Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng là bước tiến lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam

Thứ Ba, ngày 6 tháng 2 năm 2024 - 08:44 Đã xem: 2773

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã diễn ra, từ ngày 11 đến 19 tháng 2 năm 1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang là một sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử lãnh đạo của Đảng ta. Đường lối do Đại hội vạch ra đã đáp ứng yêu cầu trước mắt của kháng chiến, yêu cầu lâu dài và phát triển của cách mạng Việt Nam.

Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II họp từ ngày 11-19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang (Ảnh tư liệu BTLSQG)

Sau 16 năm kể từ Đại hội lần thứ I của Đảng, tình hình nước ta có những chuyển biến căn bản. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đưa Nhân dân ta từ người mất nước lên người làm chủ đất nước. Bấy giờ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã luôn làm tròn vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, khi tổ chức và Lãnh đạo Cách mạng của cả ba Nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Cuộc kháng chiến của ba nước Đông Dương có cùng chung một mục tiêu, cùng một chiến trường, nhưng mỗi nước đã có những bước phát triển riêng biệt. Tình hình đó đòi hỏi mỗi nước cần phải thành lập một chính Đảng cách mạng theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, trực tiếp đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử trước dân tộc mình và chủ động góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung của Nhân dân ba nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng  quy tụ 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết đại diện cho 766.349 đảng viên, cùng sự tham dự có đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc và Thái Lan. Đại hội tập trung thảo luận các báo cáo quan trọng, trong đó có báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu bật thành tựu và bài học từ quá trình lãnh đạo cách mạng, đồng thời khẳng định đường lối, chính sách của Đảng là đúng đắn [1].

Trong mười ngày làm việc, Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận báo cáo chính trị, báo cáo bàn về cách mạng Việt Nam, báo cáo về tổ chức và Điều lệ của Đảng, các báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền dân chủ nhân dân, quân đội nhân dân, kinh tế tài chính, văn nghệ nhân dân. Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày (chiều ngày 11-2) là một văn kiện có giá trị thực tiễn và lý luận to lớn. Báo cáo khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài vì độc lập thống nhất, dân chủ của Đảng là đúng đắn, cuộc kháng chiến của Nhân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhất định thắng lợi. Báo cáo nêu hai nhiệm vụ chính của Đảng lúc này là đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và tổ chức Đảng Lao động Việt Nam. Báo cáo chỉ rõ, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, phải đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang và các tổ chức quần chúng đẩy mạnh thi đua yêu nước, thi hành chính sách ruộng đất ở vùng tự do, bồi dưỡng lực lượng kháng chiến, thành lập Mặt trận thống nhất Việt - Lào - Campuchia, đoàn kết quốc tế. Về tổ chức Đảng, Báo cáo khẳng định: Chúng ta phải có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi. Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh trình bày (ngày 12-2). Trên cơ sở nhiệm vụ cách mạng, thái độ chính trị của các giai cấp trong xã hội, Báo cáo nêu rõ sự sắp xếp lực lượng cách mạng như sau: lực lượng cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản và giai cấp tư sản dân tộc, chủ yếu là công nhân và nông dân. Lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân. Báo cáo chỉ rõ cách mạng Việt Nam là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Căn cứ tình hình, nhiệm vụ, tính chất cách mạng, Báo cáo vạch ra 12 chính sách của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Toàn bộ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội của Đảng được Đại hội thảo luận và đúc kết một cách khái quát trong Chính cương Đảng Lao động Việt Nam.

Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương Điều lệ và Tuyên ngôn của Đảng. Đại hội quyết định sẽ thành lập những tổ chức cách mạng phù hợp hoàn cảnh Lào và Campuchia. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ các tổ chức cách mạng Lào và Campuchia lãnh đạo kháng chiến của hai dân tộc ấy giành thắng lợi cuối cùng. Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng do Đại hội bầu ra gồm 29 đồng chí. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu giữ chức Chủ tịch Đảng. Bộ Chính trị do Trung ương bầu gồm 7 ủy viên chính thức: Đồng chí Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, một ủy viên dự khuyết là đồng chí Lê Văn Lương. Đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng [2].

Trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập, Đảng tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đại hội II của Đảng không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến mà còn là bài học quý báu về tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường và khát vọng phát triển đất nước.

Ngày nay, Tuyên Quang đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, tích cực hướng tới phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), năm 2023, đạt 7,46%, xếp thứ 02/14 tỉnh, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, xếp thứ 01/11 tỉnh miền núi phía Bắc, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Khánh thành Tuyến đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lao Cai và nhiều công trình trọng điểm. Đây là một trong những công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh với cả nước. Tuyên Quang ngày nay đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cũng như là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng. Đảng từ bí mật trở lại hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới và là những đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận cách mạng nước ta.

Đỗ Hồng Thanh

1. TG, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (11-19/02/1951), Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương, 02/7/2015.

2. ĐCSVN, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 17/10/2019.

 

 

 

 

 

Xem tin theo ngày:   / /