Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa với căn cứ địa Việt Bắc

Thứ Tư, ngày 9 tháng 8 năm 2023 - 08:13 Đã xem: 6172

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn, cùng lúc phải đối phó với “giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm”. Để tạo điều kiện hòa hoãn với Pháp, củng cố những thành quả đã đạt được, chuẩn bị đối phó với những thách thức mới và tỏ rõ thiện chí hòa bình, ngày 6/3/1946 đại diện của Chính phủ ta đã ký với Pháp hiệp định sơ bộ; ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang Pháp theo lời mời chính thức của Chính phủ Pháp.

Ngày 05/7/1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa) đang làm việc tại Pháp cùng nhiều Việt kiều ra sân bay Le-Beu-get để đón Bác Hồ và đoàn lãnh đạo cấp cao Chính phủ ta sang thăm Pháp. Trong thời gian 2 tháng Bác Hồ cùng đoàn cán bộ của Chính phủ ta thăm Pháp, đồng chí Phạm Quang Lễ đều tham gia các hoạt động cùng đoàn. Ngay sau ngày ký Tạm ước Pháp-Việt (Fontainebleau) 14/9/1946, đồng chí Phạm Quang Lễ đã lên tàu thủy theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước tham gia kháng chiến với “gia tài 1 tấn sách” sẵn sàng bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi ở Pháp với mức lương 500 francs/tháng (tương đương 20 lạng vàng thời điểm năm 1946) để về Việt Nam tham gia kháng chiến [1].

         Nguồn ảnh: Internet

Trở về nước, cuối năm 1946, đồng chí Phạm Quang Lễ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách: Cục trưởng Cục Quân giới - Bộ Quốc phòng (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam) kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu kỹ thuật - Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội (nay là Viện KH&CN Quân sự) với trọng trách là nghiên cứu, chế tạo vũ khí, đồng thời sản xuất một số loại hóa chất phục vụ cho nghiên cứu, chế tạo vũ khí mới để đáp ứng cho chiến trường. Cũng từ đây, cái tên Trần Đại Nghĩa được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh. Người nói: “Kháng chiến toàn quốc sắp tới nơi rồi, hôm nay mời chú đến để giao nhiệm vụ cho chú là Cục trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội diệt giặc. Việc chú làm là việc hệ trọng, vì thế từ nay, Bác đặt tên chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình, bà con chú còn ở trong Nam…” [2].

Đồng chí Trần Đại Nghĩa đã từ bỏ giàu sang, danh vọng, điều kiện sống, làm việc rất thuận lợi ở Pháp để theo Bác Hồ về nước trong điều kiện cuộc kháng chiến toàn quốc đã cận kề, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của đồng chí, từ đây đồng chí đã tận tâm, tận lực cống hiến toàn bộ tài năng, sức lực cho dân, cho nước, góp công sức xứng đáng vào thắng lợi của cách mạng.

Trong thời gian làm việc tại căn cứ địa Việt Bắc trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đồng chí Trần Đại Nghĩa đã có nhiều công lao to lớn:

1. Chỉ đạo sản xuất, chế tạo, cải tiến vũ khí; tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công nhân đầu tiên của ngành quân giới, mở lớp đào tạo đội ngũ sĩ quan pháo binh đầu tiên của nước ta

Trên cương vị là Cục trưởng kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu kỹ thuật, đồng chí Trần Đại Nghĩa đã lãnh đạo ngành Quân giới thực hiện nhiều nhiệm vụ đáp ứng kịp thời yêu cầu của cách mạng trong thời kỳ mới. Từ năm 1947 đến cuối năm 1950, trong bối cảnh bị bao vây cô lập, ta phải tự mình sản xuất vũ khí trang bị cho bộ đội, nhiệm vụ chủ yếu của ngành Quân giới là tập trung vào việc nghiên cứu các loại vũ khí mới để đưa vào sản xuất và chiến đấu.

Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về vật chất, đồng chí đã có những sáng kiến để chế tạo, cải tiến vũ khí phục vụ chiến đấu: Lấy diêm tiêu trong phân dơi (có nhiều ở chiến khu Việt Bắc) để làm thuốc súng, lấy đường ray xe lửa loại cũ làm nòng súng cối 50,8 ly; lấy bình ô xy làm nòng súng cối 205 ly [3]. Đồng chí cùng tập thể lãnh đạo và quân nhân ngành Quân giới tích cực nghiên cứu về vũ khí, có nhiều thành tựu khoa học quan trọng: Thiết kế và đưa vào sản xuất một loại vũ khí mới theo nguyên lý không giật đánh công sự kiên cố rất lợi hại; áp dụng công nghệ giật sâu để dập thành công đạn AT (chống tăng); chế tạo mìn nổ chậm; điều chế, tinh chế các loại chất nổ, chất kích thích nổ chất cháy...

Đồng chí Trần Đại Nghĩa thường xuyên quan tâm việc huấn luyện và đào tạo cán bộ trong toàn ngành quân giới và cho các đơn vị chiến đấu. Tại căn cứ địa Việt Bắc, đã mở nhiều lớp bổ túc ngắn hạn để bồi dưỡng cho cán bộ phụ trách các cơ sở sản xuất những kiến thức về xạ thuật, về hóa chất và vật liệu nổ rất cần thiết cho kỹ thuật sản xuất vũ khí. Có 2 lớp riêng cho cán bộ quân giới khu V và Nam bộ ra học, mỗi lớp từ 3-4 tháng; tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ chỉ huy pháo binh, những học viên đó sau này là những người đầu tiên lãnh trách nhiệm xây dựng binh chủng. Sau chiến dịch biên giới 1950, tiếp tục tổ chức 5 lớp về vũ khí mới cho cán bộ chỉ huy đơn vị.

2. Trực tiếp phụ trách nghiên cứu, phát minh, chế tạo một số loại vũ khí quan trọng, tạo bước ngoặt trong chiến đấu của bộ đội trên chiến trường

2.1. Súng và đạn Ba-dô-ca

Sau khi về nước, đồng chí Trần Đại Nghĩa và các cán bộ kỹ thuật quân sự của ta đã tập trung nghiên cứu chế tạo Ba-dô-ca từ giữa năm 1946 dựa trên cơ sở mẫu súng và đạn Ba-dô-ca của Mỹ. Sau khi di chuyển lên Việt Bắc, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Đại Nghĩa, Nha Nghiên cứu kỹ thuật cùng Nha giám đốc các xưởng quân giới đã chung sức phối hợp tiếp tục hoàn thiện việc nghiên cứu chế tạo đạn Ba-dô-ca. Tháng 02/1947, đã chế tạo thành công; tháng 4/1947, súng, đạn Ba-dô-ca do ta trực tiếp nghiên cứu chế tạo đã ổn định. Mức đâm xuyên của đạn vừa chế tạo đạt độ sâu 75cm trên tường gạch, tương đương đạn Ba-dô-ca do Mỹ chế tạo, và bắt đầu sản xuất hàng loạt gửi đi các chiến trường. Ba-dô-ca đã phát huy tác dụng đa năng trong chiến đấu, ngoài bắn xe tăng, xe thiết giáp hiệu quả, còn dùng để bắn ổ súng máy của địch, bắn lô cốt cố thủ, bắn xe cơ giới, bắn tàu chiến tuần tiễn trên bờ sông, bắn tốp bộ binh khi chúng tập trung đông.

2.2. Nghiên cứu, chế tạo AT (đạn chống tăng, xe bọc thép).

Đồng chí Trần Đại Nghĩa cùng các kỹ sư của Cục Quân giới đã mày mò, nghiên cứu một số quả lựu đạn AT của Mỹ, các bom chống tăng cỡ nhỏ của Nhật để chế tạo thành công đạn AT mang thương hiệu Việt Nam. Cơ sở nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm đạn AT được đặt tại Đồng Chiêm (nay là xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Qua nhiều lần bắn thử, so với quả đạn của Mỹ cùng bắn để đối chiếu, đạn AT do ta sản xuất luôn tương đương về độ thăng bằng trên đường đi và độ xuyên của thép. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Đại Nghĩa, Cục Quân giới đã chỉ đạo Nha Nghiên cứu kỹ thuật khẩn trương hoàn thành hồ sơ quy trình chế tạo báo cáo về Cục và được Cục giao cho các xưởng quân giới sản xuất hàng loạt, kịp thời cung cấp cho các đơn vị. Súng phóng đạn AT gọn nhẹ, dễ mang vác, tiện sử dụng, uy lực mạnh được bộ đội ta sử dụng thuận tiện, hiệu quả cao ở các chiến trường.

