Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu
1. Từ khát vọng độc lập, tự do trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
Nằm ở vị trí địa lý quan trọng trong khu vực, là cầu nối giữa phần lớn nhất của lục địa Á, Âu với khu vực Đông Nam Á, giữa lục địa và đại dương. Chính vì vậy, trong quá trình hình thành và phát triển, Việt Nam được coi là điểm giao thoa của nhiều quốc gia, nhưng cũng là sự thèm khát của các thế lực thù địch. Từ đặc điểm đó đã sớm hình thành trong cộng đồng các dân tộc Việt ý thức về dựng nước luôn gắn liền với giữ nước. Khát vọng về nền độc lập, tự do luôn được ông cha ta nuôi dưỡng và là mạnh nguồn sức mạnh vô tận để chống lại mọi thế lực ngoại xâm bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia dù cho chúng có mạnh hơn ta gấp nhiều lần.
Thực tế lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh rất rõ khát vọng độc lập, tự do trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Từ truyền thuyết Thánh Gióng đến hòn đá thề trên đỉnh núi Hy Cương (Phú Thọ) nói lên ý chí, khát vọng độc lập của Vua Hùng và Thục Phán về sự đoàn kết, thống nhất để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập. Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đền nợ nước, trả thù nhà. Triệu Thị Trinh hùng hồn khẳng định: “Tôi muốn cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.
Khát vọng độc lập dân tộc đó còn được thể hiện qua lời thơ đanh thép của Lý Thường Kiệt “Sông núi nước Nam, vua Nam ở. Rành rành định phận tại sách trời” khiến cho quân Tống xâm lược phải run sợ. Trong Hịch tướng sĩ của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn hiệu triệu vang vong non sông và Bình Ngô đại cáo của Nguyền Trãi: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Song hào kiệt đời nào cũng có... ”.
Tiếp nối sự nghiệp dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, các tầng lớp Nhân dân ta đã liên tiếp vùng dậy tiếp nối truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm. Tiêu biểu là phong trào Cần Vương với các cuộc khởi nghĩa Ba Đình (Nga Sơn, Thanh Hóa), Bãi Sậy (Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh), Hương Khê (Hà Tĩnh)...; khởi nghĩa Yên Thế, Thái Nguyên, các cuộc bạo động ở Lạng Sơn... vào đầu thế kỷ XX, với tầm nhìn xa, vượt trội so với tư duy cùng thời, những chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đã cùng với những người đồng chí hướng khởi xướng phong trào Đông Du và công cuộc Duy Tân - bước đi tiên phong trong việc thực nghiệm con đường cứu nước mới của phong trào yêu nước Việt Nam. Mặc dù không thành công song con đường đó đã thể hiện khát vọng canh tân, hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam vào hàng ngũ các quốc gia tiến bộ trong thời đại của các bậc tiền nhân lúc đó.
Thời đại Hồ Chí Minh mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam. Với việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường đúng đắn nhất đưa cách mạng Việt Nam phát triển đi lên. Là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy khát vọng không có gì quý hơn độc lập tự do, phát huy sức mạnh vô tận của Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Với quyết tâm “Dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, cả dân tộc chung sức, đồng lòng viết lên bản hùng ca về tinh thần độc lập, tự do, bảo vệ giang sơn Tổ quốc.
2. Đến khát vọng xây dựng đất nước hùng cường trong công cuộc đổi mới hiện nay
Bước ra khỏi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đất nước ta một lần nữa phải đối mặt nhiều khó khăn thử thách do nền kinh tế xuất phát điểm thấp, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, việc xác định hướng đi trong giai đoạn mới và tư duy phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng với tinh thần và khát vọng “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã đoàn kết từng bước khắc phục khó khăn từng bước vươn lên thoát ra khỏi khủng hoảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) mở ra con đường đổi mới toàn diện đất nước với ý chí và khát vọng đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, thoát khỏi cảnh đói nghèo. Vượt qua biết bao khó khăn trong nước, sự bao vây cấm vận của nước ngoài, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nhiều nước, Việt Nam vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội với những thành tựu to lớn được thế giới khâm phục. Năm 1996, đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Năm 2008, trở thành nước có thu nhập trung bình. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm biến đổi sâu sắc diện mạo đất nước, nâng cao đáng kể mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân theo hướng văn minh, tiến bộ và hiện đại. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người là 2.750 đôla Mỹ khi số dân tăng gấp hai lần năm 1986. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo là 58%, năm 2020 còn 2,8%. Cuộc chiến chống đói nghèo do Liên hợp quốc đề ra, Việt Nam về đích trước 10 năm. Chúng ta đi lên bằng ý chí, niềm tin và tự lực, tự cường của cả dân tộc.
Đại hội XIII của Đảng (01/2021) với tầm nhìn xa, tư duy chiến lược đã có những quyết sách quan trọng đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đại hội đã xác định lộ trình cụ thể: Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, Kỷ niệm 100 năm thành lập Nước (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện được khát vọng và tầm nhìn ấy, Đại hội XIII xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Khơi dậy động lực tinh thần to lớn, vô song của dân tộc, con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc; khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, tài năng, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, sức mạnh của con người Việt Nam là trung tâm, là mục tiêu, là nguồn lực nội sinh, là động lực quan trọng nhất để đạt tới các mục tiêu của phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI.
Lễ Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (tháng 02/2017)
Khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc dân tộc cường thịnh, trường tồn là một phương hướng cơ bản đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tất cả các cấp, các ngành phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, chứ không phải chỉ đối với riêng ngành văn hóa. Nếu như trong chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây, khát vọng độc lập, tự do, tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là động lực tinh thần to lớn đưa nhân dân ta nhất tề đứng lên chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do, thì ngày nay, khát vọng phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc cần và phải là động lực tinh thần to lớn đưa nhân dân ta xây dựng thành công một nước Việt Nam phát triển hiện đại “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Khát vọng phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc ngày nay cũng chính là mong muốn, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi như Người đã chỉ rõ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, phồn vinh và hạnh phúc là khát vọng thiêng liêng của dân tộc suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Khát vọng đó được Đảng Cộng sản Việt Nam bồi đắp, phát triển đến đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh và không ngừng hiện thực hóa. Để phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong thời kỳ mới, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, khơi dậy, nhân lên, phát huy giá trị, sức mạnh nội sinh ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, làm cho ý chí, khát vọng phát triển của mỗi người con đất Việt là trách nhiệm của Đảng và trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ ý chí, khát vọng phát triển của toàn dân tộc.
Hai là, cần tuyên truyền, khẳng định những thành tựu rất đáng tự hào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đạt được. Đó là kết quả của sự phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của toàn dân tộc trước đây cũng như trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, chúng ta có thêm tin tưởng, tự hào, quyết tâm; thêm cơ sở khẳng định sự đúng đắn của con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Ba là, Muốn phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển dân tộc, trong bất kỳ thời đại nào cũng phải dựa vào dân; tin vào sức mạnh phi thường của Nhân dân. Thiếu sức mạnh của toàn thể Nhân dân, thiếu sự quyết tâm của tất cả Nhân dân, không có sự ủng hộ của Nhân dân, không có sự tham gia của Nhân dân thì chúng ta không thể làm được gì chứ chưa nói đến phát huy ý chí, khát vọng phát triển. Có thể nói, sự đồng lòng của Nhân dân là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc.
Nguyễn Văn Đức