Một số trò chơi dân gian độc đáo của người Tày ở Tuyên Quang

Thứ Tư, ngày 29 tháng 11 năm 2023 - 10:02 Đã xem: 8341

Tuyên Quang là vùng đất sinh thành ra nhiều trò chơi dân gian, có ý nghĩa gắn kết cộng đồng sâu sắc. Các trò chơi dân gian đó đã và đang được đồng bào Tày nơi đây gìn giữ, truyền lại, nhất là trong dịp đón xuân năm mới.

Đánh quay, đánh cù

Tiếng Tày gọi là “tức sàng” (có nơi gọi là “tức sáng”), là trò chơi dân gian phổ biến ở hầu hết các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đây là trò chơi ngoài trời, người chơi chủ yếu là nam giới, các trẻ em trai và không phân biệt tuổi tác. Nhưng đối với bà con dân tộc Tày ở Tuyên Quang, trò chơi này không chỉ có nam giới mà còn thu hút được nhiều chị em phụ nữ tham gia.

Vào khoảng thời gian cuối năm, khi mùa màng đã thu hoạch xong, bà con sẽ tìm chọn những loại cây cứng, dẻo dai như lim, đinh, ổi, bưởi… để cắt gọt, đẽo vuốt thành những chiếc quay đẹp mắt, khỏe khoắn, với kích thước phổ biến là vừa lòng tay nắm của người trưởng thành, cao 5 đến 7 cm. Ngoài ra, để chơi được trò chơi này cần một sợi dây kết từ vải, sợi bông hoặc cây lanh dài khoảng sải tay người trưởng thành.

Địa điểm để chơi phải là khu đất trống bằng phẳng. Người chơi sẽ dùng sợi dây mềm để quấn từ chân lên đến gần phần đỉnh của chiếc quay, sau đó văng mạnh xuống vị trí đất đã định, rồi lập tức giật mạnh trở lại để tạo lực cho con quay quay dưới mặt đất.

Luật chơi cũng rất phong phú, đa dạng và cũng có thể chơi theo từng cặp, nhóm hoặc đơn lẻ. Nhưng phổ biến nhất là mỗi bên 2 người đấu với nhau.

Trước khi vào cuộc chơi, hai bên cùng đồng thời điều khiển con quay của mình xuống đất để xem bên nào quay được lâu hơn thì sẽ thắng. Bên thua sẽ phải xuống quay trước để cho bên thắng tấn công, nếu bên tấn công không làm con quay của bên thua ngừng quay hoặc tấn công không trúng thì sẽ bị thua và phải xuống quay ngược lại cho đối phương tấn công. Việc đó cứ lặp đi lặp lại đến khi nào đủ số lượt theo quy ước của mỗi lần chơi sẽ chọn ra bên thắng chung cuộc. Phần thưởng của bên thắng cũng rất đơn giản, đa số không bằng hiện vật, chỉ là những câu nói, những hình vẽ dưới nền đất.

Trò chơi này cũng yêu cầu người chơi phải có sức khỏe, tinh mắt, linh hoạt thế đứng, tính toán nhanh, chuẩn xác mới đánh trúng con quay đang vừa quay vừa di chuyển vị trí liên tục dưới mặt đất. Việc chơi chò trơi này thường xuyên cũng giúp người chơi rèn luyện sức khỏe và vui vẻ hơn trong cuộc sống.

Đánh yến

Tiếng Tày gọi là “tức yền” (hay “tức yến”), là trò chơi khá phổ biến dịp đầu xuân năm mới của người Tày Tuyên Quang. Trước Tết chừng nửa tháng, những phụ nữ Tày cùng nhau ngồi bên nhà sàn để làm những quả yến. Công việc này nhẹ nhàng, không tốn sức nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ và khéo léo. Quả yến được kết bằng lông gà một bên cánh mềm, mượt, đẹp, thân cây nứa tép, lá cọ. Khi tổ chức trò chơi đánh yến, người dân thường chọn một khu đất rộng rãi, bằng phẳng. Đánh yến phù hợp với mọi lứa tuổi, ai ai cũng có thể chơi được.

