Xác định việc kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực, hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng tính kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và với các địa phương trong khu vực, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.
Mặc dù trong điều kiện khó khăn chung, nhưng tỉnh đã nỗ lực, cố gắng huy động, tập trung, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, đầu tư các công trình, dự án trọng điểm về kết nối giao thông để liên kết vùng, tháo gỡ “điểm nghẽn”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, dự kiến hoàn thành trong năm 2023; dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1); đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi suối khoáng Mỹ Lâm; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu (Thái Nguyên) đến ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang); đường Ba Bể (Bắc Kạn) kết nối với Na Hang (Tuyên Quang); đường Chiêm Hóa - Lâm Bình; đường Chiêm Hóa - Na Hang; đường ĐT185 từ huyện Lâm Bình đi huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; xây dựng cầu Xuân Vân vượt sông Gâm, cầu Bạch Xa vượt Sông Lô; cầu Trắng vượt sông Phó Đáy và nhiều công trình, dự án quan trọng khác. Thực hiện có hiệu quả quy hoạch, định hướng phát triển giao thông vận tải kết nối liên vùng, đồng bộ, theo hướng hiện đại, hình thành mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn từ tỉnh đến huyện, huyện đến xã, thôn, bản và với các tỉnh lân cận.

Công nhân hối hả trên công trường
Triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, phát triển đô thị theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra; việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu dân cư, khu chức năng và kế hoạch phát triển đô thị, nhà ở, kế hoạch sử dụng đất... được tích cực triển khai thực hiện, đảm bảo chất lượng, đúng quy định. Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đô thị thành phố Tuyên Quang; Quy hoạch chung thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương; điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa; thị trấn Na Hang, huyện Na hang. Lập 13 quy hoạch chung đô thị mới; lập 12 đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh...
Tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng, phát triển thành phố Tuyên Quang theo định hướng đô thị loại I, đô thị xanh, đô thị thông minh; phát triển các đô thị động lực theo quy hoạch, kế hoạch. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa đạt 19,56%.
Hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã quy hoạch Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, liên thông, hiện đại. Triển khai xây dựng Cổng cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Tuyên Quang, dự kiến đến năm 2025, có 80% nhóm cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh sẽ hoàn thành. Hệ thống thông tin điều hành thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, đến nay 100% các cơ quan nhà nước được đầu tư nâng cấp, lắp đặt và thường xuyên sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Tuyên Quang (kết nối thông suốt ba cấp: tỉnh, huyện, xã), phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành với 169 điểm cầu. Triển khai xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành Đô thị thông minh; giám sát an toàn, an ninh thông tin 4 lớp cho các hệ thống dùng chung của tỉnh. Cải tạo, nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng cáp quang bảo đảm an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ sóng trên toàn tỉnh, đến nay đã đưa dịch vụ Internet cáp quang đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn; 1.573/1.733 thôn, bản, tổ dân phố sử dụng được Internet cáp quang, đạt gần 90,8%; từng bước thực hiện ngầm hóa các tuyến cáp quang tại một số địa bàn và trong các khu đô thị (Thành phố Tuyên Quang, các huyện: Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang; các khu đô thị mới như Vincom, Tân Hà, Mỹ Lâm…). Phủ sóng di động đến 1.655/1.733 thôn, bản, tổ dân phố, đạt gần 95,5%, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ trên hạ tầng băng rộng cố định và di động băng rộng. Toàn tỉnh có 1.315 vị trí lắp đặt trạm thu phát sóng BTS (01 vị trí lắp đặt nhiều loại trạm 2G, 3G, 4G), tăng 86 trạm so với cuối năm 2022; đang triển khai thử nghiệm 5G tại thành phố Tuyên Quang.

Cột phát sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Bên cạnh kết quả đạt được, nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tiến độ xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công một số dự án, công trình giao thông còn chậm. Công tác lập quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu tiến độ còn chậm; công tác quản lý trật tự đô thị có mặt chưa chặt chẽ; việc huy động, bố trí nguồn lực thực hiện công tác quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị còn hạn chế... Hạ tầng công nghệ thông tin có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ dùng chung hạ tầng viễn thông và ngầm hóa trên địa bàn tỉnh còn thấp...
Để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại tốt hơn nữa, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, kế hoạch, đề án về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin, về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trọng tâm là Nghị quyết số 33-NQ/TU ngày 22/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Hai là, thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025. Huy động nguồn lực, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh.
Ba là, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp Chương trình phát triển đô thị Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đảm bảo nâng cao chỉ tiêu đô thị hóa.
Bốn là, tiếp tục phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh phục vụ chuyển đổi số. Tăng cường chuyển đổi số trên các lĩnh vực, ưu tiên đầu tư hạ tầng, nền tảng số, phát triển kinh tế số và xã hội số; chuyển đổi nhận thức và xây dựng các nền tảng dùng chung cho toàn tỉnh; triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin khối đảng giai đoạn 2021-2025; hoàn thành xây dựng hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC); tập trung phát triển hạ tầng số; xây dựng cổng dữ liệu dùng chung, nền tảng và kho cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn tỉnh; phát triển thương mại điện tử; nền tảng và kho cơ sở dữ liệu các ngành; phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số của tỉnh./.
Mộc Miên