Quốc dân Đại hội Tân Trào là một Đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội. Đây là thắng lợi lớn của nghệ thuật chớp đúng thời cơ của Tổng bộ Việt Minh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự sáng tạo độc đáo của Người trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành quyền độc lập.

Ảnh minh họa: Tất Thắng
Chiều ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, một sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình lịch sử của Dân tộc Việt Nam - đó là Quốc Dân Đại hội Tân Trào. Quốc Dân Đại hội Tân Trào không chỉ thể hiện sự thống nhất và đoàn kết của dân tộc Việt Nam mà còn khẳng định quyết tâm cách mạng trong việc giành chính quyền và độc lập. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền bắc-trung-nam, đại diện các đảng phái yêu nước, các nhân sĩ, trí thức, đoàn thể Nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Lúc này, Lệnh Tổng khởi nghĩa đã phát đi, vì vậy thời gian họp rất khẩn trương để các đại biểu kịp về địa phương lãnh đạo khởi nghĩa [1].
Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã phân tích tư tưởng về việc xây dựng một hình thức nhà nước mới, trong đó quyền lực tập trung vào Nhân dân là mục tiêu của cách mạng. Người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao quyền cho dân chúng để đảm bảo sự hạnh phúc và độc lập. Quốc Dân Đại hội Tân Trào đã thể hiện một cách rõ ràng tư tưởng này trong thực tế. Trước cuộc Tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng việc triệu tập Quốc Dân Đại hội Tân Trào như một phần của chuẩn bị. Thư gửi đồng bào đã gợi ý việc tạo ra một cơ cấu đại diện để thể hiện sự đoàn kết và hành động nhất trí của Nhân dân. Điều này đã giúp tạo ra một sức mạnh không chỉ với đối nội mà còn về ngoại giao, nhằm đạt được mục tiêu độc lập và tự do.
Quốc dân Đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội Việt Nam đã đưa ra những quyết định mang tính sống còn của dân tộc. Quốc dân Đại hội đã thông qua được lệnh Tổng khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, bầu ra Ủy ban mặt trận giải phóng tức chính phủ lâm thời của nước Việt Nam, gồm có 15 người do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch là đồng chí Trần Huy Liệu. Đại hội đã quy định về Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam. Lấy sao vàng năm cánh trên nền cờ đỏ là biểu tượng cho lá cờ chung của cả nước và lấy bài hát Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao là bài Quốc ca của nước Việt Nam.
Dưới gốc đa Tân Trào, ngày 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa, chỉ huy đơn vị Giải phóng quân tiến về Hà Nội. Ngay sau khi Lệnh Tổng khởi nghĩa được phát đi, tỉnh Tuyên Quang đã nhanh chóng tổ chức khởi nghĩa và là địa phương được giải phóng sớm nhất trong cả nước vào ngày 17/8/1945.
Ngày 17/8/1945, Đại hội bế mạc trong không khí Tổng khởi nghĩa sôi sục. Thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của Nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo Nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc.
Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần, đem sức ta mà giải phóng cho ta, đã nhất tề vùng lên giành chính quyền, tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy [2].
Ngày nay, Tân Trào nơi diễn ra Quốc dân Đại hội là một trong những địa phương đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnhTuyên Quang. Xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang xác định phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài. Với những lợi thế, tiềm năng sẵn có, Đảng uỷ, chính quyền và Nhân dân nơi đây đã và đang phát huy truyền thống, tạo nên diện mạo quê hương cách mạng ngày càng khởi sắc. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của xã Tân Trào đạt trên 52 triệu đồng/ người/ năm. Nông thôn mới, diện mạo mới, con người mới nhưng không làm mất đi những giá trị tốt đẹp, riêng biệt trong bản sắc văn hoá dân tộc tại địa phương, điều này đang được thực hiệu quả tại Tân Trào. Trong nhiệm vụ nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt, Tân Trào tập trung vào phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thúc đẩy kinh tế, đưa đời sống Nhân dân ngày càng phát triển [3].
Từ những chính sách quan tâm, đầu tư từ phía Nhà nước, tỉnh Tuyên Quang và sự đồng lòng vươn lên của chính địa phương, Tân Trào tiếp tục có nhiều đổi mới. Một cuộc sống ấm no và hạnh phúc đang được Cấp uỷ, Chính quyền và Nhân dân địa phương nỗ lực xây dựng trên quê hương cách mạng.
Đỗ Hồng Thanh
1. Hải Chung, Về nơi diễn ra Quốc dân Đại hội Tân Trào, Nhân dân, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, 14/7/2023.
2. ĐP, Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Thời cơ và những quyết sách lịch sử, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 17/8/2021.
3. Tiểu Khiết – Xuân Hòa, Tân Trào xây dựng nông thôn mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang, 31/3/2023.