Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào - Quyết sách những vấn đề quan trọng cho Tổng Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

Thứ Năm, ngày 26 tháng 10 năm 2023 - 14:52 Đã xem: 16023

Tháng 5/1945 diễn biến tình hình thế giới và trong nước ngày càng có lợi cho cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã quyết định rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để lãnh đạo cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa trong cả nước. Từ đây, Tân Trào trở thành Thủ đô Khu giải phóng, nơi chứng kiến những sự kiện mang tính bước ngoặt của cách mạng cả nước. Trong đó, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng với những quyết sách quan trọng có ý nghĩa lịch sử trọng đại cho tổng khởi nghĩa, đánh đổ chế độ thuộc địa, thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam từ nô lệ chuyển sang độc lập, tự do vào Tháng Tám năm 1945.

Lán Nà Nưa, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang-Nơi Bác Hồ ở trong thời gian lãnh đạo cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai chuẩn bị kết thúc với thắng lợi thuộc về phe Đồng minh. Quân đội các nước đế quốc với danh nghĩa Đồng minh chuẩn bị vào Đông Dương tước vũ khí quân Nhật. Tình hình thế giới có sự chuyển biến mau lẹ, tạo thuận lợi lớn cho cách mạng Việt Nam.

Trước những diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh khẩn trương chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Đảng. Giữa lúc công việc bộn bề  Bác bị lâm bệnh nặng, nhưng Người vẫn gượng làm việc rất nhiều, viết nhiều chỉ thị và thư hoả tốc gửi đi các hướng để triệu tập các đại biểu nhanh chóng về họp. Tình hình càng khẩn trương, Bác nói "Có thể thiếu một số đại biểu nào đó chưa về kịp cũng họp. Nếu không thì không kịp được với tình hình chung”. Người chỉ thị: "Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Theo tư tưởng đó, dưới sự chủ tọa của lãnh tụ Hồ Chí Minh, từ ngày 14 đến ngày 15/8/1945 tại căn lán đơn sơ làm vội (cách lán Bác ở và làm việc không xa) trong khu rừng Nà Nưa, xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), Hội nghị toàn quốc của Đảng đã được triệu tập. Tham dự Hội nghị có 30 đại biểu thay mặt cho gần 5.000 đảng viên thuộc các đảng bộ Bắc, Trung, Nam, đại biểu hoạt động ở nước ngoài, đại biểu khu giải phóng và các chiến khu, gồm các đồng chí: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Vũ Anh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Hà Huy Giáp, Lê Giản, Chu Văn Tấn, Lê Thanh Nghị, Song Hào, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Hữu Nam, Trần Huy Liệu, Trần Đăng Ninh, Vũ Oanh và một số đồng chí khác.

Tại Đại hội, lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Những nội dung cơ bản của báo cáo chứa đựng những vấn đề chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhiệm vụ cách mạng của Đảng và bầu bổ sung ủy viên Trung ương. Hội nghị nhận định: 1. Từ 09/3/1945 chính sách tàn ngược, vô nhân đạo của Nhật càng rõ rệt; 2. Nhân dân Đông Dương cực khổ, căm tức, cách mạng hoá; đến cả một phần quan lại cũng ngả về phe cách mạng; 3. Cao trào kháng Nhật, cứu nước do Đảng lãnh đạo ngày một mạnh mẽ sâu rộng khắp Bắc - Trung - Nam... Khu giải phóng và Quân giải phóng Việt Nam thành lập. Chính quyền địa phương của nhân dân đã lập trên sáu tỉnh Thượng du và Trung du Bắc Kỳ. Hơn một triệu đồng bào đã được hưởng quyền tự do dân chủ và được miễn trừ sưu thuế; 4. Nhật đổ, hàng ngũ chỉ huy của chúng ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm; quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần, bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ; 5. Quân Đồng minh sắp vào nước ta và đế quốc Pháp lăm le khôi phục lại địa vị cũ ở Đông Dương; 6.Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi chờ khởi nghĩa giành quyền độc lập; 7. Điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi.

Hội nghị chỉ rõ cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới. Từ đó, quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ phát xít Nhật và tay sai, trước khi quân Anh và Tưởng vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật và trước khi quân Pháp đưa lực lượng trở lại xâm lược nước ta.

