Bản làng người Dao Tiền ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang
Mỗi làng của người Dao có địa vực cư trú, canh tác riêng. Một số làng còn có khu rừng cấm riêng. Làng có trưởng làng, thường là người trưởng họ trong dòng họ lớn nhất của làng, có uy tín trong cộng đồng, giỏi làm ăn, có khả năng quy tụ dân làng và đặc biệt, phải am hiểu bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc.
Bên cạnh trưởng làng, mỗi làng còn có những người cao tuổi am hiểu phong tục tập quán, nghi lễ tín ngưỡng và có uy tín cao. Trong làng nếu có việc gì khó cần giải quyết thì trưởng làng đến hỏi và xin ý kiến của các già làng trước khi quyết định. Ở mỗi làng đều có chung một vị thần cai quản, có miếu thờ để thực hiện các nghi lễ chung.
Một góc nhà người Dao
Nhà của người Dao rất khác nhau, tùy nơi họ ở nhà trệt, nhà sàn hay nhà nửa sàn, nửa đất. Với người Dao Đỏ ở khu vực Na Hang (Sơn Phú, Đà Vị…) thường ở nhà đất trệt, tường ghép gỗ. Với đồng bào Dao Tiền ở thôn Phiềng Ly, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) lại lưu giữ được những căn nhà trình tường truyền thống…
Nhà đất trệt của người Dao Tiền (Hồng Thái, Na Hang)
Người Dao cho rằng, căn nhà mới dựng có liên quan đến những may rủi, vận hạn của mọi người trong gia đình. Vì vậy, người ta thường rất thận trọng và công phu từ khi chuẩn bị vật liệu làm nhà đến các việc chọn hướng đất để dựng nhà.
Chọn đất làm nhà: Người Dao thường chọn những nơi không quá cao; những nơi thông thoáng; ở thung lũng tương đối bằng phẳng, có nguồn nước hoặc suối chảy qua… Khoảng cách từ nơi làm nhà đến ruộng, nương cũng rất quan trọng.
Hướng nhà: Người Dao rất cẩn trọng trong việc lựa chọn hướng để làm nhà, thường là lưng dựa vào núi, mặt trước hướng ra sông suối hoặc cánh đồng. Hướng nhà tùy thuộc vào địa hình, địa thế của đất, không kề cận hoặc nhìn về phía có mồ mả. Tốt nhất là hướng nhìn thấy nhiều đồi núi nhấp nhô, thấp dần về phía nhà hoặc có các dải núi, đồi thoai thoải võng dần xuống. Có ngành Dao còn xem theo mệnh tuổi của chủ nhà để chọn hướng nhà.
Hướng nhà thường là hướng nhìn thấy nhiều đồi núi nhấp nhô, thấp dần về phía nhà hoặc có các dải núi, đồi thoai thoải võng dần xuống
Thử đất: Cách thử phổ biến nhất là đào một hố nhỏ có đường kính khoảng 10-20cm, ở giữa có miếng đất nhỏ đắp cao, nén chặt và lầm nhẵn như nền nhà rồi để trên đó những hạt gạo nếp tượng trưng cho người, gia súc, gia cầm, của cải. Sau đó lấy bát úp kín. Sáng hôm sau, thấy gạo vẫn nguyên hàng lối đã sắp xếp là điềm tốt, sống được ở chỗ đó, có thể san nền làm nhà. Tuy nhiên, đêm hôm thử đất, nếu nằm mơ thấy người khác vác cuốc, xẻng, cây to đổ chắn ngang đường, nhện sa xuống người hoặc thấy hổ, báo nằm ở chỗ thử đất thì phải bỏ chỗ đất đã chọn mặc dù gạo trong hố úp bát vẫn còn nguyên vẹn.
Chuẩn bị vật liệu: Nhà được làm bằng gỗ, tre, nứa… Bởi vậy, ngoài việc chặt gỗ làm cột nhà thì phải chuẩn bị tre, nứa, lá cọ lợp nhà. Tre phải từ 3 năm tuổi trở lên, cây thẳng, gióng đều, không cụt ngọn, không bị đổ, không bị sét đánh, thân chắc dày. Tre được ngâm nước hoặc bùn ít nhất là 3-6 tháng để chống mối mọt. Sàn nhà làm bằng cây bương, vì bương là loại cây to, thân dày. Lá cọ được chặt trước khi dựng nhà khoảng 1-2 tháng để cọ có độ héo và dẻo, khi lợp nhà sẽ không bị rách. Ở một số vùng, như người Dao Tiền ở xã Hồng Thái (Na Hang), người ta lợp nhà bằng ngói máng.
