Lâm Bình - Một số giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả khâu đột phá “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng”

Thứ Năm, ngày 26 tháng 10 năm 2023 - 13:58 Đã xem: 2245

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững” là một trong hai khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lâm Bình.

Lâm Bình là huyện vùng cao của tỉnh, địa hình bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao mà chủ yếu là núi đá vôi và khe sâu; độ che phủ rừng chiếm trên 78%. Huyện có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 09 xã và 01 thị trấn, 100 thôn, bản; dân số trên 51 nghìn người với trên 10 dân tộc anh em cùng chung sống, dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, trong đó: Dân tộc Tày chiếm 62%, Dao trên 25%, Mông 6%, còn lại là các dân tộc khác. Đặc biệt, tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang có dân tộc Pà thẻn sinh sống, chiếm khoảng 02% dân số toàn huyện. Dân tộc Pà Thẻn có nét văn hóa đặc sắc, với Nghi lễ Nhảy lửa hết sức huyền bí.

Lâm Bình được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, trong đó phải kể đến: Danh thắng Quốc gia 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại, nơi được coi là Vịnh Hạ Long cạn giữa đại ngàn; Phong cảnh, núi non Khuôn Hà, Lăng Can; hòn Cọc Vài (cọc buộc trâu của chàng Khổng lồ Tài Ngào), Núi Đổ (địa phận giáp ranh giữa huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang và huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang); Đèo Ái Au, xã Thượng Lâm; đèo Tát Nga, Khau Cau, xã Phúc Yên… Mỗi danh lam, thắng cảnh đều có vẻ đẹp tự nhiên, kỳ vĩ và chứa đựng những sự tích, huyện thoại, gắn với sinh hoạt, đời sống ngàn đời của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Hòa quyện với núi rừng xanh thẳm và lòng hồ rộng lớn là các thác nước với nhiều tầng thác, nguyên sơ: Thác Khuổi Nhi, Nặm Me, Khuổi Súng, Tát Ngà,… trên khu vực Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình và nhiều danh thắng khác. Cùng với các danh lam, thắng cảnh, Lâm Bình còn có các di tích lịch sử, khảo cổ, tâm linh: Di tích Quốc gia Đền Pú Bảo, Chùa Phúc Lâm, Xưởng Quân Khí H52 của Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm, Đền Pác Vãng, Đền Bà Chủa (Bà Chúa); Chùa Ông, Chùa Bà, Đền Nà Thếm, Hang Phia Vài (nơi phát hiện 02 ngôi mộ táng có niên đại trên dưới 12 nghìn năm).

Nhân dân Lâm Bình cần cù lao động sản xuất và gìn giữ, phát triển vốn văn hoá truyền thống mang tính bản địa, từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, tín ngưỡng, tri thức dân gian, nghề truyền thống (nghề dệt thổ cẩm, nghề thêu, nghề rèn, mây giang đan, nghề làm bún cổ truyền,…), các làn điệu dân ca, dân vũ (hát Then, hát quan làng, hát Páo dung, hát cọi, múa khèn,…), trò chơi dân gian, kiến trúc nhà ở (nhà sàn của người Tày, nhà đất của người Dao, Pà Thẻn, nhà trình tường của người Mông…). Đến với Lâm Bình, du khách sẽ cùng hòa mình vào các lễ hội mang đậm màu sắc dân gian, độc đáo, thu hút đông đảo du khách tham gia như: Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày, Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ cấp sắc của người Dao, Lễ giã cốm, Lễ mừng cơm mới,… Mỗi lễ hội có một ý nghĩa, nét đẹp văn hóa độc đáo khác nhau, song đều thể hiện khát vọng của người dân cầu trời đất, các bậc thánh thần, tổ tiên phù hộ cho sức khỏe, làm ăn ngày càng phát đạt, bản làng yên vui, hạnh phúc.

