Công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc truyền bá Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, khơi dậy sức sáng tạo và động viên, cổ vũ Nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng. Hơn 90 năm qua, công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhất là trước những thời điểm quan trọng, cấp bách đòi hỏi quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân.
.gif)
Ảnh minh họa: Tất Thắng
Với nhiệm vụ truyền bá hệ tư tưởng, xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng của giai cấp vô sản cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, công tác tuyên truyền đã góp phần làm cho Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nhân tố chủ đạo, chi phối đời sống chính trị, tinh thần của xã hội. Ngay sau khi xác định con đường giải phóng dân tộc cho dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện công tác tuyên truyền của Đảng, truyền bá sâu rộng Học thuyết Mác- Lênin vào Việt Nam, làm cho phong trào công nhân có sự chuyển hóa mạnh mẽ về chất, thúc đẩy phong trào yêu nước, dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ khi Đảng được thành lập, công tác xây dựng Đảng về tư tưởng chính trị, bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin và đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên được quan tâm đặc biệt. Công tác tuyên truyền đưa nền tảng tư tưởng thấm sâu vào nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi của công cuộc giải phóng dân tộc, đầu tranh thống nhất nước nhà và tiến hành đổi mới đất nước thành công.
Trong giai đoạn hiện nay, công tác tuyên truyền vẫn giữ một vai trò hết sức quan trọng. Làm thế nào để tuyên truyền đạt hiệu quả? Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền”(1). Vậy thế nào là biết cách tuyên truyền? Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi ngày 31/8/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?... Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc…Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải, mà nói cho ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được… Đồng bào các dân tộc rất thật thà và rất tốt. Nếu nói đúng thì đồng bào nghe, đồng bào làm và làm được.”(2).
Học tập và làm theo Bác, đối với tỉnh miền núi như Tuyên Quang, cán bộ tuyên giáo cần ghi nhớ “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực”. Trước hết về nội dung, người làm tuyên truyền phải biết lựa chọn nội dung tuyên truyền. Nội dung đó phải sát với cuộc sống của người dân, người dân đang quan tâm. Tuyên truyền những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, cụ thể như: chủ trương xây dựng nông thôn mới, xây dựng đường giao thông nông thôn, những chính sách cụ thể cho người dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ bệnh nhân chạy thận nhân tạo… Để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với dân, cần phải lựa chọn cách thức tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, tránh nói lan man, dài dòng, khó hiểu. Phải lựa chọn cách nói cụ thể, thiết thực, tránh nói “tràng giang đại hải’; “dây cà ra dây muống”, lại là những vấn đề xa rời thực tế thì tuyên truyền không hiệu quả.
Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng, nhớ lời Bác dạy về công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ tuyên giáo là những cán bộ tuyên truyền giỏi, góp sức vào sự nghiệp tuyên giáo của Đảng.
Nguyễn Nhung
- Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2021, tập 5, tr 191
- Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2021, tập 14, tr 159, 169