Quan tâm phát triển mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Thứ Tư, ngày 9 tháng 8 năm 2023 - 16:17 Đã xem: 2089

Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm phát triển trường, lớp học và đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học nhằm tạo ra môi trường học tập tốt, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Hiện nay, toàn tỉnh có 461 trường mầm non, phổ thông: Mầm non: 152 trường, Tiểu học 125 trường, Trung học cơ sở 149 trường, Trung học phổ thông: 35 trường với 7.479 lớp và 226.927 học sinh, trong đó có 40 trường phổ thông dân tộc bán trú, phổ thông dân tộc nội trú tạo điều kiện thuận lợi để con em Nhân dân các dân tộc trong tỉnh học tập. Chú trọng xây dựng trường chuẩn quốc gia nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, toàn tỉnh hiện có 257/461 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 55,7%; giáo dục ngoài công lập có bước phát triển và hoạt động hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục.

Để đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển của mọi người dân trong xã hội, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên được chú trọng góp phần giúp học sinh, học viên, người dân tham gia học tập nắm vững kỹ năng cần thiết để tham gia vào thị trường lao động, duy trì, nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng để thích ứng với sự thay đổi của công việc và xã hội.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp được hình thành với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh và 06 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; 01 cơ sở giáo dục có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật và công nghệ. Ngoài ra còn có 02 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập. Các cơ sở đào tạo và dạy nghề được đầu tư, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực trong tỉnh. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chú trọng phát triển đào tạo ngành, nghề theo nhu cầu của thị trường lao động trong tỉnh, trong nước và quốc tế; đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, phát triển. Đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên dạy nghề cho Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang hướng tới mục tiêu trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề, có trình độ cao, từng bước đạt chuẩn kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và phù hợp với ngành nghề đào tạo của Trường. Bên cạnh đó, tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, sắp xếp, tuyển dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện tận dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để mở lớp dạy nghề. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn, bố trí giáo viên dạy chương trình thường xuyên, tạo cơ hội cho người lao động

được học tập, đào tạo lại, bồi dưỡng ngắn hạn, định kỳ và thường xuyên theo các chương trình giáo dục, các chương trình kỹ năng nghề nghiệp, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ phù hợp với nhu cầu nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, chuyển đổi nghề nghiệp. Hoạt động của 138 Trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn cũng tạo sự gắn kết giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong cơ sở giáo dục và các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường. Tại các Trung tâm học tập cộng đồng đã tổ chức nhiều lớp cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ với nội dung, hình thức học tập phong phú, đa dạng phù hợp với tập quán, điều kiện sinh sống ở cộng đồng dân cư.

 Xác định phát triển giáo dục đại học là một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cao góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của đất nước. Năm 2013, tỉnh thành lập Trường Đại học Tân Trào trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tuyên Quang. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng, triển khai “Chiến lược phát triển Trường Đại học Tân Trào giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030”. Trường Đại học Tân Trào đã quan tâm đa dạng hóa các hình thức và ngành đào tạo: Hiện nay, nhà trường đang đào tạo theo 3 hình thức (đào tạo hệ chính quy, liên thông và vừa làm vừa học); tích cực đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, phù hợp với từng ngành, nhóm ngành đào tạo.

Tỉnh luôn quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên bởi đây là yếu tố quan trọng tác động sâu sắc đến chất lượng giáo dục. Hiện nay, tổng số người làm việc tại các cơ sở giáo dục là 13.624 người. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019 đối với cấp mầm non là 96%; cấp tiểu học 61%, cấp trung học cơ sở 87%; cấp trung học phổ thông 100%. Trường Đại học Tân Trào có 203 cán bộ, giảng viên có trình độ từ Đại học đến Tiến sĩ.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo nguyên tắc tạo thuận lợi trong học tập cho học sinh, gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018; củng cố, sắp xếp hệ thống trường, lớp học phù hợp với điều kiện của từng địa phương trong tỉnh. Đầu tư nâng cấp các cơ sở dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện và Trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, đảm bảo công bằng cho mọi đối tượng người học, thúc đẩy xã hội học tập suốt đời. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chú trọng việc liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp, gắn đào tạo nghề với các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đảm bảo chất lượng; chú trọng việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. 

Phan Thanh Bình

 

Xem tin theo ngày:   / /