Một số vùng lợp bằng lá cọ...
...hoặc bằng ngói máng
Lễ dựng nhà: Chủ nhà phải nhờ thầy cúng chọn ngày giờ tốt, chờ anh em, họ hàng đến giúp dựng nhà. Gần đến giờ động thổ, gia chủ chuẩn bị lễ vật đặt ở giữa nền nhà mới làm lễ cúng để báo Thổ công. Vào ngày dựng nhà, đông đảo người trong dòng họ và người ngoài tập trung từ sáng sớm, cùng nhau nâng, kéo khung nhà lên theo tiếng hô của ông trưởng họ. Chính vì thế, nhà sàn thể hiện rõ tính đoàn kết trong cộng đồng.
Nghi lễ lên nhà mới: Khi đã hoàn thành căn nhà mới, gia chủ lại đến nhà thầy cúng, chọn ngày tốt để mời mọi người đến dự lễ khánh thành nhà cùng với gia đình mình. Cúng vào nhà mới không chỉ thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn bề trên mà còn là sự khởi đầu mới cầu cho gia đình luôn bình an, thịnh vượng. Để chuẩn bị vào nhà mới, gia chủ mời thầy cúng có uy tín, xem ngày lành tháng tốt để làm lễ. Đồng bào Dao quan niệm, ngày vào nhà mới phải đông anh em, họ mạc thì gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn, ngôi nhà luôn ấm cúng, đoàn kết.
Người Dao cho rằng, khi làm nhà vì lấy nhiều gỗ, tre, nứa…ở nhiều rừng khác nhau nên khi mang những cây gỗ lớn về nhà sẽ có nhiều tinh mộc khác nhau, sẽ xung khắc với nhau. Bởi vậy, khi làm nhà xong phải làm lễ đốt mộc tinh trước khi chuyển bát hương, lập bàn thờ cho thần giữ nhà và đưa lửa lên bếp trên sàn nhà.
Từ khi làm nhà cho đến khi hoàn thành, người Dao có nhiều nghi lễ quan trọng, nhưng quan trọng nhất là lễ vào nhà mới. Trong lễ vào nhà mới, nghi thức quan trọng và không thể thiếu là nghi thức đốt lửa. Tùy theo từng địa phương và từng nhóm người Dao, nghi thức đốt lửa vào nhà mới có thể được tiến hành đồng thời cùng với việc vừ lập xong nóc nhà hoặc đúng với giờ đã chọn để vào nhà mới. Trước đó, gia chủ cần chọn một chỗ ở trong nhà, nơi định làm bếp nấu nướng, đặt vào đó một đống củi có dựng thêm kiềng để đun nước. Riêng các nhóm người Dao ở nhà sàn thì chỗ đặt bếp đã được chuẩn bị sẵn bằng kiềng hoặc ba hòn đá để đun nấu. Hôm sau vào nhà mới chỉ cần đặt củi hoặc giờ châm lửa. Chủ nhà cọn lấy hai hoặc bốn người ở trong làng, có thể lấy cả người ngoài làng, bất kể đàn ông hay đàn bà, nhưng có cả con trai lẫn con gái, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc, có uy tín trong họ hàng, làng xóm… Trong số người này, nhất thiết phải có một người mang mệnh hỏa và một người mang mệnh thủy. Khi đến giờ, mỗi người cầm lấy một bó đuốc châm lửa cháy đều và cùng nhau đốt vào đống củi đã được đặt sẵn tại bếp. Khi lửa cháy, mọi người cùng vây quanh bếp, rót rượu chúc mừng gia chủ. Sau đó, phải giữ lửa cháu liên tục ít nhất trong một ngày một đêm. Sau khi làm lễ đốt lửa, họ dọn đồ đạc vào nhà mới.
Ngô được túm treo lên gác nhà
Tiếp đó, chủ nhà làm lễ chuyển bàn thờ lên nhà mới. Bàn thờ này chỉ để thờ thần giữ nhà. Người Dao không thờ tổ tiên trong nhà, vì họ cho rằng, khi bố mẹ qua đời, sau lễ cúng làm chay, họ đã trở về với tổ tiên tam đại; chỉ khi nào có công việc như đám cưới, đám chay, cấp sắc…thì gia đình mới cúng gọi tổ tiên trở về nhà. Sau lễ cúng lại mời tổ tiên trở về nơi ở của tổ tiên./.
Mộc Miên