
Ảnh minh họa: Tất Thắng
Danh dự của người đảng viên là gì? Vì sao phải giữ cho được danh dự của người đảng viên?
Danh dự của người đảng viên trước hết là sự coi trọng, tôn trọng của xã hội đối với đảng viên đó, là phẩm chất và uy tín của người đó trước quần chúng. Danh dự đảng viên có được là kết quả của quá trình rèn luyện, đúc kết trong thực tiễn quá trình làm việc, cống hiến. Người có danh dự, có lòng tự trọng, biết giữ danh dự không bao giờ làm những việc ảnh hưởng đến cơ quan, gia đình và dòng họ. Họ không vì lợi ích cá nhân, nghĩ đến cá nhân mình trước lợi ích của tập thể. Họ làm mọi việc đều “dĩ công vi thượng”, đặt việc công lên trên, trước việc tư.
Ông cha ta đã đúc kết: “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Danh dự của một cá nhân đảng viên là do quá trình phấn đấu, rèn luyện cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống để có thể vượt qua những khó khăn, thách thức, những cám dỗ của cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, danh dự cũng dễ dàng mất đi khi chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy, không thắng nổi bản thân, ham muốn vật chất, công danh, phú quý, những thứ không thuộc về cá nhân nhưng lại muốn nó thuộc về mình. Để có được danh dự và uy tín không dễ dàng. Bản thân đảng viên phải gương mẫu, có phẩm chất đạo đức, trung thành với Đảng, tận tụy với Nhân dân, vượt qua mọi cám dỗ vật chất tầm thường. Nếu đảng viên thiếu cảnh giác, không vượt qua được chính mình thì chỉ cần một phút buông thả là có thể dẫn đến những sai lầm lớn không bao giờ có thể sửa chữa, làm mất uy tín cá nhân và làm hại đến thanh danh của tổ chức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của Nhân dân” (1).
Thực tế, một số đảng viên đã sa vào chủ nghĩa cá nhân, bất chấp việc gìn giữ thanh danh, uy tín nhiều năm qua của chính mình, đã lợi dụng chức, quyền để ăn cắp của công, tham ô, tham nhũng. Những người này đã thoái hóa, biến chất, sa sút phẩm chất đạo đức, làm mất đi danh dự và lòng tự trọng. Trong số đó, có cả những người đã từng giữ chức vụ lãnh đạo cao trong Đảng, có người đã từng đóng góp trong cuộc kháng chiến của dân tộc, có uy tín khá lớn trong quần chúng; có người từng là thầy giáo dạy giỏi, đứng trên bục giảng nhiều năm; có những bác sĩ được mệnh danh “bàn tay vàng” trong y học nhưng chỉ vì không chiến thắng được bản thân, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống đã làm mất danh dự của chính mình và làm ảnh hưởng đến Đảng.
Đảng viên cần giữ danh dự của cá nhân, cũng là gìn giữ, bảo vệ thanh danh cho Đảng. Bởi nếu cá nhân đảng viên tham lam, vụ lợi, đánh mất đi danh dự của cá nhân thì sẽ làm mất niềm tin của Nhân dân với Đảng, là nguyên nhân làm cho Đảng suy yếu, ảnh hưởng đến cả chế độ.
“Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất của mỗi đảng viên”; “Phải giữ cho được tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng”, đó là lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Đại hội đại biểu đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tổng Bí thư đã lấy tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh để truyền đi thông điệp về học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Cán bộ, đảng viên có đạo đức, được tôi luyện, rèn giũa, có bản lĩnh chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức trong sáng sẽ đứng vững trước cám dỗ của cuộc sống, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Vì vậy, phải thường xuyên chăm lo, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên, như “rửa mặt mỗi ngày” để không làm mất đi danh dự của người đảng viên trước Đảng và Nhân dân.
Trách nhiệm của đảng viên là gì? Vì sao phải nêu cao trách nhiệm của đảng viên?
Trách nhiệm của đảng viên là những việc mà đảng viên phải làm và phải có ý thức trước những việc làm đó để giữ gìn và bảo vệ, nâng cao uy tín của Đảng. Trước hết, đảng viên phải nói, viết, làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với dân, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân để trên cơ sở đó, Đảng đề ra những chủ trương, chính sách đúng, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân. Đảng viên phải thực sự gương mẫu, làm “mực thước” về mọi mặt để quần chúng Nhân dân noi theo, cả về phẩm chất đạo đức, tư cách và năng lực làm việc, lối sống trong sạch, tận tụy, gần gũi với Nhân dân, hết lòng vì Nhân dân. Đảng viên phải có mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, có nhãn quan chính trị, trình độ nhận thức và vốn sống, tận tụy hy sinh vì tập thể.
Đảng viên phải nêu cao trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Trước hết, đảng viên phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, lệch lạc, tư tưởng lạc hậu, thù địch. Trước những thông tin bịa đặt làm cho niềm tin của Nhân dân với Đảng bị giảm sút, người đảng viên cần tỏ rõ quan điểm của mình, đồng thời tuyên truyền để người thân, gia đình, dòng họ, quần chúng Nhân dân nơi cư trú thấy rõ những thông tin sai trái, bịa đặt. Đồng thời, đảng viên có trách nhiệm tuyên truyền những gương người tốt, việc làm hay, tích cực để lan tỏa những điều tốt đẹp, “lấy hoa thơm lấn át cỏ dại”.
Thực tế có một số đảng viên vì chủ nghĩa cá nhân đã cố tình không thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình mà chỉ quan tâm đến lợi ích của cá nhân, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa”, làm ảnh hưởng đến Đảng, không xứng đáng với danh hiệu đảng viên cộng sản.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(2). Người đảng viên phải thực sự mẫu mực, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, vì Nhân dân phục vụ thì mới nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm của quần chúng, có điều kiện để thực hiện trách nhiệm của đảng viên.
Để gìn giữ, bảo vệ danh dự và nêu cao tinh thần trách nhiệm của đảng viên, trước hết mỗi người cần không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị, nâng cao “sức đề kháng” trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đặc biệt không sa ngã trước sự cám dỗ của vật chất; Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, làm những việc tốt để nêu gương cho quần chúng, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Việc làm mất đi danh dự và uy tín của đảng viên, không nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện lời thề danh dự trước Đảng là những hành động và việc làm hoàn toàn xa lạ đối với đảng viên cộng sản, những người nguyện suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Đảng ta cũng đã nhiều lần chỉ ra cần phải thi hành kỷ luật những cán bộ, đảng viên không có đủ uy tín và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng. Mỗi đảng viên, cần giữ gìn danh dự và uy tín của mình, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm để xứng đáng là người đảng viên cộng sản, thực hiện nghiêm túc lời thề danh dự trước cờ Đảng.
Nguyễn Nhung
- Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2011, tập 11, tr 611
- Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2011, tập 6, tr 16