Đảng bộ huyện xác định phát triển du lịch của huyện phải phù hợp với quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và những năm tiếp theo. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, huy động sự tham gia của toàn xã hội. Phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế tài nguyên và nền tảng phát triển du lịch của địa phương, nhất là di tích lịch sử, không gian, cảnh quan kỳ thú; bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc; con người thân thiện,… xây dựng thương hiệu du lịch nói chung, các sản phẩm du lịch cụ thể nói riêng có chất lượng cao, có tính đặc trưng, riêng có. Khai thác phải đi đôi với bảo vệ vững chắc tài nguyên du lịch của huyện, nhất là không gian cảnh quan, bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái, an ninh trật tự. Phấn đấu đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Những năm qua, huyện Lâm Bình đã chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như: Mô hình du lịch cộng đồng (homestay), thành lập các Câu lạc bộ: Hát Then (dân tộc Tày), hát Páo dung (dân tộc Dao), khôi phục các làng dệt thổ cẩm, lễ hội truyền thống của các dân tộc. Từ cuối năm 2016, huyện Lâm Bình triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (Homestay) đối với 15 hộ trên địa bàn các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can (tính đến nay tổng số hộ làm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện là trên 50 hộ). Đặc biệt, với mô hình xây dựng làng văn hóa gắn với du lịch tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm; thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can và phục dựng, bảo tồn văn hóa truyền thống, nghi lễ, nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn đã thu hút khách du lịch đến với Lâm Bình ngày một đông.

Với việc huy động các nguồn lực, cụ thể hóa các giải pháp nhằm phát triển du lịch, Lâm Bình đang ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Trung bình mỗi năm, tại Lâm Bình đều đón trên 100.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm (6 tháng đầu năm 2023 thu hút trên 82.000 lượt khách).

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt khâu đột phá “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững”, Lâm Bình xác định tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

Một là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Xác định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên kết vùng, xã hội hóa cao và mang tính văn hóa sâu sắc, có giá trị kinh tế cao, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là: Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch; huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Phối hợp xây dựng Danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế theo hướng khai thác, phát huy hiệu quả đi đôi với bảo tồn, bảo vệ vững chắc không gian, cảnh quan kỳ thú. Ưu tiên đầu tư, phát triển, nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; kết nối với huyện Chiêm Hóa, huyện Na Hang và huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

Ba là: Nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng đáp ứng thị trường. Phát triển sản phẩm du lịch mới mà huyện có tiềm năng như: Famestay, du lịch sinh thái, khám phá rừng nguyên sinh, du lịch mạo hiểm, du lịch sức khỏe. Khuyến khích nhà đầu tư xây dựng Bungalow tại Bản Cài, Khuôn Hà, Thượng Lâm và các điểm du lịch có tiềm năng, các điểm Check in, bán hàng. Củng cố và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đã hình thành: Như là du lịch lòng hồ, du lịch trải nghiệm văn hóa, Homestay theo hướng bản sắc, bền vững…

Du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm trên lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình

Hát then trên lòng hồ

Tập trung gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc: Tiếng nói, trang phục, văn hóa tín ngưỡng, tri thức dân gian, nếp nhà truyền thống, ẩm thực truyền thống,… nâng cao chất lượng dịch vụ trải nghiệm. Xây dựng lễ hội Lồng Tông và ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình; Lễ hội Nhảy lửa, Lễ Cấp sắc, Lễ mừng cơm mới thành sản phẩm du lịch.

Bốn là: Đẩy mạng ứng dụng khoa học và công nghệ; đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả quảng bá duy lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng kho học và công nghệ trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch, theo hướng hệ thống du lịch thông minh, tiến tới chuyển đổi số trong hoạt động du lịch của địa phương, nhất là xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch.

Năm là: Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch. Thực hiện quán triệt, tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn về chủ trương, chính sách, cơ chế của Trung ương, địa phương và định hướng của tỉnh, huyện về tạo môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch thực sự thuận lợi, hiệu quả cho cả nhà đầu tư và Nhà nước.

Sáu là: Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Xác định đây là một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng quyết định phát triển du lịch địa phương nhanh, bền vững. Tập trung các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nguồn nhân lực du lịch đảm bảo cả về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý, trọng tâm là đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động trực tiếp làm du lịch, đảm bảo có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề cao, đáp ứng yêu cầu, phù hợp với từng loại hình, sản phẩm du lịch.

Bảy là: Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; công khai, minh bạch các chính sách, quy hoạch, kế hoạch có liên quan để kêu gọi thu hút đầu tư; thực hiện đổi mới các thủ tục hồ sơ về giao đất, thuê đất theo hướng nhanh gọn, minh bạch; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, nhất là tại các địa điểm ưu tiên phát triển du lịch; tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu, khảo sát, triển khai dự án đầu tư, kinh doanh du lịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của huyện.

Đào Việt Dũng

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 45 | Trang: 1 trên tổng số 5 trang  
Xem tin theo ngày:   / /