Xã Yên Phú đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng sản phẩm OCOP

Thứ Hai, ngày 29 tháng 1 năm 2024 - 14:21 Đã xem: 5022

Những năm qua, xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Phú, huyện Hàm Yên đạt nhiều kết quả tích cực. Yên Phú là xã sản xuất cây ăn quả, cây quả cảnh với khối lượng sản phẩm lớn của huyện Hàm Yên, đây là sản phẩm chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân địa phương và các vùng lân cận, đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống Nhân dân.

Xã Yên Phú, huyện Hàm Yên có tổng diện tích đất tự nhiên: 9.352,47 ha (trong đó: Đất nông nghiệp: 1.376,47 ha, chiếm 14,71%; đất lâm nghiệp: 7.347,90 ha, chiếm 78,56%; đất nuôi trồng thủy sản: 22,3 ha chiếm 0,24%; đất phi nông nghiệp 393,11 ha chiếm 4,2%. Về dân số, xã có gần 2.200 hộ với gần 9.000 nhân khẩu, có 12 dân tộc cùng chung sống, số hộ sản xuất nông nghiệp chiếm 84,5%.

Là xã miền núi, đối với xã Yên Phú sản xuất nông nghiệp giữ vai trò rất quan trọng. Tỷ lệ lao động làm nông nghiệp hiện chiếm gần 80% dân số, sinh sống phân bổ đều trên cả 3 khu vực của xã, với nghề chính là sản xuất nông, lâm nghiệp. Với tiềm năng sẵn có, Yên Phú có điều kiện phát triển mạnh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, bên cạnh đó còn có điều kiện thuận lợi trong phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ.

Từ nhiều năm nay, xã Yên Phú đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cây ăn quả và hướng sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn. Việc đưa nhanh các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất diện rộng, chuyển dịch một bước từ sản xuất số lượng sang chú trọng chất lượng, gắn với thị trường tiêu thụ, góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Nhờ đó, năng suất và chất lượng các loại quả ngày càng được nâng cao. Các loại cây ăn quả là cây trồng có hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của xã, như: Táo, thanh long, cam, chanh, ổi, phật thủ... Diện tích, năng suất và sản lượng các loại quả qua các năm được duy trì ổn định và phát triển. Những năm gần đây, xã Yên Phú đang tập trung đầu tư vào sản xuất các loại quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Triển khai trồng dưa lưới trong nhà lưới và triển khai xây dựng nhãn hiệu Cam VietGAP, Thanh Long VietGAP, từng bước đáp ứng nhu cầu quả an toàn của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Hiện toàn xã có trên 10 mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất an toàn, giúp hình thành các mô hình tổ chức sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất thanh long, tổ hợp tác sản xuất táo, tổ hợp tác sản xuất cam… phát triển theo hướng VietGAP, nông dân Yên Phú đang dần chuyển sang sản xuất hàng hóa. đã xây dựng vùng sản xuất các loại cây ăn quả an toàn theo hướng VietGAP tại các thôn: Thôn 1, thôn 2 Minh Phú, thôn 1A Thống nhất, 1B Thống Nhất, thôn 2, thôn 3 Thống Nhất, Thôn 4, Thôn 5 Thống Nhất diện tích trên 70 ha với trên 100 hộ sản xuất tham gia. Hiện sản phẩm Táo Động Tiên Yên Phú đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của thanh niên xã Yên Phú

Mô hình trang trại trồng cây thanh long

Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng được chú trọng. Số lượng gia súc năm 2023 đạt 1.012 con; số lượng gia cầm  tăng nhanh, đến nay đạt 50.350 conNhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, thức ăn, thú y và các phương thức chăn nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào áp dụng trên địa bàn. Chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng lên. Một số mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa tiếp tục được hình thành và phát triển. Hiện Yên Phú đang vận động hình thành các mô hình chăn nuôi lợn thịt hướng nạc gia cầm … với quy mô khá lớn. Điển hình như: của hộ ông Hoàng Văn Toản, thôn 3 Thống Nhất, chăn nuôi lợn đen, lợn tên lửa của hộ gia đình ông Hà Văn Nhất thôn 5 Thống Nhất…

Thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tiến tới xây dựng các sản phẩm nông nghiệp của xã được công nhận là sản phẩm nông nghiệp OCOP, xã Yên Phú xác định tập trung quyết liệt một số giải pháp cụ thể:

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản

Đẩy mạnh việc lai tạo giống mới, mở rộng các công nghệ, mô hình sản xuất đưa nhanh tiến bộ về giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất trên diện rộng, nhất là các loại giống mới với công thức luân canh phù hợp với đặc điểm sinh thái, và phát triển sản xuất hàng hóa tập trung. Tăng cường sử dụng các công nghệ mới trong sản xuất như: Nhà màng, nhà lưới, công nghệ thu hoạch, bảo quản, công nghệ làm sạch. Sử dụng công nghệ tự động hóa trong quá trình chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Phổ biến tới các hộ về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngày càng nhiều các chuỗi giá trị nông sản trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, tổ hợp tác với doanh nghiệp nông nghiệp... để tiếp nhận các công nghệ mới, đồng bộ ở các khâu, quy trình của chuỗi, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách trong phát triển nông nghiệp và xây dựng các sản phẩm OCOP

Tăng cường công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa và thực hiện Chương trình OCOP theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các chủ thể OCOP trên địa bàn xã. Rà soát các các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lợi thế, thế mạnh chủ lực của địa phương tham gia thực hiện Chương trình OCOP, báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá, lựa chọn hướng dẫn lập hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo kế hoạch. Các sản phẩm được công nhận, phân hạng OCOP năm 2022, 2023 tiếp tục tổ chức sản xuất đảm bảo chất lượng và phát triển sản phẩm đạt thứ hạng cao hơn; trong đó cần tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nhằm ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2024 và các năm tiếp theo chủ động triển khai xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP, trình Ủy ban nhân dân huyện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các hộ sản xuất có ý tưởng phát triển sản phẩm tham gia chương trình OCOP chủ động xây dựng và triển khai thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt hiệu quả cao.

Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm khắc phục điểm nghẽn về thị trường hàng hóa và dịch vụ cho sản xuất; khơi thông và mở rộng đầu ra cho hàng hóa nông sản, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa phát triển

Khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã nông nghiệp để cung ứng các loại vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi,… giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm. Khuyến khích các chủ thể sản xuất mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường cơ giới hóa, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh nông sản hàng hóa. Trên cơ sở các chính sách của tỉnh, của huyện hỗ trợ kinh tế hộ, hợp tác xã nông nghiệp sử dụng giống mới có chất lượng cao, mua máy móc, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đơn giản hóa các thủ tục đăng ký sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của chính quyền đối với các hộ sản xuất kinh doanh; quản lý giá cả, chất lượng các loại hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa. Tăng cường các hoạt động quảng cáo, tiếp thị trên các phương tiện đại chúng, nhất là trên mạng internet. Phát triển hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, bán buôn, bán lẻ; trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ trên địa bàn huyện, tỉnh... Khuyến khích hộ sản xuất ở các thôn xây dựng các trang điện tử thương mại cá nhân; đồng thời, tham gia vào hệ thống thương mại nông sản điện tử chung của tỉnh của huyện nhằm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền tới mọi người dân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy tiểu nông, chuyển sang phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững

Tăng cường công tác phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện và các chương trình, dự án giới thiệu cán bộ, đại diện các hộ sản xuất kinh doanh tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ thuật cho thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác về kỹ năng xây dựng phương án sản xuất hiệu quả, nghiệp vụ tổ chức, quản lý, kế hoạch, tài chính, phương pháp tiếp cận thị trường, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản… Phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã nông nghiệp thông qua liên kết, hợp tác với các thành phần kinh tế khác, ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và vị thế của hợp tác xã nông nghiệp.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp

Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình bê tông hoá đường giao thông nông thôn và bê tông hoá đường vào vùng sản xuất hàng hoá để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từng bước hoàn chỉnh đường giao thông ở xã, nhất là giao thông liên thôn, đường ra vườn, ruộng, đường lên rừng để đảm bảo cho sản xuất và lưu thông hàng hoá nông sản được thuận lợi. Hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, khắc phục tình trạng kênh mương xuống cấp… nhằm đảm bảo tưới tiêu chủ động và ổn định sản xuất nông nghiệp. Phát triển mạng lưới internet, khuyến khích hộ sản xuất, hợp tác xã và các tổ hợp tác xây dựng các trang thông tin điện tử, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại nông sản điện tử. Nâng cao chất lượng hoạt động thông tin ở cơ sở đặc biệt là các thông tin phục vụ cho sản xuất, tiêu thụ nông sản để người sản xuất điều chỉnh sản xuất theo yêu cầu thị trường.

Đào Việt Dũng

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Xem tin theo ngày:   / /