Độc đáo cọn nước vùng cao

Thứ Tư, ngày 15 tháng 11 năm 2023 - 14:31 Đã xem: 3180

Cọn nước ra đời bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên, môi trường sống của người Tày, từ nhu cầu thủy lợi ở vùng cao. Người Tày ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu ở các huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa. Bản làng của người Tày thường ở dưới chân núi, thung lũng, gần các dòng sông, suối, được bao bọc xung quanh bởi những dãy núi.

Vẻ đẹp cọn nước vùng cao

 

Do đặc điểm lựa chọn vị trí cư trú gần các dòng suối nên từ xa xưa, các cư dân Tày đã sớm biết chế tạo và sử dụng cọn nước như một chiếc máy dẫn nước vào tưới đồng ruộng, phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc dẫn nước về bản làng để sinh hoạt. Không chỉ giúp giảm bớt sức lao động trong việc vận chuyển nước, những chiếc cọn nước bình dị còn là những công trình sáng tạo độc đáo của đồng bào, đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt của bà con.

Cọn nước không đơn thuần chỉ là một công trình thủy lợi mà đã trở thành một bản sắc văn hóa độc đáo của người Tày, góp phần làm phong phú cho kho tàng văn hóa các dân tộc của Việt Nam. Chiếc cọn nước được ra đời, đó là sản phẩm của nền “văn minh nương rẫy”, mà chủ nhân của nó chính là các cư dân bản địa người Tày cư trú và sinh sống lâu đời, khai phá những vùng đất hoang hóa để trở thành những bản làng trù phú như ngày hôm nay.

Trên địa bàn huyện Chiêm Hóa có 74 chiếc cọn; huyện Lâm Bình có 6 cọn; trên địa bàn huyện Na Hang có 7 cọn. Hầu hết đồng bào Tày đều biết qui trình làm cọn nước. Bước vào tháng Chạp hàng năm, bà con dân tộc Tày ở các xã lại nô nức đổi công làm cọn. Đàn ông lớn tuổi phụ trách khâu kỹ thuật, thanh niên trai tráng, phụ nữ phụ chặt gỗ, chặt tre, chẻ lạt, đan phên...

Làm cọn nước đòi hỏi sự công phu, cẩn thận, tỉ mỉ và khả năng tư duy chính xác. Mỗi chiếc cọn được hoàn thành là một công trình kiến trúc vừa giúp dẫn nước vừa mang dấu ấn riêng, có “hồn” riêng bởi cọn nước chính là nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Vì vậy, người làm cọn nước sẽ cẩn trọng lựa chọn từng cây nứa, cây tre, cây vầu, tỉ mỉ với từng nút thắt, mối nối…Mỗi chiếc cọn nước đều được ví như những tác phẩm nghệ thuật đặc trưng của người Tày Tuyên Quang.

Cấu tạo cọn nước gồm có các bộ phận sau:

Hệ thống đập giữ nước

Đập giữ nước là một bộ phận quan trọng để tạo ra sức nước giúp cọn nước chuyển động được. Đập giữ nước được làm bằng những phên đan bằng tre, trúc khá đơn giản hoặc chỉ ghép các thanh tre đập dập lại với nhau. Sau đó, dùng hai cây tre hoặc thân cây gỗ ép lại vào nhau, để giữ cho các tấm phên không bị xê dịch, rồi đặt ngang xuống dòng suối. Để giữ cho các tấm phên tre không bị trôi, đồng bào thường đặt đá cuội được gom từ lòng suối vào các lồng bằng tre và buộc cố định vào các tấm phên. Ở những con suối nhỏ, ít nước, có độ dốc không lớn người dân phải dùng cây tre, đá cuội, đá tảng, sỏi vây chắn dòng suối đắp thành những con đập nhỏ để giữ và điều tiết nước đảm bảo cho cọn có đủ nước để hoạt động.

 Khung guồng

Là bộ phận để giữ cho cọn nước được đứng vững không bị đổ, khung guồng còn có một công năng khác đó là định vị trục của guồng quay.

Khung guồng thường được làm bằng các đoạn cây tre hoặc gỗ, được chôn cố định theo phương thẳng đứng và song song với guồng quay. Ở vị trí đặt trục của guồng nước, chôn mỗi bên hai đoạn tre xuống lòng suối sao cho vuông góc với trục, nối hai cọc tre với một thanh ngang, có chiều cao đúng bằng bán kính của guồng nước để đỡ và định vị trục của guồng quay.

