Một số thông tin cần biết về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Thứ Sáu, ngày 20 tháng 10 năm 2023 - 15:02 Đã xem: 29746

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, nhất là ở vũng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực trạng này đã và đang là một trở ngại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tiến bộ của xã hội. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ luỵ đối với cá nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Người dân xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương được tuyên truyền chính sách,pháp luật về hôn nhân và gia đình. Nguồn: http://bandantoc.tuyenquang.gov.vn

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (điểm a, khoản 1, điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình quy định tuổi đủ kết hôn là: nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên). Hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (khoản 18, điều 3 của Luật  hôn nhân và gia đình quy định những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm: cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiện nay vẫn còn tồn tại trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho cá nhân, gia đình và xã hội. Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ điều kiện cư trú, kinh tế, tập tục lạc hậu; còn do trình độ dân trí của người dân còn thấp, ít có điều kiện tiếp cận thông tin, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, chưa hiểu hết những hệ lụy từ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; một số nơi chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình; việc xử phạt các trường hợp tảo hôn chưa đủ sức răn đe… Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã gây ra những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi, chất lượng cuộc sống, là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo lạc hậu.

Những hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra

Đối với tảo hôn: Bản thân người tảo hôn người tảo hôn sinh sớm khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người mẹ và con; đặc biệt là đối với những trường hợp sinh con dưới 15 tuổi nguy cơ tử vong cao hơn phụ nữ sinh con sau 20 tuổi. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi thường còi, thấp, nhẹ cân, thiểu năng trí tuệ, dễ bị chết non, khuyết tật tạo ra gánh nặng cho xã hội. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn phải nghỉ học dẫn đến tình trạng thiếu kiến thức xã hội, ảnh hưởng đến trí tuệ và thể chất. Đồng thời tảo hôn làm mất cơ hội tìm việc làm, năng suất lao động, sản xuất thấp, kinh tế gặp khó khăn dẫn đến đói nghèo, nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình; nhiều cặp vợ chồng phải chia tay sớm nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em. Tảo hôn gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, tạo sức ép cho giáo dục và y tế.

Đối với hôn nhân cận huyết thống: Hôn nhân cận huyết thống là trái với quy định của pháp luật; do đó các cặp hôn nhân không được pháp luật thừa nhận luôn có tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin trong cuộc sống. Trẻ sinh ra do hôn nhân cận huyết thống thường mắc các bệnh di truyền như: Bệnh tim mạch, mù màu, down (đao), bạch tạng, da vảy nến, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ; còi cọc, kém phát triển về chiều cao và cân nặng, giảm tuổi thọ,… làm tăng chi phí xã hội cho việc chăm sóc, điều trị các bệnh di truyền. Hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực, suy thoái nòi giống. Ngoài ra, hôn nhân cận huyết thống tác động xấu đến đạo đức, văn hóa truyền thống, các mối quan hệ dòng tộc, gia đình.

Một số mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Để làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với công tác hôn nhân và gia đình, ngày 15/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp Hợp tác xã. Trong đó có nội dung quy định về xử lý vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể:

Đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn:

- Tại Điều 58, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

- Đối với hành vi tảo hôn mức độ vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử phạt hình sự về tội tổ chức tảo hôn hoặc tội giao cấu với trẻ em theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể: Tại Điều 183 quy định: Tội tổ chức tảo hôn: Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

Đối với hành vi vi phạm quy định về kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời: Tại điểm a, khoản 2, Điều 59, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa ba đời cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

Một số giải pháp phòng, chống tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Việc xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là công việc khó khăn, đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn diện và hệ thống giải pháp đồng bộ, cũng như phải kiên trì thực hiện với sự tham gia của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh việc can thiệp bằng các biện pháp pháp luật và hành chính từ chính quyền, cần đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức truyền thông phù hợp với tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy nét đẹp truyền thống, các tập tục có lợi trong hôn nhân và gia đình của các dân tộc nhằm gắn kết cộng đồng tham gia vào việc đẩy lùi và xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể:

Đối với chính quyền, đoàn thể

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; chú trọng lựa chọn nội dung có trọng tâm, biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng nữ giới, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người uy tín, thầy cúng, thầy mo trong công tác tuyên truyền, vận động. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối với cán bộ, đảng viên. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác ngăn chặn, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, hạn chế các luồng văn hóa ngoại lai độc hại xâm nhập vào địa bàn. Đưa các quy định của pháp luật (về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định và bảo đảm thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em…) vào hương ước, quy ước thôn bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa. Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra các giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. 

Đối với nhà trường

Xác định công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Các thầy cô giáo phải là những người đi đầu, là tấm gương cho học sinh về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Truyền thông cho học sinh về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết bằng cách trò chuyện trực tiếp với các em hoặc phát tin bài qua loa phóng thanh, qua các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, qua các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt Đoàn…

Mời những người có uy tín (già làng, trưởng bản, người nổi tiếng…) nói chuyện với học sinh về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết đồng thời kêu gọi các em tích cực tham gia vào hoạt động này.

Treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Phát tài liệu truyền thông (tờ rơi, tờ tin, sổ tay hỏi đáp pháp luật…) về hôn nhân gia đình, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Thành lập câu lạc bộ về sức khỏe sinh sản vị thành niên để tạo môi trường cho học sinh tham gia các buổi ngoại khóa về nhiều chủ đề trong đó có chủ đề phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Khuyến khích học sinh chia sẻ thông tin với những người trợ giúp (thầy cô giáo, chuyên gia tư vấn, cán bộ dân số, cán bộ bảo vệ trẻ em, nhân viên tổng đài bảo vệ trẻ em…) nếu các em có nguy cơ trở thành đối tượng của tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Đối với vị thành niên

Tham gia tích cực các hoạt động tập thể đặc biệt là các hoạt động phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở nhà trường và địa phương. Tích cực tìm hiểu các thông tin về tảo hôn và hôn nhân cận huyết, học tập theo các tấm gương đã vượt qua hủ tục này ở dân tộc mình, địa phương mình.

Thực hiện tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết tới ông bà, cha mẹ, bạn bè cùng lứa để mọi người đều nâng cao kiến thức và trở thành tuyên truyền viên phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong gia đình, dòng họ, tại địa bàn sinh sống.

Tóm lại, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hành vi vi phạm pháp luật và trái với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; là những hủ tục lạc hậu, vi phạm thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam; gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đẫn đến đói nghèo, lạc hậu. Mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng xã hội cần chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách về hôn nhân và gia đình, chung tay đẩy lùi và xoá bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần xây dựng xã hội giàu đẹp, văn minh.

Phương Linh

 

Xem tin theo ngày:   / /