Nghề thủ công truyền thống của người Tày ở Tuyên Quang

Thứ Năm, ngày 14 tháng 12 năm 2023 - 10:05 Đã xem: 8858

Người Tày ở Tuyên Quang vẫn gìn giữ, phát triển các nghề như: Đan lát, nghề mộc, nấu rượu, làm bún…Các nghề thủ công truyền thống được hình thành từ lâu đời, làm phong phú thêm hoạt động kinh tế, văn hóa đồng bào các dân tộc, rất cần được bảo tồn, gìn giữ.

Nghề trồng bông, dệt vải

Nghề trồng bông, dệt vải, dệt thổ cẩm rất phổ biến đối với nguời Tày. Hầu hết nhà nào cũng có nương để trồng bông. Ở Tuyên Quang, câu hát: “Cánh đồng bông trắng đất Lăng Can” là một trong những câu hát nổi tiếng nhất nói về nghề trồng bông, dệt vải của đồng bào Tày nơi đây. Bông thu hoạch về được cán bỏ sạch hạt, se sợi rồi dệt thành vải. Vải thường được nhuộm chàm để may thành quần áo, chăn màn. Ngay từ khi trở thành thiếu nữ, phụ nữ Tày đã có những mảnh nương riêng để trồng bông, được các bà, các mẹ dạy cho cách se sợi, dệt vải, quần áo, chăn màn để dùng hàng ngày và mang về nhà chồng sau này. Người Tày dệt thổ cẩm với màu sắc chủ đạo là đỏ, xanh, vàng trên mặt địu, vỏ chăn.

Khung cửi dệt vải, thổ cẩm của người Tày ở Tuyên Quang

Nghề mộc

Các sản phẩm của nghề mộc được thể hiện qua kỹ thuật dựng nhà, hoa văn trang trí trong ngôi nhà sàn truyền thống; qua công cụ lao động, các đồ vật trong sinh hoạt hàng ngày như bàn, ghế, giường, tủ, chõ xôi, lỏong (dụng cụ để đập lúa), bao dao máng đựng nước dưới cầu thang lên nhà… Ngoài ra, một dụng cụ độc đáo thể hiện trình độ cao của nghề mộc chính là cọn nước có cối giã gạo bằng sức nước. Cối giã bằng chân gồm một cối đá chôn xuống đất, chày ngắn được gắn vuông góc với cần gỗ dài khoảng hai mét. Đầu kia của cần gỗ gắn vào một khung gỗ chắc chắn theo kiểu bập bênh. Người ta cho thóc vào cối rồi đứng lên khung gỗ, dùng chân nhún cần gỗ xuống để nâng chày lên. Khi bỏ chân ra, cần gỗ trở về vị trí như cũ thì chày rơi xuống cối. Cối giã gạo bằng nước thường đặt ở bờ suối hoặc nơi có mỏ nước lần.

Nghề nấu rượu

Người Tày ở Tuyên Quang nổi tiếng nhất với nghề nấu rượu ngô men lá thủ công. Ngô sau khi nấu xong để nguội rồi được ủ cùng men. Mỗi quả men là sự hòa quyện của hơn 20 loại lá rừng. Nào riềng, lá ớt, sả, lá mít, cán cuông, nhá héo, vát vẹo, trầu, rau răm, nét ti, chá pái, keng nộc kiêu, lác tọc, lác khà, nhân trần, tham chàng, chí ốt, tham ngàm… Ngô được ủ khoảng nửa tháng là có thể đem đi nấu cách thủy.

Ngô bung trước khi được ủ men lá

 Nhấp chén rượu ngô cay nồng, ta có thể cảm nhận được tất cả mùi vị. Đây vị cay cay, thơm thơm của riềng, của lá ớt, của sả…vị thanh thanh, mát mát của nhân trần, vị hăng hăng của vát vẹo, vị ngọt đậm đà của ngô, vị đắng đắng của chí ốt… Người Tày sử dụng rượu để uống khi có khách quý đến nhà, trong các dịp lễ, tết, cầu cúng… Ngoài ra, rượu còn được dùng để ngâm các loại cây thuốc với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như: chữa đau nhức xương khớp, ăn không tiêu, tăng cường lưu thông khí huyết…

Nghề đan lát

Nguyên liệu của nghề đan lát là giang, tre, song, mây, nứa, vầu… Địa bàn cư trú của người Tày là vùng rừng núi nên nguyên liệu cho nghề này rất sẵn có trong tự nhiên. Có lẽ, chính vì vậy mà nghề này trở nên phổ biến trong sinh hoạt của người Tày. Người Tày không dùng quang gánh hoặc thúng đội như người Kinh mà dùng đôi “dậu” (trong tiếng Tày gọi là “tổi chau”) để gánh thóc, luá, ngô… Dậu được đan theo kiểu nong đôi, các hàng nan ken khít; đáy vuông, có hai thanh tre dày, cứng bắt chéo để chịu lực; thân tròn, cao khoảng 40-45cm. Mỗi chiếc dậu có hai quai đối xứng. Quai ngắn chỉ vừa đủ để xỏ đòn gánh. Các góc đáy và miệng, quai dậu được ken bằng sợi mây chắc chắn và đẹp mắt. Dậu được đan xong thường để trên gác bếp, đến khi có màu nâu sẫm của bồ hóng mới mang ra dùng.

Ngoài ra, người Tày dùng nứa tép hoặc vầu để nguyên cây, băm dập và đan nong đôi, các hàng ken khít thành tấm thảm lớn bằng 2,3 chiếc chiếu (tiếng Tày gọi là “thạp”) dùng để phơi thóc, phơi ngô.

Nghề làm bún

Để làm ra sợi bún ngon và đảm bảo chất lượng không chỉ đòi hỏi công thức làm bún mà còn cần sự tinh tế và kinh nghiệm, bàn tay khéo léo của người làm bún. Gạo bao thai sau khi được ngâm nước (pha thêm một chút muối) sẽ được nghiền ướt, nhào thành bột, rồi cho vào khuôn ép để đùn thành sợi bún to. Công phu nhất là công đoạn phơi, người dân phải dỡ thành từng sợi phơi khô tự nhiên trong khoảng vài ngày để giữ được hương thơm. Sau đó, bún được đóng gói thành từng bó, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Sản phẩm bún khô 

Sợi bún giòn dai, thơm mùi thơm đặc trưng của gạo và dù có nấu đi hay đun lại thì cũng không bị vữa nát như các loại bún khác.

Mộc Miên

Xem tin theo ngày:   / /