Ngoài ra, ở bộ phận khung guồng còn được bố trí thêm các cây chống để đỡ cho cọn nước không bị nghiêng.

 Guồng quay

Guồng quay là bộ phận quan trọng nhất của hệ thống cọn nước. Khi guồng quay, nước sẽ được vận chuyển từ suối lên tới điểm cao nhất của guồng nhờ có bộ phận ống múc nước đổ xuống máng chứa nước. Kích thước các cọn nước có khác nhau nhưng về nguyên lý hoạt động đều giống nhau.

Các nan tre, nứa có kích thước bằng nhau, được cắm vào trục quay đan chéo nhau (có cấu tạo gần giống với cấu tạo của bánh xe đạp). Người làm cọn buộc cố định các vòng tròn đồng tâm bằng lạt tre hoặc lạt giang, để giữ cho các nan tre không bị xê dịch. Đầu kia của các thanh tre được buộc cố định vào hai vòng tròn lớn. Hai vòng tròn song song với nhau, được uốn bằng tre tươi và được nối với nhau bằng các thanh ngang. Ở khoảng giữa các thanh ngang buộc các phên gạt nước và các ống múc nước.

Phên gạt nước

Là các tấm cánh quạt được đan bằng nứa đập dập, gắn vào vòng ngoài của cọn. Phên gạt nước có kích thước phù hợp với kích cỡ cọn nước, những tấm cánh quạt đóng vai trò như những cánh tua bin. Khi nước chảy đẩy vào các cánh quạt sẽ làm quay toàn bộ chiếc cọn nước. Phên được đan nong mốt, hình chữ nhật có kích thước khoảng 20cm x 30cm. 

Ống múc nước

Đây là bộ phận làm nhiệm vụ múc nước từ suối lên trên guồng và đổ vào máng chứa nước. Ống múc nước được làm bằng tre, vầu, nứa có đường kính miệng khoảng từ 5-7cm và cao khoảng 30cm, một đầu được cắt từ các đốt của cây nứa, tre còn miệng ống được cắt vát. Ống được đặt chếch trên guồng quay một góc so với các thanh ngang và được bố trí đều trên khắp guồng quay, đầu ống vát hướng lên và được đặt theo chiều của guồng quay. Khi ống múc nước lên tới điểm cao nhất của guồng quay, ống phía đầu vát sẽ đổ nước xuống máng chứa nước.

     Máng đựng nước

Máng đựng nước được làm từ một khúc gỗ mềm đục rỗng giữa hoặc máng tre, vầu già đục bỏ đốt tạo máng. Máng có hình dáng giống như chiếc loỏng đập lúa của đồng bào Tày. Máng đựng nước được đặt ở bên cạnh và trên gần điểm cao nhất của guồng nước. Khi cọn quay nước được lấy từ suối lên nhờ hệ thống ống múc nước sẽ được đổ về máng chứa nước. Lòng máng được đục những lỗ nhỏ để lắp các ống dẫn nước vào.

Ống dẫn nước

Ống dẫn nước là một hệ thống các ống tre, vầu, ghép lại với nhau. Tùy theo khoảng cách từ cọn nước tới các thửa ruộng hay chỗ dùng để sinh hoạt mà làm ống dẫn nước có chiều dài cho phù hợp. Đồng bào thường lấy những thân cây tre vầu to và thẳng, mang về bổ đôi, róc bỏ hết các đốt tre, tạo thành máng. Sau đó, lắp ống dẫn nước vào những lỗ đã đục sẵn trên thân máng nước để dẫn nước từ máng chứa nước về đồng ruộng.

Cọn nước gắn liền với phương thức canh tác truyền thống của đồng bào dân tộc Tày Tuyên Quang

Cọn nước là hệ thống dùng sức nước để hoạt động. Khi nước chảy qua guồng sẽ tạo ra một lực đẩy, tiếp xúc với bề mặt của phên gạt nước được đặt trên guồng quay, nhờ đó mà chiếc cọn có thể chuyển động được. Cọn nước quay theo chiều ngược kim đồng hồ và cùng chiều với dòng nước chảy. Khi cọn chuyển động, các ống múc nước buộc chếch trên bề mặt của guồng quay sẽ tiếp xúc với dòng nước, nước sẽ được dồn đầy vào ống và chuyển lên tới điểm cao nhất của chiếc cọn. Sau đó đổ vào máng đựng nước được bố trí bên cạnh. Nước theo các ống dẫn dồn về các thửa ruộng hay các hộ gia đình để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.

