Giáo dục và đào tạo luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, được coi là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi chúng ta phải đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới; theo đó, người thầy có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay.
Giáo dục và đào tạo luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, được coi là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi chúng ta phải đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới; theo đó, người thầy có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà và nhấn mạnh tầm quan trọng của người thầy. Người nói: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hoá”. Hay trong bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào tháng 10/1964, Bác căn dặn: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất.
Kế thừa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, thấm nhuần lợi dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn thống nhất quan điểm chỉ đạo: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”, “phát triển giáo dục và đào tạo nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Trong nhiều kỳ Đại hội, Đảng ta xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là một nhiệm vụ quan trọng, cụ thể: Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Thực hiện chuẩn hoá đội đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo”; đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”, “xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”… Như vậy, sứ mệnh và vai trò của người thầy là rất lớn; bởi đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là người đào tạo cán bộ cho đất nước, là “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá” truyền bá những kiến thức, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, hệ thống các giá trị tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại cho các thế hệ học sinh, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nước nhà.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Cùng với sự phát triển giáo và đào tạo của cả nước nói chung, nền giáo dục và đào tạo của tỉnh ta trong những năm qua cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; trong đó có sự hy sinh, đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên – những người đang trực tiếp thực hiện sứ mệnh “trồng người” được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Những năm qua, tỉnh không ngừng quan tâm, thu hút, tạo điều kiện về mọi mặt để từng bước nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành. Hiện nay, ngành giáo dục của tỉnh đang có 13.638 người làm việc; trong đó, riêng giai đoạn 2016-2020, đã thu hút được 106 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc và người có trình độ cao về công tác tại tỉnh, trong đó có 02 học sinh đã từng đạt giải quốc gia về công tác tại Trường THPT Chuyên theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ và Nghị quyết số 09/2016/NQ-HĐND ngày 06/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; tổ chức thi tuyển 08 chức danh Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để bổ nhiệm, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cán bộ quản lý giáo dục; có nhiều nhà giáo được vinh dự công nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú...
Đất nước ta đang trong thời kì thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Hơn bao giờ hết, người thầy cần xác định rõ sứ mệnh, trách nhiệm và phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Đội ngũ nhà giáo trước hết cần cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nghề dạy học, vận dụng sáng tạo và tổ chức tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, là tấm gương sáng cho học trò noi theo. Đồng thời, phải luôn không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, vững chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, cập nhật kiến thức khoa học chuyên sâu theo lĩnh vực, chuyên ngành, đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, vận dụng linh hoạt phương pháp dạy và học đảm bảo lý thuyết gắn với thực hành, từ đó hình thành các kỹ năng tốt cho học sinh để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, xứng đáng là “Người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hoá”.
Phương Linh