2.3. Nghiên cứu, chế tạo súng và đạn SKZ (súng không giật).

Sau năm 1947, để phục vụ chiến lược đánh lâu dài với ta, thực dân Pháp cho xây dựng hệ thống đồn bốt công sự ngày càng kiên cố. Ba-dô-ca là loại vũ khí có sức công phá mạnh nhất mà ta sản xuất được không đủ sức phá vỡ công sự của chúng. Trước tình hình trên, Bộ Tổng chỉ huy giao cho Cục Quân giới tập trung nghiên cứu sản xuất một loại vũ khí mới đảm bảo các yêu cầu như nhẹ hơn Ba-dô-ca, sản xuất được nhanh hơn với số lượng lớn hơn và có sức công phá lớn để phá lô cốt, công sự của địch, đáp ứng yêu cầu chiến thuật đánh công kiên cũng như trình độ tác chiến ngày càng cao của bộ đội ta. Đồng chí Trần Đại Nghĩa cùng Nha Nghiên cứu kỹ thuật đã nỗ lực, miệt mài tính toán, nghiên cứu trong 7 tháng và đã chế tạo thành công súng, đạn SKZ 60mm. Tháng 5/1949, súng, đạn SKZ 60mm được hoàn thiện và tổ chức bắn thử lần cuối ở cự ly 100m tại thành cổ Tuyên Quang. Kết quả, đạn nổ tốt, phá huỷ tường gạch dày 1m. Mọi thông số tính toán đều phù hợp với thực tế, đáp ứng được cách đánh công đồn của bộ đội ta. Ngay sau đó Cục Quân giới gửi thiết kế, giao nhiệm vụ và hướng dẫn xưởng TĐ97 thuộc Vụ Quân giới Liên khu sản xuất SKZ 60mm. Sau đó đồng chí cùng Nha Nghiên cứu kỹ thuật chế tạo SKZ 51mm, 81mm, 120mm, 175mm, đồng thời tăng tầm bắn xa hơn, đạt tới 1.000m, dùng hai loại đạn nổ phá thường và đạn xuyên... Súng, đạn SKZ được trang bị cho bộ đội đã phát huy hiệu quả lớn trong các chiến dịch, hạn chế thấp nhất thương vong cho bộ đội.

Với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và sản xuất vũ khí, đồng chí Trần Đại Nghĩa vinh dự được phong hàm Thiếu tướng, trở thành 1 trong 11 vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong đợt phong tướng năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc. Năm 1949, đồng chí vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất được tổ chức tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, đồng chí là 1 trong 7 Anh hùng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tiêu biểu cho phong trào thi đua của cả nước. Những danh hiệu được phong tặng tại chiến khu Việt Bắc trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp là sự mở đầu cho hàng loạt những danh hiệu khác của đồng chí Trần Đại Nghĩa trong những chặng đường cống hiến cho cách mạng sau này; là sự ghi nhận xứng đáng về tinh thần lao động sáng tạo, những cống hiến của đồng chí Trần Đại Nghĩa đối với ngành Quân giới trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Đồng chí vinh dự trở thành Anh hùng lao động trí óc đầu tiên và là Nhà Khoa học Anh hùng tiêu biểu của giới trí thức cách mạng Việt Nam; trong thời gian hoạt động và làm việc tại căn cứ địa Việt Bắc đồng chí đã hoàn thành xuất sắc trọng trách Bác Hồ giao “Lo vũ khí cho bộ đội”, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược./.

Đào Việt Dũng

Tài liệu tham khảo:

[1] Lan Hương, Trần Đại Nghĩa - Bỏ mức lương 20 lạng vàng theo Bác Hồ, Bào tàng Lịch sử Việt Nam

[2] Bửu Sơn, Đại trí thức Trần Đại Nghĩa luôn vì nghĩa lớn, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa.

[3] Phạm Bá Nhiễu, Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Trần Đại Nghĩa - Người trí thức đáng kính, Tạp chí Xây dựng Đảng.

Xem tin theo ngày:   / /