 Cọn nước được dựng bên cạnh suối để vừa đảm bảo cọn luôn quay tròn vừa đưa nước lên ruộng đều đặn. Vào cuối vụ gặt, bà con sửa chữa lại những chiếc cọn nước để chuẩn bị lấy nước cho mùa sau. Nhờ những chiếc cọn nước, từ lâu việc tưới tiêu nước phục vụ sản xuất của đồng bào các dân tộc ở các xã Tân An, Trung Hà, Hà Lang, Tân Mỹ, Minh Quang huyện Chiêm Hóa; xã Côn Lôn, huyện Na Hang; xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình luôn được duy trì, đảm bảo. Đặc biệt, đồng bào Tày không những sử dụng cọn nước để tưới tiêu, phục vụ đời sống sinh hoạt mà còn sự dụng cọn nước là công cụ để giã gạo. Với nhịp quay chậm rãi, đều đều, mỗi lần nước đổ xuống từ vòng quay, chiếc chày giã gạo lại được nâng lên hạ xuống theo lực đẩy của nước. Một thời gian rất dài, đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang đã giã gạo bằng sự sáng tạo độc đáo như vậy.

Trong các loại công trình thủy lợi ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình cọn nước là công trình thủy lợi truyền thống, sử dụng sức nước để đưa nước từ sông, suối lên tưới cho các khu ruộng cao hơn mặt nước. Cọn nước là công trình tưới tiêu được chính người nông dân trong quá trình lao động sản xuất sáng tạo, được xây dựng bằng các vật liệu sẵn có như gỗ, tre, vầu, nứa, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của của người dân địa phương.       

Mỗi vòng quay của cọn nước người Tày ẩn chứa trong đó sự trăn trở, tìm tòi và khả năng sáng tạo độc đáo. Từ những loại vật liệu tự nhiên sẵn có trong rừng, trên đồi, qua bàn tay tài hoa, khéo léo của đồng bào Tày, cọn nước được tạo nên vừa tròn trịa vừa chắc chắn. Những guồng quay chậm rãi, nhịp nhàng của cọn nước mang giá trị văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của người Tày Tuyên Quang. Mỗi cọn nước được dựng lên thể hiện sự công phu, làm việc tỉ mỉ, đây là thành quả lao động, nhờ sự kết hợp của những chàng trai sức vóc và những người già có kinh nghiệm, có sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú. Cứ như thế, từ thế hệ này sang thế hệ khác, cuộc sống của người dân miền sơn cước luôn gắn liền với hình ảnh chiếc cọn nước bên cạnh, cọn nước đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Tày.

Những năm qua nhờ các chương trình, dự án, miền núi đã và đang có thêm nhiều kênh mương bê tông cốt thép tưới nước cho các cánh đồng, do đó còn không nhiều gia đình duy trì cách lấy nước thủ công bằng những chiếc cọn làm từ những vật liệu thô sơ như vầu. tre, nứa. Mặc dù vậy, người Tày nơi đây vẫn sâu nặng một niềm tin di sản cọn quay là những nốt nhạc vui mang hồn cây, hồn suối, ngân mãi bản tình ca về một miền quê giàu bản sắc đang tươi mới từng ngày. Hiện nay, người dân ở nhiều huyện thuộc tỉnh Tuyên Quang đã chuyển sang sử dụng máy bơm hay hệ thống kênh mương kiên cố, riêng đồng bào Tày ở huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, vẫn duy trì, gìn giữ nét văn hóa truyền thống sử dụng cọn nước. Bởi tính hữu ích của cọn nước rất phù hợp cho các cánh đồng cao, mảnh ruộng xa.

 Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Tri thức sử dụng cọn nước của người Tày ở Tuyên Quang là Di sản văn hóa phi vật thể. Giá trị văn hóa phi vật thể cọn nước mang màu sắc dân gian, có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với cuộc sống đời thường của đồng bào và trở thành di sản không thể thiếu trong cộng đồng người Tày. Điều này lý giải vì sao cọn nước có được sức mạnh bền bỉ để trường tồn, vượt qua bao biến thiên của thời gian cũng như thời cuộc vẫn tồn tại cho đến ngày nay./.

Mộc Miên

Xem tin theo ngày:   / /