Sau 2 năm rưỡi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, công tác giáo dục trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô và mạng lưới trường, lớp được rà soát, sắp xếp phù hợp. Toàn huyện có 46 trường đạt chuẩn quốc gia; đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo, được bồi dưỡng về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng lên, số học sinh giỏi ngày càng tăng. Công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả tốt. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ được tăng cường.
Đảng bộ huyện lãnh đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, giáo dục học sinh giỏi. Lựa chọn, bồi dưỡng và thành lập đội tuyển tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; đã có 143 lượt học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 1.130 lượt học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện.
Yên Sơn duy trì và giữ vững thành quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở. Tích cực huy động trẻ đi nhà trẻ theo Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI); tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ đạt 50%. Quy mô mạng lưới trường, lớp học mở rộng và được đầu tư gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2021 đến nay, đã dồn ghép được 10 phân hiệu, điểm trường mầm non; 13 phân hiệu, điểm trường tiểu học; sáp nhập 05 trường có quy mô nhỏ thành trường liên cấp phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phú Thịnh, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trung Trực, Tiểu học và Trung học cơ sở Quý Quân, Tiểu học và Trung học cơ sở Công Đa, Tiểu học và Trung học cơ sở Trung Minh). Thành lập 04 trường phổ thông dân tộc bán trú: Trung học cơ sở Kiến Thiết, Hùng Lợi; Tiểu học Hùng Lợi 1; Tiểu học và Trung học cơ sở Đạo Viện. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sự nghiệp giáo dục của huyện, xây dựng mới 09 trường học, nâng cấp 198 phòng học, 75 công trình phụ trợ với tổng kinh phí trên 139 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 46 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó: 15 Trường Mầm non, 14 trường Tiểu học, 17 trường Trung học cơ sở và liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở.
Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 226 cán bộ, giáo viên tham gia các lớp nâng cao trình độ chuyên môn; 193 giáo viên bồi dưỡng chứng chỉ liên môn. Hằng năm, có trên 2.300 cán bộ, giáo viên tham gia bồi dưỡng chính trị trong hè; cử 1.929 cán bộ, giáo viên đi học các lớp để nâng cao trình độ chuyên môn (trong đó: Thạc sỹ 20, đại học 1.027, cao đẳng 783; trung cấp 99); 783 người tham gia đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị (trung cấp 278, sơ cấp 505); 242 người bồi dưỡng chương trình Quản lý giáo dục; 13 người bồi dưỡng quản lý Nhà nước chương trình Chuyên viên; 1.262 người bồi dưỡng tin học; 1.385 người bồi dưỡng ngoại ngữ. Các trường học đã tăng cường công tác quản lý trên các lĩnh vực sử dụng tài chính, cơ sở vật chất trường, lớp học; quản lý cán bộ, giáo viên và học sinh.
Đẩy mạnh thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá. Các trường học khai thác tối ưu, hiệu quả các thiết bị điện tử; phần mềm hỗ trợ dạy học Zoom, Microsoft Teams…; tổ chức tốt các sân chơi trực tuyến qua Internet: Trạng Nguyên Tiếng Việt, Violympic (môn Toán, Tiếng Việt), Olympic Tiếng Anh qua mạng (IOE); sử dụng phần mềm quản lý vnEdu trong quản lý dữ liệu và đáp ứng nhu cầu liên thông cơ sở dữ liệu ngành… Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh có nhiều chuyển biến tích cực.
Công tác xã hội hóa là giải pháp quan trọng góp phần đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cho ngành giáo dục của huyện, đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2021 đến nay, đã huy động được trên 4 tỷ đồng để xây 05 phòng học, 04 phòng vệ sinh khép kín và 202 các hạng mục phụ trợ cùng hệ thống đèn chiếu sáng.
Công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả tốt; công tác đào tạo, dạy nghề được mở rộng bằng nhiều hình thức với các ngành có lợi thế của huyện như: Chế biến nông sản, lâm sản, trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa cơ khí... quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giảng dạy cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện để nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế của thị trường và yêu cầu sử dụng lao động. Đào tạo nghề cho 868/2.160 lao động nông thôn; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 61,5% năm 2020 lên 66,7% năm 2022; trong đó, tỷ lệ có bằng, chứng chỉ đạt 24,2%. Công tác chuyển đổi số được quan tâm triển khai đạt kết quả, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, phục vụ nhân dân.
Agribank huyện Yên Sơn tích cực tham gia công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện
Thời gian tới, Yên Sơn xác định tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống trường học gắn với bố trí cán bộ, quản lý, giáo viên. Huy động trẻ đi nhà trẻ đảm bảo đạt kế hoạch; tiếp tục xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước cho học sinh và giáo viên. Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, nâng cao chất lượng, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải nguy hại bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện. Tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường tại khu xử lý rác thải xã Nhữ Khê. Triển khai thực hiện Chương trình ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025.
Đào Việt Dũng