Bồi đắp niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cho thanh niên

Thứ Sáu, ngày 10 tháng 11 năm 2023 - 17:31 Đã xem: 4346

Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia. Trong sức mạnh của dân tộc có một phần quan trọng là sức mạnh của thanh niên, thanh niên mạnh thì dân tộc mới mạnh. Vì vậy, giáo dục, rèn luyện để tạo nên sức mạnh cho thanh niên là một việc hết sức quan trọng và cần thiết.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và quan tâm đến thanh niên. Theo Người: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”(1). Trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, Người viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(2).

Học tập và làm theo chỉ dẫn của Người, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm giáo dục thanh niên. Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, thanh niên luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, hăng hái tiên phong trên mọi lĩnh vực, có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Lịch sử Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những phong trào cách mạng của tuổi trẻ trong đấu tranh giải phóng dân tộc như: “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”; “Tòng quân giết giặc lập công; “Ba sẵn sàng”… Trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thanh niên đã và đang phát huy truyền thống cha anh, có ý chí vươn lên lập thân lập nghiệp, xung kích, sáng tạo trên các lĩnh vực của cuộc sống, xây dựng và phát triển đất nước. Nhiều phong trào Thanh niên tình nguyện, Học tập và làm theo Bác… được thanh niên tham gia sôi nổi, nhiệt tình.

Trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”(3). Trong các hoạt động chăm lo, phát triển thanh niên, bồi đắp niềm tin cho thanh niên vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là một nội dung đặc biệt quan trọng.

Bồi đắp niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cho thanh niên là toàn bộ những hoạt động giáo dục, rèn luyện thanh niên nhằm làm phong phú thêm tri thức, tư tưởng, tình cảm của thanh niên để họ có niềm tin vững chắc vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Từ thực trạng hiện nay: một bộ phận thanh niên phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, mơ hồ về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; thiếu động cơ phấn đấu vươn lên, ngại khó, ngại khổ, sống bàng quan, thờ ơ trước những vấn đề chính trị - xã hội của đất nước; ưa thích lối sống thực dụng, buông thả, chạy theo trào lưu xã hội nhất thời, không phù hợp với thuần phong mỹ tục … Thực tế đó đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ phải tăng cường bồi dưỡng đạo đức, lối sống, lý tưởng, niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay.

Để bồi đắp niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cho thanh niên, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho thanh niên. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các nhà trường cần coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên. Thông qua đó, thanh niên thấy được công lao to lớn của các thế hệ đi trước đối với đất nước, từ đó nhận thức được vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế.

Triển khai có hiệu quả Đề án số 06-ĐA/TU ngày 31/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025 gắn với thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Hai là, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong phát hiện, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão cho thanh niên, trong đó cần “đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”(4). Công tác phát hiện, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão cho thanh niên cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để hình thành tầng lớp thanh niên sống có lý tưởng, khát vọng xây dựng và cống hiến cho đất nước.

Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động của thanh niên trong tự bồi dưỡng, tự rèn luyện. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Bản thân mỗi thanh niên phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, cầu tiến bộ; dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn”(5). Mỗi thanh niên phải thường xuyên tu dưỡng, phấn đấu, rèn phẩm chất đạo đức trong sáng, khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ, phấn đấu vươn lên, đổi mới sáng tạo trong học tập và lao động, góp sức cho công cuộc đổi mới đất nước, theo tinh thần: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…”./.

 Nguyễn Nhung

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2021, tập 5, trang 216

(2) Sđd, tập 15, trang 612

(3); (5) Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NXBCTQGST, Hà Nội, 2022, trang 310; 312-313

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, NXBCTQGST, Hà Nội, 2021, tập I, tr 144

 

Xem tin theo ngày:   / /