Ngày 21/12/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 88/NQ-HĐND thông qua Đề án xây dựng nhà văn hoá thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025. Việc triển khai Đề án đạt hiệu quả sẽ nâng cao chất lượng Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, hoạt động thể thao, đặc biệt đối với Nhân dân ở vùng nông thôn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa các vùng trong tỉnh.
Nhà văn hóa thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn được xây mới khang trang (Ảnh: Quang Đán-TTXVN)
Nhà văn hoá thôn, tổ dân phố là thiết chế văn hoá cơ sở giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; là nơi truyền tải và tiếp nhận những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cung cấp các kiến thức về khoa học kỹ thuật trong sản xuất và phát triển kinh tế cho mọi người dân; nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của Nhân dân, góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện về thể lực và trí lực. Xác định rõ vai trò quan trọng của thiết chế văn hoá ở cơ sở, trong thời gian vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã nghị quyết thông qua Đề án xây dựng nhà văn hoá, thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, năm cuối của giai đoạn thực hiện Đề án, toàn tỉnh sẽ có trên 1.400 nhà văn hoá thôn, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Trước đó, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hoá, với phương thức “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, toàn tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gần 600 nhà văn hoá thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên, nâng tổng số nhà văn hoá đạt chuẩn theo quy định trong toàn tỉnh lên trên 1.200 nhà văn hoá thôn, tổ dân phố. Các mục tiêu cụ thể đưa ra trong Đề án của giai đoạn 2021-2025 là đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 220 nhà văn hoá, thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên.
Ngày 11/9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tuyên Quang đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện. Trong đó, mục tiêu xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện với những đặc tính tốt đẹp “Yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, trí tuệ, kỷ cương, sáng tạo”. Chỉ thị ra đời đã đánh dấu mốc quan trọng cho sự nghiệp văn hoá của tỉnh, đề ra các nhiệm vụ giải pháp để văn hoá là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh, là mục tiêu và động lực để xây dựng Tuyên Quang phát triển toàn diện, bền vững; trong đó có nhiệm vụ: “nâng cao chất lượng hạt động các thiết chế văn hoá ở cơ sở”, “Tăng cường xây dựng, triển khai các đề án, chương trình phát triển văn hoá”. Các nhiệm vụ để cụ thể hoá Chỉ thị số 07-CT/TU cần được cơ quan, ban, ngành liên quan quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong đó có nhiệm vụ xây dựng nhà văn hoá thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng nhà văn hoá thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên, ngày 09/8/2023, qua báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Ban Chỉ đạo đã đánh giá trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án còn một số khó khăn, hạn chế, việc xây dựng còn chậm (tính đến tháng 9/2023 đạt khoảng 38,9% so với kế hoạch đề ra); tiến độ thực hiện hỗ trợ chậm; việc vận động Nhân dân hiến đất xây dựng nhà văn hoá còn gặp khó khăn... Để có được giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án, các cơ quan thành viên đã tập trung tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 230/KH-UBND ngày 29/9/2023 về Thực hiện Đề án xây dựng nhà văn hoá thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2023.
Trong thời gian tới, để triển khai theo đúng kế hoạch đã đề ra, tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp cụ thể như:
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Nghị quyết số 88/NQ-HĐND ngày 21/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh và nội dung Kế số 230/KH-UBND ngày 29/9/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh trên các phương tiện truyền thông, các hoạt động tuyên truyền chuyên đề, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân trong xây dựng nhà văn hoá thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên. Tuyên truyền vận động Nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, tham gia đóng góp, ủng hộ nguồn lực, ngày công để hoàn thành kế hoạch xây dựng nhà văn hoá thôn, tổ dân phố, tham gia cải tạo trồng cây xanh, trồng hoa, làm đẹp khuôn viên; giữ gìn cảnh quan, môi trường, bảo vệ tài sản chung của nhà văn hoá.
Thực hiện phân bổ hợp lý nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, cân đối, bố trí nguồn ngân sách địa phương, vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu thực hiện trên địa bàn tỉnh; huy động sự đóng góp tự nguyện của Nhân dân trên cơ sở phù hợp với khả năng đóng góp từ cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới để thực hiện hoàn thành kế hoạch năm 2023.
Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng nhà văn hoá thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên cần tăng cường công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở.
Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động nhà văn hoá; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức hoạt động nhà văn hoá, khu thể thao thôn, tổ dân phố cho ban chủ nhiệm nhà văn hoá, cán bộ trực tiếp quản lý nhà văn hoá thôn, tổ dân phố. Tổ chức nhiều loại hình hoạt động văn hoá, thể thao, học tập cộng đồng, phát triển các câu lạc bộ về lĩnh vực văn hoá, thể thao để thu hút người dân tham gia hoạt động tại hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao thôn, tổ dân phố.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển văn hoá là nhiệm vụ quan trọng của các cấp uỷ, chính quyền trong tỉnh; việc chỉ đạo nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển văn hoá cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh, là mục tiêu và động lực để xây dựng Tuyên Quang phát triển toàn diện, bền vững.
Hoàng Mai