân số mang lại, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đầu tư vào thanh thiếu niên thông qua các chính sách và chương trình y tế, giáo dục, cơ hội việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên mới và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong nước [1]
Cộng đồng quốc tế khẳng định việc bảo vệ sức khỏe của phụ nữ và bé gái là một ưu tiên cấp bách. Trong các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, bình đẳng giới và trao quyền cho phục nữ vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác, là một yếu tố góp phần vào sự thịnh vượng của xã hội. Bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và bé gái là một nhiệm vụ không thể thiếu.
Ở Việt Nam, điểm sáng đáng chú ý là trong suốt giai đoạn đại dịch bùng phát, tại các khu vực, phụ nữ trở thành những tấm gương sáng ở tuyến đầu chống dịch, với vai trò như các bác sĩ, y tá, quân nhân, tình nguyên viên… Chính phủ, các ngành, các địa phương đã áp dụng biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, nhằm giữ gìn sức khỏe cộng đồng. Việc truyền đạt thông tin chính xác, đáng tin cậy và đồng nhất đã giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái người dân tộc thiểu số, có kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ chính mình và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời, đã có sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề sức khỏe tâm lý và hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng trong thời gian này.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy bình đẳng giới và đạt được những thành tựu quan trọng. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV đạt 30,26%, cao hơn khóa XIV 3,46% và cao nhất từ Quốc hội Khóa V trở lại đây (hiện xếp hạng thứ 62/190 quốc gia); tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 48,3%. Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa chỉ số tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9/58 nước; xếp thứ 2/6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết Word Cup nữ 2023. Phụ nữ lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia hiệu quả, trách nhiệm trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc [2].
Trong giai đoạn hiện nay, thích nghi với bối cảnh mới, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tiếp tục xác định việc thực hiện bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ và đảm bảo sự cân bằng giới tính hợp lý là một mục tiêu trong định hướng phát triển của đất nước. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới xác định mục tiêu tổng quát là đảm bảo sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh chóng và bền vững của đất nước. Báo cáo Chính phủ về thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới xác định những nhiệm vụ như tạo bước tiến rõ rệt về tiến bộ và công bằng xã hội, xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, nâng cao trình độ và tham gia vào công việc, nâng cao đời sống và tinh thần của phụ nữ, nghiên cứu và cải tiến các luật pháp và chính sách đối với lao động nữ, tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào cấp ủy và bộ máy quản lý nhà nước [3].
Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Việt Nam đã đạt được kết quả cao trong việc trao quyền cho phụ nữ. Nhiều quy định đã được đưa ra để đảm bảo tỷ lệ phụ nữ trong các tổ chức chính trị, và việc tham gia chính trị của phụ nữ đang tăng. Tất cả đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, các ngành, địa phương trong hoạch định chủ trương, chính sách và thực hiện về tăng quyền năng cho nữ giới, sự thay đổi nhận thức và định kiến xã hội, cũng như sự nỗ lực vươn lên của bản thân phụ nữ.
Đỗ Hồng Thanh
1. Minh Trang, Dân số Việt Nam sắp cán mốc 100 triệu, Báo Pháp luật Việt Nam, Cơ quan của Bộ Tư pháp, 06/4/2023.
2. M.H (TTXVN), Bình đẳng giới để đạt mục tiêu phát triển bền vững, Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam, 09/7/2023.
3. Chính phủ, Việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020, Báo Chính phủ.vn, ngày 10/8/2020. Hà Nội, 2020.