Phong tục cưới hỏi của dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang

Thứ Năm, ngày 26 tháng 10 năm 2023 - 14:59 Đã xem: 4212

Dân tộc Sán Dìu ở Tuyên Quang sinh sống tập trung ở một số xã của huyện Sơn Dương, như: Sơn Nam, Ninh Lai, Thiện Kế. Dân tộc Sán Dìu có nhiều nét độc đáo về các nghi lễ như nghi lễ cúng cơm mới, cúng thần rừng, lễ Đại Phan... Đặc biệt, không thể không nói đến phong tục cưới hỏi.

Lễ rước dâu ở xã Ninh Lai, Sơn Dương có kèm theo một cặp trâu mẹ con làm của hồi môn (Ảnh: Quang Hòa/baotuyenquang)

Các nghi lễ trong đám cưới theo phong tục của người Sán Dìu ở Tuyên quang trải qua các bước sau:

Dạm hỏi

Nhà trai nhờ ông mối mang trầu cau sang nhà gái đặt vấn đề, nếu nhà gái đồng ý thì xin tuổi của cô gái về so với tuổi chàng trai xem có hợp nhau hay không.

Lễ báo hợp mệnh

Khi so tuổi đôi trẻ thấy hợp nhau thì nhà trai tiến hành lễ báo hợp mệnh. Khi đến nhà gái, nhà trai mang theo lễ vật nhỏ gồm chục quả trứng gà cùng với trầu cau, một đồng 2 hào bạc trắng, bánh khảo… Cô gái sẽ ra tiếp khách để chàng trai xem mặt. Nếu ưng, nhà trai sẽ cử ông mối sang báo cho nhà gái. Đồng thời cũng nhờ thầy bói chọn ngày tốt rồi hẹn nhà gái ngày nhà trai sang ăn hỏi.

Lễ hỏi bạc

Nhà trai cử ông mối cùng đại diện gia đình sang nhà gái mang theo trầu cau, bánh khảo, chè… Hai bên gia đình cùng nhau bàn bạc, nhà gái sẽ thông báo thách cưới bao nhiêu để nhà trai chuẩn bị. Thông thường, lễ vật gồm đồng bạc trắng, tiền mặt, gà trống thiến, gạo, quả cau, chai rượu, thịt lợn.

Sang bạc

Nhà trai mang lễ vật thách cưới sang giao cho nhà gái trước một nửa. Số còn lại sẽ giao vào hôm cưới. Khi sang bạc xong, ông mối sẽ đem tuổi cô giáo, trong đó đủ ngày tháng năm sinh, để nhờ thầy cúng chọn ngày lành, tháng tốt làm đám cưới.

Đám cưới

Lễ cưới của cô dâu và chú rể được diễn ra trong sự chuẩn bị chu đáo của hai bên gia đình. Theo phong tục, thường đón dâu vào buổi chiều ngày thứ nhất, chú rể không đi đón dâu. Đoàn đón dâu gồm: Trưởng làng (quan lang chính), ông mối, một số người nhà trai mang lễ vật, bạn chú rể, một cô phù dâu. Khi đoàn nhà trai đến cổng, nhà gái chăng dây và hát đố, quan lang nhà trai phải hát giải thì đoàn mới được vào nhà nếu không hát giải được phải nộp tiền phạt.

Sau khi vào nhà, quan lang bàn giao nốt lễ vật cho nhà gái, hai họ ăn tối xong tổ chức lễ “khai hoa tửu”. Đây là một trong những lễ không thể thiếu trong đám cưới của người Sán Dìu. Lễ vật được nhà trai mang sang là một chiếc chum nhỏ đặt trong một chiếc giỏ đan cầu kỳ, vừa vặn có kết hoa giấy màu. Trong chum đặt hai quả trứng đã luộc chín có hai sợi chỉ đỏ xuyên qua và buộc vào mỗi bên quả trứng hai đồng xu; trứng đặt trên một cái đĩa lót giấy trắng, đỏ cắt hình hoa; hai quả cau. Lễ vật được đặt lên bàn thờ, nhà gái ra câu đố để quan lang nhà trai đối lại. Sau đó, hai quả trứng được bóc, lấy lòng đỏ hoà vào rượu để mọi người cùng chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Người cao tuổi uống trước, người trẻ uống sau. Thanh niên hát Sọong cô chúc mừng hạnh phúc cô dâu, chú dể.

Sáng hôm sau, nhà gái tiếp tục làm cỗ mời họ hàng, làng xóm. Đến chiều, nhà trai sẽ đón dâu đi. Cô dâu đội hai tấm khăn dài màu đỏ trên đầu được anh trai cõng khoảng ba bước chân ra khỏi giọt gianh. Trên đường về nhà trai, mỗi khi qua suối hay giếng nước, cô dâu ném tiền xu xuống nước.

Xẩm tối, khi về đến nhà chồng, nhà trai mang trầu, nước ra mời đoàn nhà gái vào nhà. Cô dâu đi thẳng vào buồng, đến cửa, chú dể sẽ cướp lấy một chiếc khăn trên đầu cô. Nhà trai nhờ người khoẻ mạnh, hạnh phúc, con cái có đủ trai gái, tháo vát trong  làm ăn trải đôi chiếu lên giường cô dâu. Trên giường, đặt mười quả cau ở các vị trí như: Bốn góc giường, chính giữa giường, mục đích là để cầu mong cho đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc bền chặt.

Tối hôm đó, nhà trai làm cơm mời họ hàng hai bên chúc mừng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Buổi sáng, cô dâu đun nước, pha trà mời ông bà, cha mẹ, anh chị chồng và bưng chậu nước kèm theo chiếc khăn mới để bố mẹ chồng rửa mặt. Sau tiệc cưới, các chị em ruột hoặc chị em họ chú rể hướng dẫn cô dâu đến nhận mặt từng người thân trong gia đình và dòng họ. Cô dâu mới nhận được lời chúc phúc, khuyên răn của các bậc bề trên.

Lễ lại mặt

Ngày thứ tư kể từ khi cô dâu xuất giá, cô cùng mẹ chồng, em chồng…mang gà luộc hoặc chân giò lợn, rượu về nhà gái. Nhà gái làm lễ cúng gia tiên xong, cô dâu đi thăm hỏi bà con làng xóm rồi về ở hẳn bên nhà chồng.

Ngày nay, phong tục cưới hỏi của dân tộc Sán Dìu đã có một số nét thay đổi, một số nghi lễ đã trở nên giản tiện hơn... Tuy vậy, ở thời điểm nào, đám cưới vẫn là một trong những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của mỗi một người Sán Dìu. Phong tục cưới hỏi vẫn là dịp gắn kết tình cảm giữa con người với con người, giữa cá nhân với gia đình, làng xóm; là dịp lưu giữ trao truyền những giá trị đạo lý, nhân văn./.

Mộc Miên

Tài liệu tham khảo:

1. Các dân tộc ở Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Nxb CTQG, H.2015

2. Địa chí Tuyên Quang, Nxb CTQG, H.2014

Xem tin theo ngày:   / /