Hội nghị quyết định mục đích của cuộc chiến đấu là giành độc lập hoàn toàn cho đất nước, thành lập chính quyền nhân dân, thi hành 10 chính sách của Việt Minh, định ra chính sách với Đồng minh, nhiệm vụ quân sự cần thiết, những nguyên tắc của kế hoạch tác chiến. Trong Hội nghị này các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp… được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Để đảm bảo lãnh đạo tổng khởi nghĩa thắng lợi, Hội nghị đề ra 3 nguyên tắc:

1. Tập trung: tập trung lực lượng vào những việc chính.

2. Thống nhất: thống nhất mọi phương diện, chính trị, hoạt động chỉ huy.

3. Kịp thời: kịp thời hành động không bỏ lỡ thời cơ.

Hội nghị xác định: "Phải tập trung lực lượng vào những chỗ cần thiết để đánh", "đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê", "Làm tan rã tinh thần quân địch và dụ chúng hàng trước khi đánh”. Trong tác chiến, phải tuân thủ nguyên tắc "Quân sự và chính trị phải phối hợp" . Lường định những khó khăn có thể gặp phải trong quá trình tiến công một số mục tiêu của địch, Hội nghị đề ra kế hoạch đối phó với những trường hợp quân ta phải thoái lui, nhằm "Giữ gìn đội ngũ, bảo toàn lực lượng”.

Ngoài việc quyết định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là lãnh đạo toàn quân, toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, Hội nghị còn đề ra những chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại cần phải thực hiện sau khi tổng khởi nghĩa thành công. Về đối nội: Phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức quần chúng - mà trước hết là đối với các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh; thông qua và ban hành 10 chính sách của Việt Minh, coi đó là chính sách cơ bản trước mắt của toàn Đảng, toàn dân; chú ý tới việc sản xuất nông nghiệp, trước hết là sản xuất lương thực. Về đối ngoại: Phải triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp, Anh, Mỹ, Tưởng; hết sức tránh trường hợp cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù; ra sức tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của thế giới, đặc biệt là nhân dân Pháp và nhân dân Trung Quốc; đánh tan âm mưu của thực dân Pháp định trở lại xâm lược nước ta và âm mưu của Tưởng Giới Thạch biến nước ta thành "một nước chư hầu".

Ngoài ra, Hội nghị cũng đề cập đến vấn đề đào tạo cán bộ, sử dụng và phân phối cán bộ hợp lý, hết sức giúp đỡ cán bộ Việt Minh, kết nạp đảng viên mới. Chú ý vấn đề kinh tế, vấn đề giao thông liên lạc. Đối với vấn đề kinh tế thì phải làm sao cho có lương thực và những thứ cần dùng cho kháng chiến, dù trong hoàn cảnh gay go cũng không thiếu. Đối với vấn đề giao thông liên lạc, phải đặc biệt củng cố giao thông giữa các xứ và các cấp đảng bộ; tích cực tổ chức giao thông trong các ngành vận tải; lập ban giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm tròn nhiệm vụ.

Tại Hội nghị cán bộ của Đảng, Đảng đã biểu dương tinh thần yêu nước cao cả của nhân dân Việt Nam, phát động phong trào thi đua yêu nước, thành lập mặt trận Liên Việt - Việt Minh, thực hiện các chính sách kinh tế, tài chính nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Ngày 15/8/1945, sau khi nhận được tin Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, lãnh tụ Hồ Chí Minh đề nghị Hội nghị mau chóng kết thúc để các đại biểu trở về địa phương lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử cách mạng nước ta. Hội nghị đã đề ra chủ trương khởi nghĩa kịp thời, đề ra kế hoạch khởi nghĩa đúng đắn và biểu thị sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân trong giờ phút quyết định. Những tư tưởng của Hội nghị còn có tác dụng chỉ đạo cách mạng sau khi giành được chính quyền, bảo vệ và phát huy thành quả cách mạng.

Những quyết sách quan trọng trong Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng có ý nghĩa chiến lược đã để lại những bài học vô cùng to lớn. Đó là bài học về xác định đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp của Đảng lãnh đạo; đó là bài học về dự báo thời cơ, nắm chắc thời cơ, không bỏ lỡ thời cơ; đó là bài học xây dựng lực lượng cách mạng, từ lực lượng chính trị đến lực lượng quân sự, huy động được lực lượng của toàn dân vào cuộc đấu tranh chung; đó là bài học về kết hợp thời, thế và lực để lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh; đó là bài học phân hoá kẻ thù, biết mình biết địch, nhân nhượng có nguyên tắc; đó là bài học về khởi nghĩa từng phần đi đến tổng khởi nghĩa toàn quốc để giành thắng lợi hoàn toàn cho một cuộc cách mạng.

Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng là một sự trọng đại trong đời sống chính trị của đất nước, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng về mọi mặt. Đại hội đã tổng kết một bước quan trọng lý luận cách mạng Việt Nam trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền và tiến hành Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước.

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khẳng định toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Mốc son ấy đã, đang và luôn luôn tỏa sáng, thôi thúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tạo ra thế mới, lực mới… thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Văn Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lịch sử khu căn cứ cách mạng Tân Trào, Nxb. Quân đội nhân dân, năm 2006.

2. Tuyên Quang Thủ đô Khu giải phóng trong cách mạng Tháng Tám và cách mạng Tháng Tám với công cuộc đổi mới đất nước (Kỷ yếu hội thảo), Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2015.

3. Ngô Quân Lập: Khu di tích Quốc gia đặc biệt tân Trào, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2014.

Xem tin theo ngày:   / /