Quả yến

Trò chơi được chia làm hai đội, có thể nguyên nam, nguyên nữ, có thể cả nam cả nữ xen kẽ hoặc đơn nam, nữ. Thường khi chơi đánh yến, các đội chơi được chia theo bản để tạo sự hứng thú và động lực khi thi đấu. Khi đánh, người chơi có thể dùng tay hoặc dùng vợt tự chế để đỡ và đánh quả yến. Trong quá trình đánh, các thành viên của hai đội chơi cố gắng đỡ và đánh quả yến sang đội bạn, không để quả yến rơi xuống đất. Nếu đội nào để quả yến bị rơi xuống đất thì đội đó bị tính điểm thua.

Đánh yến ở vùng cao Tuyên Quang là trò chơi dân gian đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn của đôi bàn tay, sự chú ý của mắt và nhanh trí xử lý. Trong khi chơi, rất cần sự phối hợp của cả tập thể đội chơi, sự cổ vũ của khán giả. Trò chơi này được đồng bào Tày tổ chức vào những ngày đầu xuân tại bản hoặc trung tâm các xã, tại sân vận động, cùng với các trò chơi dân gian khác như đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co... 

Đây là một trong những trò chơi thể hiện tinh thần đoàn kết, sự gắn kết cộng đồng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho đồng bào Tày sau những giờ lao động mệt nhọc, vất vả.

Đi cà kheo

Để làm cà kheo, người ta sử dụng cây tre to vừa tay cầm, nhưng phải chọn cây tre già đặc và gióng ngắn. Tre được cắt sao cho phù hợp với chiều cao của người chơi, và đặc biệt, phải giữ lại một phần có chạc ở mắt gióng để làm giá đỡ cho chân và cơ thể. Với loại tre này, dày thân và dẻo, giúp tránh gãy hoặc nứt khi sử dụng.

Trước đây, cà kheo thường được làm cao bằng sàn nhà khoảng 2 mét. Thanh niên trai bản thường đi chọc sàn hoặc tụ tập bạn gái bằng cà kheo. Chỗ để chân từ trụ cà kheo thẳng ra chỗ chạc tre, bà con lấy một gióng tre to hơn một đầu gắn với cây trụ chính và một đầu có chạc tre đỡ. Điều này tạo thành hình tam giác giúp chân bám chắc và giữ thăng bằng trên chiếc cà kheo.

Tung còn (ném còn)

Quả còn sẽ được những người con gái trong bản, làng khâu thành. Các quả Còn với nhiều múi vải sặc sỡ. Quả còn có hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Trên quả còn còn thêu thêm các tua vải nhiều màu để trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay.

Lễ hội tung còn xã Yên Hoa, huyện Na Hang

Sân tung còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn cột còn. Cây còn được người Tày dựng lên từ thân cây mai có chiều cao khoảng 20 m -30 m, tùy theo lựa chọn của người dân. Ngọn cây còn được uốn thành hình vòng cung có dán giấy đỏ, hồng tâm để người dân có thể tung còn vào vòng tròn đó. Theo quan niệm của người Tày, khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt qua vòng còn trên đỉnh cột là thắng cuộc.

Trò chơi dân gian độc đáo này của người Tày ở Tuyên Quang chính là mơ ước của người dân về một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Ngoài ra, người tung quả còn bay cao mang đi cái rủi ro, đau ốm, cái úa vàng héo hon của cây trái, cầu mong một năm an khang thịnh vượng, mọi điều tốt lành.

Các trò chơi dân gian có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tày ở Tuyên Quang. Cuộc sống hiện đại đã khiến một số trò chơi dân gian ngày càng bị mai một đi. Do vậy, việc bảo tồn và phục hồi các trò chơi dân gian chính là gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tày xứ Tuyên./.

Mộc Miên

Xem tin theo ngày:   / /