Phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc sản giá trị gia tăng cao, bền vững và sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Na Hang

Thứ Tư, ngày 7 tháng 2 năm 2024 - 15:12 Đã xem: 7394

Na Hang là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang cách thành phố Tuyên Quang về phía Bắc 110 km, tiếp giáp với 6 huyện của 3 tỉnh: Tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Cao Bằng, tỉnh Hà Giang. Có tổng diện tích tự nhiên 86.353,73 ha, có 11 xã, 01 thị trấn, 114 thôn, bản, tổ dân phố. Dân số có trên 10.644 hộ với 47.619 khẩu, có 12 dân tộc sinh sống, trong đó: Dân tộc Tày chiếm 52,56%, Kinh 9,44%, Dao 27,64%, còn lại là các dân tộc khác.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 16 chỉ tiêu chủ yếu, 02 khâu đột phá, 03 nhiệm vụ trọng tâm. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chủ động, kịp thời xây dựng và ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết.

Một trong hai khâu đột phá được xác định là Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc sản, giá trị gia tăng cao. Đây được coi là hướng phát triển bền vững để Na Hang từng bước hội nhập, phát triển, nâng cao đời sống Nhân dân, bên cạnh khâu đột phá về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng.

Để thực hiện hiệu quả khâu đột phá thứ nhất về sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc sản, giá trị gia tăng cao, huyện đã có những định hướng phát triển kinh tế mang tính đặc trưng, đặc thù trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; nhiều cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án thúc đẩy sản xuất được triển khai. Do vậy, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của huyện ngày càng phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa ngày càng rõ nét. Với những tiềm năng và cơ chế đi kèm, huyện đã tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế và đạt được kết quả quan trọng.

Giai đoạn 2021-2023, ngành nông nghiệp của huyện duy trì giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân hằng năm xấp xỉ đạt 4%. Sản lượng lương thực đạt và vượt mục tiêu đề ra. Lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi từng bước xây dựng và phát triển các vùng hàng hóa, có quy mô phù hợp; một số cây trồng, vật nuôi đặc sản, có lợi thế như cây chè Shan tuyết, cây lúa nếp đặc sản, cây rau trái vụ, cây dược liệu, trâu, bò, gà thả đồi, lợn đen, cá đặc sản… được đẩy mạnh sản xuất theo hướng chú trọng vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác áp dụng khoa học kỹ thuật vào đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Đến hết năm 2023, toàn huyện có 02 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý (chè Shan Tuyết Na Hang, rượu ngô men lá Na hang); 08 sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm (Chè Shan tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái) đủ điều kiện dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao cp quốc gia. Các sản phẩm đã có thương hiệu, xuất bán thường xuyên được người tiêu dùng ưa chuộng như: Chè Shan tuyết (Hồng Thái, Sinh Long, Sơn Phú); Rượu ngô men lá Na Hang (Kim Long, Trung Phong, Thức Mần, Chí Tín, Năng Khả...); lúa nếp đặc sản (Thượng Nông); bún khô (Đà Vị); thịt lợn đen, thịt lợn chua (Thanh Tương); gà đồi (Năng Khả), cá đặc sản Na Hang...

Mô hình nuôi gà đồi

Mô hình trồng cây thanh long

Trong quá trình triển khai thực hiện khâu đột phá, bên cạnh thuận lợi, huyện gặp một số khó khăn cần khắc phục, đó là: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện; liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững; doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư chế biến nông, lâm, thủy sản còn ít; sản phẩm thô là chủ yếu, sản phẩm OCOP còn khiêm tốn, sức cạnh tranh chưa cao; công tác xây dựng nhãn mác, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế... Những khăn này đã được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm giải quyết từng bước với sự đồng thuận, vào cuộc của các cấp và Nhân dân các dân tộc trong huyện.

Với nhận thức đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc sản giá trị gia tăng cao, bền vững và phát triển sản phẩm OCOP là khâu đột phá quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, là hướng phát triển ổn định, bền vững của Na Hang. Do đó, việc thực hiện các giải pháp để phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc sản giá trị gia tăng cao là rất cấp thiết. Thời gian tới, Na Hang tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh, của huyện đã ban hành. Thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Đề án sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc sản, giá trị gia tăng cao và bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phát triển các sản phẩm chủ lực, ưu tiên các sản phẩm đặc sản truyền thống, đặc trưng của các địa phương với quy mô phù hợp, theo thế mạnh vùng sản xuất của các địa phương và thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất, chế biến nông lâm sản. Phát triển thêm các hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối triển khai các mô hình liên kết chuỗi giá trị; tích cực triển khai các chương trình hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp.

Tăng cường quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch, phát triển các ngành hàng chủ yếu, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, các giải pháp đối với nông sản chủ lực, đặc trưng của huyện. Khai thác tiềm năng, lợi thế, thế mạnh của từng xã, từng vùng để phát triển các sản phẩm nông sản; mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (hữu cơ, VietGAP,…). Thúc đẩy xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển mạnh giao dịch thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông sản.

Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở; đổi mới quan điểm chỉ đạo từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy mô sản xuất phù hợp với lợi thế từng vùng, quỹ đất, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu. Gắn công tác đào tạo nghề cho nông dân với tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới. Thường xuyên quan tâm bảo tồn khôi phục nguồn gen của các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, bản địa, đặc sản, quý hiếm của địa phương; phát huy các giá trị của cây trồng, vật nuôi bản địa gắn với chuyển đổi cơ cấu theo hướng nghiên cứu, bổ sung một số loại cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, giá trị gia tăng cao để đưa vào sản xuất.

Đào Việt Dũng

Xem tin theo ngày:   / /