Tuyên Quang: Nơi hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc trong cách mạng tháng Tám năm 1945

Thứ Năm, ngày 28 tháng 9 năm 2023 - 08:40 Đã xem: 4325

Tuyên Quang là vùng đất lịch sử chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng và mãi khắc ghi sâu đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những sự kiện trọng đại lịch sử của dân tộc. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, nơi hiện thực hóa tư tưởng giải phóng dân tộc giành chính quyền trong toàn quốc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa đất nước vào kỷ nguyên độc lập, tự do.

Cây đa Tân Trào - Tại đây, ngày 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt mốc 108 trên đường biên giới Việt - Trung về Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại đây, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), xác định: Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng; đồng thời chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất lấy tên là Việt Nam độc lập Đồng Minh, gọi tắt là Việt Minh. Người cũng chỉ rõ: Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra nhiều triển vọng lớn lao cho cách mạng nước ta… Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc. Có nối phong trào với Thái Nguyên, Tuyên Quang và toàn quốc khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ.

Đầu tháng 5/1945, tình hình thế giới và trong nước diễn biến hết sức mau lẹ, có lợi cho cách mạng Việt Nam. Đêm 09/3/1945, Nhật nổ súng lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương, Pháp chống trả yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau là hành động của chúng ta. Ngay sau khi Chỉ thị ra đời, phong trào kháng Nhật cứu nước trong cả nước dâng lên mạnh mẽ thành cao trào, các cuộc khởi nghĩa từng phần nổ ra ở nhiều địa phương: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang... Để đảm bảo sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Đảng, đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tìm một địa điểm làm trung tâm chỉ đạo cách mạng. Địa điểm cần hội tụ đủ các điều kiện: Nằm trong căn cứ địa Việt Bắc, phong trào cách mạng phát triển mạnh, quần chúng giác ngộ cách mạng cao, địa thế thuận lợi cả tiến công lẫn phòng thủ, giao thông thuận lợi và nhất là gần Trung ương Đảng, bởi nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đang ở dưới xuôi. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp về Kim Quan Thượng (thuộc vùng Tân Trào) cùng Ban lãnh đạo Phân khu B - Nguyễn Huệ gồm các đồng chí: Song Hào, Tạ Xuân Thu, Lê Dục Tôn, Lê Trung Đình... khảo sát thực tế vùng dọc bờ sông Đáy từ Kim Quan Thượng đến Tân Trào và trao đổi thống nhất nhận định “Vùng Ao Búc, Thanh La cũng như Tân Trào đều là những cơ sở vững. Tuy nhiên, nhìn vào địa hình thì thấy xã Tân Trào (tên cũ là Kim Long) là nơi có thuận lợi hơn” vì “Đây là nơi dễ cơ động, tiến lên, lui xuống, sang trái, sang phải đều có thể đi cả bốn hướng. Đường liên lạc về xuôi cũng thuận lợi” và quyết định chọn vùng Tân Trào làm căn cứ trung tâm lãnh đạo của Trung ương và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Lán Nà Nưa, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương - Nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến tháng 8/1945

Xuất phát từ Pác Bó (Cao Bằng) từ ngày 04/5/1945 đến ngày 21/5, Bác Hồ cùng đoàn cán bộ của Đảng đến Tân Trào (Tuyên Quang). Từ khi đến ở và làm việc tại Tân Trào, Người cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng tích cực hoạt động chuẩn bị trực tiếp cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, như: Mở Trường Quân chính kháng Nhật tại Tân Trào; tổ chức 1.000 quân du kích ở Chợ Chu, Định Hóa; tuyển 200 du kích để Đội Con Nai huấn luyện sử dụng cácbin, MAS, tiểu liên Tômxơn, Badoca, súng cối và lựu đạn; thống nhất các lực lượng vũ trang đặt tên là Quân giải phóng. Đặc biệt, đầu tháng 6/1945, Người đã chỉ thị thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên và một số vùng phụ cận thuộc các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái, chọn Tân Trào làm Thủ đô. Trong Khu giải phóng, các chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh được thi hành đã làm thay đổi nhanh chóng cuộc sống của Nhân dân, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng cả nước.

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ Tân Trào các chủ trương, chính sách lớn đã được triển khai thi hành, nhanh chóng làm thay đổi cuộc sống của Nhân dân trong Khu giải phóng, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng cả nước. Hệ thống ủy ban từ cấp Khu đến cấp xã đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban lâm thời Khu được thành lập, tổ chức thực hiện 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. Ủy ban Quân sự thống nhất chỉ huy cuộc chiến đấu chống phát xít Nhật tiếp tục lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giành chính quyền, mở rộng Khu Giải phóng. Tại Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng luôn theo sát tình hình thế giới. Thông qua những cuộc tiếp xúc với đại diện lực lượng Đồng minh, lực lượng cách mạng của ta đã tranh thủ sự giúp đỡ của quân đồng minh về vũ khí, điện đài và sĩ quan huấn luyện qua các chuyến thả dù của Đồng minh xuống Tân Trào, sân bay Lũng Cò (xã Thanh La)... đây là yếu tố quan trọng để cách mạng đón được thời cơ, góp nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngày 07/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, chỉ trong vòng một tuần đã đánh bại đội quân Quan Đông Nhật. Các nước Đồng minh đồng loạt tấn công vào các vị trí phòng thủ của Nhật. Phát xít Nhật thất bại trên các mặt trận. Lực lượng Nhật và tay sai ở Đông Dương tê liệt, hoang mang, rệu rã. Thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền của cách mạng Việt Nam đã đến. Giữa lúc công việc bộn bề, Bác Hồ bị ốm nặng, nhưng khi vừa tỉnh lại, Người căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng kiên quyết giành cho được độc lập!”(1).

Tại khu rừng Nà Nưa - Tân Trào, từ ngày 14 đến 15/8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị đưa ra những quyết định trọng đại, thay đổi vận mệnh dân tộc, đó là chớp thời cơ tổng khởi nghĩa, giành chính quyền và quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Nguyên tắc vũ trang khởi nghĩa được nhấn mạnh: Tập trung, thống nhất, kịp thời và đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng. Mục đích cuộc đấu tranh của ta lúc này là giành quyền độc lập hoàn toàn.

Đình Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương - Nơi Quốc dân Đại hội họp từ ngày 16 đến ngày 17/8/1945

 Từ ngày 16 đến 17/8/1945, hơn 60 đại biểu toàn quốc đại diện các đảng phái chính trị, đoàn thể cứu quốc, dân tộc, tôn giáo tham dự Đại hội Quốc dân tại đình Tân Trào. Đại hội biểu thị ý chí, quyết tâm sắt đá giành độc lập của toàn thể nhân dân Việt Nam; bầu ra Ủy ban dân tộc Giải phóng Việt Nam (tiền thân của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, quy định Quốc kỳ, Quốc ca. 

 Ngay trong ngày 16/8/1945, không khí cách mạng sục sôi trên cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi tổng khởi nghĩa: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”(2). Trước đình Tân Trào, sáng ngày 17/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên trong Ủy ban dân tộc Giải phóng làm lễ tuyên thệ. Người hô vang lời thề giành độc lập dân tộc: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước. Xin thề!”(3). Đình Tân Trào đã chứng kiến sự kiện mang tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, nơi minh chứng lời thề độc lập trở thành hiện thực.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta triệu người như một đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(4).

Nguyễn Văn Đức

         

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, 2016, tập 2, tr.225.

(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.3, tr.596.

(3). Di tích lịch sử - Lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tuyên Quang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang in và phát hành năm 2010, tr.77.

(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.4, tr.3.

Xem tin theo ngày:   / /