Hiệp định Pari về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của Nhân dân ta ở cả hai miền đất nước. Đã tạo ra bước ngoặt mới của dân tộc Việt Nam dẫn đến ngày toàn thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hội nghị Pari về Việt Nam (ảnh tư liệu)
Ngày 22/01/1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, đúng 12 giờ 30 phút (giờ Pari) Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kitxinhgiơ ký tắt. Ngày 27/11/973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đã được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao các bên.
Năm 1968, sau hàng loạt những thất bại nặng nề của chiến lược chiến tranh cục bộ và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Mỹ bắt đầu đề cập đến thương lượng. Cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức diễn ra ở Paris. Phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy đứng đầu và phái đoàn Mỹ do Hariman đứng đầu. Trong những phiên đàm phán đầy căng thẳng, mỗi bước tiến, mỗi từ ngữ trong văn bản hiệp định đều được cân nhắc kỹ lưỡng. Các chiến thắng quân sự mà quân và dân Việt Nam đạt được trong những năm 1971 và 1972 như: Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Đông Bắc và Đông Nam Cam-pu-chia trong năm 1971; các chiến dịch tiến công Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Bình Định, Khu 8 Nam Bộ... trong năm 1972 đã làm quân Mỹ - ngụy bị thiệt hại nặng nề, từng bước làm phá sản chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và tạo thế thuận lợi cho Việt Nam trên bàn đàm phán. Đêm 18/12/1972, cuộc đụng đầu lịch sử, bằng B52 của Mỹ trong 12 ngày đêm được ví là Trận Điện Biên Phủ trên không, kết thúc bằng việc 38 pháo đài bay B52 và 43 máy bay chiến đấu khác của Mỹ bị bắn rơi ngay trên bầu trời Hà Nội. Thất bại của Mỹ trên chiến trường miền Nam cùng với thất bại của không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Hà Nội, đẩy Mỹ vào thế thua không thể gượng nổi, buộc chúng phải chấp nhận thất bại, nối lại đàm phán tại Pari. Trên tư thế bên chiến thắng, phái đoàn ta tại cuộc đàm phán đã kiên quyết đấu tranh giữ vững nội dung của dự thảo Hiệp định đã thoả thuận [1].
Trong thời gian khoảng 05 năm, Hiệp định Pari đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Trong các phiên họp chung công khai cũng như các cuộc tiếp xúc riêng, phía Việt Nam không bỏ qua bất cứ vấn đề quan trọng nào có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Đông Dương, nhưng tập trung mũi nhọn đấu tranh vào hai vấn đề mấu chốt nhất là đòi rút hết quân Mỹ và quân 5 nước thân Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khỏi miền Nam, đòi họ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam [2].
Việt Nam đã tận dụng triệt để lợi thế của bối cảnh bên ngoài lúc bấy giờ để đưa Hiệp định Paris lên bàn đàm phán: (1) Đó là sự ủng hộ của đông đảo cộng đồng người Việt (2) Vai trò của dư luận, không ở đâu có khả năng tập hợp được dư luận và thông tin một cách nhạy bén như ở Paris, địa điểm có thể ví như đầu não thông tin của thế giới lúc bấy giờ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam luôn chiếm gần một nửa thời lượng thông tin thời sự quốc tế; (3) Sự giúp đỡ về vật chất của Đảng Cộng sản Pháp (PCF) dành cho Việt Nam khi tham gia đàm phán, một lực lượng chính trị rất mạnh ở Pháp lúc bấy giờ. PCF còn có vai trò tích cực trong việc tập hợp các lực lượng chính trị và nhân dân Pháp ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam.
Bản Hiệp định Paris về Việt Nam gồm 9 chương, 23 điều với những nội dung chủ yếu: (1) Hai bên ngừng bắn ở miền Nam, Hoa Kỳ cam kết chấm dứt mọi hoạt động quân sự chống phá miền Bắc Việt Nam; (2) Hoa Kỳ cam kết rút hết quân đội của mình và quân đồng minh, không dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam; (3) Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do, không có sự can thiệp của nước ngoài; (4) Các bên thừa nhận thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị; (5) Hai bên trao trả tù binh và dân thường bị bắt; (6) Hoa Kỳ cam kết góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương; (7) Hoa Kỳ cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Ngày nay, khi mỗi chúng ta nhìn lại quá khứ, không chỉ để nhớ về những gì đã qua mà còn để học hỏi và vận dụng vào hiện tại và tương lai. Thắng lợi của Hiệp định Paris vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, cũng như là nguồn cảm hứng cho những thế hệ sau này trong việc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Hiệp định Paris không chỉ là một thỏa thuận trên pháp lý, mà còn tượng đài của lòng quả cảm, của sức mạnh tinh thần và niềm tin vào công lý và hòa bình. Nó nhắc nhở chúng ta về giá trị của hòa bình, về sức mạnh của đoàn kết.
Trên bầu trời Paris hôm ấy, không chỉ là bình minh của hòa bình mà còn là minh chứng sống động của khát vọng không bao giờ tắt của Nhân dân Việt Nam - một khát vọng về một tương lai tươi sáng, về một Việt Nam hòa bình, độc lập và thịnh vượng.
Đỗ Hồng Thanh
1. Đặng Hoàng Linh, Ý nghĩa Hiệp định Paris năm 1973: hơn cả một hiệp định kết thúc chiến tranh, Tạp chí Quản lý Nhà nước, Cơ quan Nghiên cứu và ngôn luận của Học viện Hành chính Quốc gia, số 324, 1/2023.
2. Đinh Phương, Hiệp định Pari năm 1973 - Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam; Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, hệ thống tư liệu văn kiện Đảng; 26/01/2018.